Thẻ bảo hiểm y tế là gì? Cách sử dụng khi đi khám chữa bệnh
Quy định về thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được cập nhật, bổ sung mới nhất tại Luật bảo hiểm y tế năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Vậy thẻ bảo hiểm y tế là gì? Cách sử dụng thẻ khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở KCB BHYT. Mời bạn hãy cùng eBH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Thẻ BHYT là giấy tờ quan trọng trong thủ tục KCB BHYT
1. Thẻ bảo hiểm y tế là gì?
Căn cứ theo Điểm a Khoản 14 Điều 1 Luật bảo hiểm y tế 2024 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 16 Luật BHYT năm 2008 giải thích khái niệm thẻ bảo hiểm y tế như sau:
Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có mã số BHYT được cấp cho người tham gia BHYT dùng làm căn cứ để hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định của Luật BHYT.
Người tham gia BHYT được cấp miễn phí đồng thời thẻ BHYT bản giấy và bản điện tử (trên ứng dụng VssID/VNeID) có giá trị pháp lý như nhau dùng để xuất trình khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở KCB BHYT theo quy định.
Mỗi người tham gia BHYT được cấp một mã số bảo hiểm y tế duy nhất theo mã số BHXH và được in trên thẻ BHYT.
Chính phủ quy định việc cấp thẻ BHYT bản giấy và bản điện tử cho người tham gia BHYT.
Theo Công văn số 3340/BHXH-ST, thẻ BHYT được gia hạn trên cơ sở dữ liệu để sử dụng lâu dài và không phải đổi lại hàng năm.
1.1 Cơ quan ban hành mẫu thẻ BHYT
Trước ngày 01/7/2025 việc ban hành mẫu thẻ BHYT do tổ chức bảo hiểm y tế thực hiện sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế căn cứ theo Khoản 10 Điều 1 Luật BHYT 2014.
Từ ngày 01/7/2025, căn cứ theo quy định tại Điểm c, Khoản 14 Điều 1 Luật BHYT năm 2024. Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành mẫu thẻ bảo hiểm y tế sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế.
1.2.1 Thẻ BHYT mẫu cũ có còn sử dụng được không?
Từ ngày 01/4/2021, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được sử dụng trên toàn quốc theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 4, Quyết định 1666/QĐ-BHXH quy định:
"Phôi thẻ BHYT đã in theo quy định tại Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ngày 02/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành mẫu thẻ BHYT chưa sử dụng hết đến thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, được tiếp tục sử dụng cấp cho các đối tượng tham gia BHYT".
Như vậy, không phải tất cả thẻ BHYT được cấp từ ngày 01/4/2021 đều là mẫu thẻ mới. Các địa phương còn phôi thẻ BHYT theo mẫu cũ chưa sử dụng hết thì vẫn tiếp tục cấp mẫu thẻ BHYT cũ cho người tham gia BHYT. Thẻ BHYT mẫu mới và thẻ BHYT mẫu cũ song song được sử dụng và có giá trị như nhau.
Trường hợp thẻ BHYT đã được cấp trước ngày 01/4/2021, còn giá trị sử dụng không hư hỏng, vẫn có giá trị sử dụng thì được tiếp tục được dùng để khám chữa bệnh BHYT.
1.2 Nội dung của thẻ bảo hiểm y tế
Những nội dung chính được ghi trên thẻ BHYT gồm có:
Nội dung chính được ghi trên thẻ BHYT
(1) Cơ quan phát hành thẻ: BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
(2) Tên thẻ: THẺ BẢO HIỂM Y TẾ
(3) Mã số thẻ BHYT: dãy 10 số cũng là mã số BHXH.
(4) Thông tin cá nhân: Họ và tên, ngày tháng năm sinh và giới tính.
(5) Mã mức hưởng BHYT và mã nơi sinh sống của người tham gia BHYT (ký hiệu K1 hoặc K2 hoặc K3).
(6) Nơi ĐK KCB BĐ: Nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
(7) Mã nơi KCB BHYT ban đầu, ví dụ: 01C01 là mã của trạm y tế phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy.
(8) Giá trị sử dụng: Thời điểm sử dụng thẻ BHYT từ ngày/tháng/năm.
(9) Thời điểm đủ 5 năm liên tục: Từ ngày/tháng/năm.
(10) Nơi cấp đổi thẻ BHYT: Cơ quan BHXH cấp quận/huyện.
(11) Mã QR code chứa thông tin thẻ BHYT.
2. Quy định cấp thẻ bảo hiểm y tế
Căn cứ theo quy định tại Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT năm 2024 áp dụng từ ngày 01/7/2025 sửa đổi, bổ sung Điều 17 Luật BHYT 2008 về việc cấp thẻ BHYT cho người tham gia như sau:
2.1 Hồ sơ cấp thẻ BHYT
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật BHYT 2008 sửa đổi bổ sung tại Điểm 1 Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT 2024 hồ sơ cấp thẻ BHYT cho người tham gia gồm:
1) Đối với người tham gia BHYT lần đầu hồ sơ gồm có:
- Tờ khai tham gia BHYT theo mẫu TK1-TS của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân hoặc hộ gia đình đăng ký tham gia BHYT.
2) Đối với người tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng tham gia BHYT theo quy định, hồ sơ cấp thẻ BHYT gồm có:
-
Tờ khai tham gia BHYT theo mẫu TK1-TS do BHXH Việt Nam ban hành.
-
Danh sách tham gia BHYT của đối tượng tham gia BHYT do cơ quan, tổ chức lập.
Danh sách người tham gia BHYT sẽ do người sử dụng lao động, UBND cấp xã, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập tùy theo mỗi nhóm đối tượng tham gia BHYT.
Hồ sơ sau đó được nộp cho cơ quan BHXH trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xác định người tham gia thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT theo quy định.
2.2 Thời hạn cấp thẻ BHYT
Căn cứ theo quy định tại Điểm 2 Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT 2024, thời hạn cấp thẻ BHYT cho người tham gia BHYT là trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Cơ quan BHXH thực hiện cấp thẻ cho người tham gia BHYT đồng thời thông báo hoặc bàn giao thẻ BHYT cho cơ quan, tổ chức lập danh sách người tham gia theo quy định.
2.3 Thời điểm sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế
Căn cứ theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Luật BHYT 2014 và Điểm b, Khoản 14 Điều 1 Luật BHYT 2024 thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng được quy định như sau:
1) Kể từ ngày đóng BHYT: Đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT lần đầu do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do tổ chức BHXH đóng và do Ngân sách nhà nước đóng.
2) Nối tiếp với ngày hết hạn trước đó: Đối với người tham gia BHYT liên tục từ lần thứ 2 trở đi.
3) 30 ngày kể từ ngày đóng đủ BHYT: Đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT do Ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và nhóm đóng theo diện hộ gia đình tham gia BHYT không liên tục từ 90 ngày trở lên (áp dụng từ ngày 01/7/2025).
Ngoài ra, đối với trẻ dưới 6 tuổi, thẻ BHYT được cấp miễn phí (khi phụ huynh làm giấy khai sinh cho trẻ) và có thời hạn sử dụng đến khi trẻ đủ 72 tháng tuổi.
Trường hợp trẻ đủ 72 tháng mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm đó.
Để biết thẻ bảo hiểm y tế của mình còn giá trị sử dụng không? người tham gia BHYT có thể thực hiện tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT để biết thông tin chi tiết.
Cán bộ y tế quét mã QRcode lấy thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
3. Cách sử dụng thẻ bảo hiểm y tế
Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) là giấy tờ quan trọng được sử dụng trong thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh tại cơ sở KCB BHYT phải xuất trình thông tin của thẻ BHYT (bản điện tử hoặc bản giấy) và giấy tờ chứng minh nhân thân thường là thẻ căn cước/CCCD 12 số dùng để làm hồ sơ khám chữa bệnh hưởng BHYT theo quy định.
Khi có thẻ BHYT, người tham gia BHYT sẽ được hưởng các quyền lợi về BHYT gồm:
1) Được khám chữa bệnh (KCB) tại cơ sở đăng ký KCB ban đầu hoặc chuyển tuyến theo đúng quy trình, quy định.
2) Được Quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo phạm vi hưởng ghi trên thẻ BHYT, tùy theo đối tượng tham gia mức hưởng BHYT từ 80% -100% chi phí KCB.
3) Được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn theo danh mục của Bộ Y tế ban hành.
Lưu ý, người tham BHYT đi khám chữa bệnh tại Cơ sở KCB BHYT có thể xuất trình thẻ BHYT bản giấy hoặc bản điện tử còn thời hạn sử dụng.
Đối với thẻ BHYT bản giấy phải đảm bảo thông tin trên thẻ đầy đủ, rõ ràng không có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác.
3.2 Thẻ bảo hiểm y tế bị thu hồi khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật BHYT 2008 và Khoản 13 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2014. Thẻ BHYT sẽ bị thu hồi trong 3 trường hợp sau:
TH1: Gian lận trong việc cấp thẻ BHYT.
TH2: Người có tên trên thẻ BHYT không tiếp tục tham gia BHYT.
TH3: Thẻ BHYT bị cấp trùng.
3.2.1 Trường hợp tạm giữ thẻ BHYT
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật BHYT 2008 quy định cụ thể về việc thẻ BHYT bị tạm giữ trong trường hợp người bệnh đi khám chữa bệnh tại cơ sở KCB BHYT sử dụng thẻ BHYT của người khác.
Để nhận lại thẻ BHYT bị tạm giữ, chủ sở hữu thẻ BHYT bị tạm giữ có trách nhiệm đến cơ sở KCB BHYT nhận lại và nộp phạt theo quy định của Pháp luật.
Trên đây là những chia sẻ về thẻ bảo hiểm y tế và cách sử dụng thẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử eBH. Nếu bạn có thắc mắc cần hỗ trợ, xin vui lòng liên hệ eBH hoặc gọi điện đến tổng đài hỗ trợ CSKH BHYT của BHXH Việt Nam 1900 9068 để để được giúp đỡ.
Tài Phạm