Cập nhật danh sách Bệnh viện tuyến Trung ương mới nhất
Bệnh viện tuyến trung ương là nơi tập trung đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh chuyên sâu. Nếu bạn đang cần tìm kiếm danh sách bệnh viện này tại Việt Nam để lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh uy tín, bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cập nhật mới nhất giúp bạn dễ dàng tìm được bệnh viện phù hợp với nhu cầu.
Bệnh viện tuyến trung ương hầu hết là bệnh viện cấp chuyên sâu theo quy định mới
1. Bệnh viện tuyến trung ương là gì?
Bệnh viện tuyến trung ương là những cơ sở y tế có chuyên môn cao nhất trong hệ thống khám chữa bệnh tại Việt Nam. Đây là nơi tập trung đội ngũ bác sĩ, chuyên gia hàng đầu và được trang bị thiết bị y tế hiện đại để thực hiện các kỹ thuật điều trị chuyên sâu.
Hiện nay có 39 bệnh viện tuyến trung ương (viết tắt: BVTW) trực thuộc 2 Bộ là Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng.
Căn cứ Điều 6, Thông tư 40/2015/TT-BYT và Công văn số 978/BYT-BH của Bộ Y tế ban hành ngày 25/02/2016 hướng dẫn triển khai việc thực hiện Thông tư số 40/2015/TT-BYT, các cơ sở khám chữa bệnh sau đây được xác định là cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương và tương đương:
(1) Bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ Y tế;
(2) Bệnh viện chuyên khoa, Viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế có Phòng khám đa khoa hoặc không có Phòng khám đa khoa;
(3) Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Thống Nhất trực thuộc Bộ Y tế;
(4) Bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Quốc phòng, Viện Y học cổ truyền Quân đội, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, tại Điều 104, Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2025 đã có những quy định mới về việc phân chia cấp chuyên môn bệnh viện. Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được phân thành 03 loại theo cấp chuyên môn kỹ thuật, bao gồm: Cấp chuyên sâu, cấp cơ bản và cấp ban đầu. Trong đó, hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương là bệnh viện cấp chuyên sâu.
Bệnh viện tuyến trung ương gồm các cơ sở y tế hàng đầu tại Việt Nam
2. Danh sách bệnh viện tuyến trung ương và tương đương
Theo quy định mới từ năm 2025, hệ thống bệnh viện tuyến trung ương sẽ có sự thay đổi về tên gọi và phân cấp. Cụ thể, thay vì phân chia thành các tuyến như trước đây, các bệnh viện sẽ được phân loại theo ba cấp độ chuyên môn kỹ thuật:
1. Cấp ban đầu: Đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, điều trị ngoại trú và quản lý bệnh tật tại cộng đồng.
2. Cấp cơ bản: Thực hiện khám, điều trị ngoại trú và nội trú tổng quát, đồng thời đào tạo thực hành tổng quát.
3. Cấp chuyên sâu: Phụ trách điều trị chuyên sâu, nghiên cứu và đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, quy định mới về bảo hiểm y tế áp dụng từ năm 2025 cũng mở rộng quyền lợi cho người bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh hiểm nghèo.
Mặc dù từ 2025 có sự thay đổi về tên gọi đối với các bệnh viện tuyến trung ương (BVTW) tuy nhiên danh sách các bệnh viện này vẫn duy trì theo quy định trước đây, với 39 bệnh viện thuộc Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng.
2.1 Bệnh viện tuyến trung ương & tương đương thuộc Bộ Y tế
Theo Trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Y tế đã niêm yết công khai danh sách 34 BVTW thuộc Bộ Y tế gồm:
STT |
Bệnh viện tuyến trung ương |
Phân cấp theo cấp độ chuyên môn từ năm 2025 |
1 | Bạch Mai | Bệnh viện cấp chuyên sâu mức kỹ thuật cao |
2 | Chợ Rẫy | Bệnh viện cấp chuyên sâu mức kỹ thuật cao |
3 | C Đà Nẵng | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
4 | Châm cứu Trung ương | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
5 | Y học cổ truyền Trung ương | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
6 | Đa khoa Trung ương Cần Thơ | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
7 | Phục hồi chức năng Trung ương | Bệnh viện cấp cơ bản |
8 | E | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
9 | Hữu Nghị | Bệnh viện cấp cơ bản |
10 | Trung ương Huế | Bệnh viện cấp chuyên sâu mức kỹ thuật cao |
11 | Đa khoa Trung ương Thái Nguyên | Bệnh viện cấp chuyên sâu mức kỹ thuật cao |
12 | Đa khoa Trung ương Quảng Nam | Bệnh viện cấp cơ bản |
13 | K | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
14 | Phổi Trung ương | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
15 | 74 Trung ương | Bệnh viện cấp cơ bản |
16 | Mắt Trung ương | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
17 | Nhi Trung ương | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
18 | Nội tiết trung ương | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
19 | Phụ Sản Trung Ương | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
20 | Phong - Da liễu trung ương Quỳnh Lập | Bệnh viện cấp cơ bản |
21 | Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa | Bệnh viện cấp cơ bản |
22 | Răng Hàm Mặt TW TP. Hồ Chí Minh | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
23 | Tai Mũi Họng TW | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
24 | Răng Hàm Mặt TW | Bệnh viên cấp chuyên sâu |
25 | Tâm thần Trung ương 1 | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
26 | Tâm thần Trung ương 2 | Bệnh viện cấp cơ bản |
27 | Thống Nhất | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
28 | Việt Nam - Cuba Đồng Hới | Bệnh viện cấp cơ bản |
29 | Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí | Bệnh viện cấp cơ bản |
30 | Việt Đức | Bệnh viện cấp chuyên sâu mức kỹ thuật cao |
31 | Bệnh viện 71 Trung Ương | Bệnh viện cấp cơ bản |
32 | Nhiệt đới Trung ương | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
33 | Lão khoa Trung ương | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
34 | Da liễu Trung ương | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
2.2 Danh sách bệnh viện trung ương thuộc Bộ Quốc Phòng
Dưới đây là danh sách các bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Quốc phòng, quy định tại Điều 4, Thông tư 46/2016/TT-BQP được sắp xếp theo cấp độ chuyên môn theo quy định mới từ năm 2025:
STT |
Bệnh viện tuyến trung ương |
Phân cấp theo cấp độ chuyên |
1 | 108 | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
2 | Quân Y 175 | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
3 | Y học cổ truyền Quân đội | Bệnh viện cấp ban đầu |
4 | Quân y 103 | Bệnh viện cấp cơ bản |
5 | Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác | Bệnh viện cấp chuyên sâu |
Như vậy từ năm 2025 trở đi, các bệnh viện trong cả nước sẽ không được phân loại theo tuyến mà được phân theo các cấp độ chuyên môn của bệnh viện. Việc thay đổi tên gọi theo phân cấp này nhằm mục đích giúp tối ưu hóa hệ thống y tế, đảm bảo người bệnh được tiếp cận dịch vụ phù hợp với nhu cầu điều trị.
Mức hưởng BHYT tại bệnh viện tuyến trung ương
3. Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh tại bệnh viện trung ương
Mức hưởng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở khám chữa bệnh BHYT nói chung và tại bệnh viện tuyến trung ương nói riêng được quy định tại Khoản 17, Điều 1 Luật BHYT sửa đổi năm 2024.
Cụ thể, mức hưởng BHYT tại tuyến trung ương sẽ phụ thuộc vào đối tượng khám chữa bệnh và trường hợp khám chữa bệnh của người bệnh có đúng tuyến theo quy định hay không?
a) Khám chữa bệnh đúng tuyến
Theo quy định mới từ năm 2025, mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người bệnh khám chữa bệnh đúng tuyến tại BVTW được xác định như sau:
(1) Mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh đối với người bệnh thuộc các trường hợp sau:
- người thuộc các nhóm đối tượng đặc biệt như người có công với cách mạng, hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng.
- Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm nhiều hơn 6 lần mức tham chiếu tính đóng BHYT (tương đương 14,04 triệu đồng năm 2025).
- Người bệnh được chẩn đoán xác định, điều trị bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao.
Theo quy định mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT, từ năm 2025, người mắc bệnh hiểm nghèo thuộc danh mục 62 bệnh hiếm gặp có thể đến thẳng bệnh viện tuyến trung ương để điều trị mà không cần giấy chuyển tuyến như trước đây, đồng thời được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh.
- Người dân tộc thiểu số, hộ nghèo sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo điều trị nội trú tại cơ sở chuyên sâu.
- KCB nội trú tại cơ sở, bệnh viện cấp chuyên sâu mà trước ngày 01/1/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh.
- Khám chữa bệnh cấp cứu tại bất cứ cơ sở y tế nào.
- Người bệnh được chuyển tuyến theo chỉ định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài ra, đối với trường hợp khám chữa bệnh ngoại tỉnh, theo Thông tư 01/2025/TT-BYT, nếu người bệnh đăng ký lưu trú tại địa phương nơi khám chữa bệnh sẽ được hưởng 100% mức BHYT như đúng tuyến, miễn là đã thực hiện khai báo thông tin lưu trú hợp lệ
(2) Mức hưởng 95% chi phí đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng và người thuộc hộ cận nghèo.
(3) Hưởng 80% chi phí đối với các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện hoặc BHYT bắt buộc nhưng không thuộc nhóm ưu tiên.
b) Khám chữa bệnh không đúng tuyến
Trường hợp người bệnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trái tuyến tại bệnh viện tuyến trung ương sẽ được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú.
Như vậy, do các bệnh viện tuyến trung ương là các bệnh viên tuyến đầu nên nếu người bệnh khám chữa bệnh tại các bệnh viện này mà không có giấy chuyển tuyến, hoặc không thuộc một trong các trường hợp đặc biệt kể trên mức hưởng BHYT sẽ thấp hơn so với các bệnh viện không phải tuyến trung ương như bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện trước đây.
Một vài lưu ý quan trọng khi đi khám chữa bệnh BHYT từ năm 2025.
(1) Người bệnh làm thủ tục hưởng BHYT chỉ cần xuất trình hoặc cung cấp mã số bảo hiểm y tế.
(2) Người bệnh nên kiểm tra danh mục bệnh hiểm nghèo để biết mình có thuộc nhóm được hưởng 100% BHYT hay không?
(3) Đăng ký lưu trú nếu khám chữa bệnh ngoại tỉnh để đảm bảo quyền lợi BHYT tối đa.
(4) Giữ lại giấy tờ khám chữa bệnh để làm thủ tục thanh toán BHYT thuận lợi.
Trên đây là những chia sẻ về danh sách bệnh viện tuyến trung ương theo quy định mới năm 2025. Bảo hiểm xã hội điện tử eBH mong rằng đây sẽ là nguồn thông tin hữu ích giúp bạn dễ dàng tìm kiếm cơ sở y tế chất lượng cao để khám và điều trị. Việc lựa chọn đúng bệnh viện không chỉ giúp bạn tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất mà còn đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình được chăm sóc chu đáo.
Dương Nguyễn
Bài viết liên quan: ▪️ Bệnh viện đạt cấp khám chữa bệnh chuyên sâu tại Hà Nội ▪️ 8 điểm mới trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024 |