05 điều cần biết về đổi thẻ bảo hiểm y tế sang mẫu mới
Người dân sẽ chính thức được cấp và sử dụng thẻ BHYT mẫu mới từ ngày 1/4 /2021 theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH. Mẫu thẻ BHYT mới mang đến nhiều thuận tiện hơn cho người sử dụng. Dưới đây là các thông tin chi tiết về điều kiện, thủ tục, nơi cấp đổi thẻ BHYT mẫu mới.
Cấp đổi thẻ BHYT mẫu mới theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam
1. Thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới
Thẻ BHYT mẫu mới được thống nhất sử dụng trong phạm vi cả nước. Thẻ có kích thước chiều dài 85,60 mm, rộng 53,98 mm, theo khung viền mép ngoài của thẻ.
1.1 Căn cứ pháp lý đổi thẻ BHYT mẫu mới
Thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới được quy định tại Quyết định số 1666/QĐ-BHXH ban hành ngày 03/12/2020 của cơ quan BHXH Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2021 thay thế Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ngày 02/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành mẫu thẻ BHYT.
Thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới có nhiều thay đổi so với mẫu cũ. Điển hình như thay đổi về mã số thẻ, font chữ in thẻ, thẻ được ép plastic thuận giúp việc bảo quản thẻ tốt hơn, các thông tin trên thẻ cũng có sự điều chỉnh.
1.2 Đối tượng được cấp, đổi thẻ BHYT mẫu mới
Đối tượng được đổi thẻ BHYT mẫu mới là tất cả các cá nhân tham gia BHYT thuộc trường hợp được cấp, đổi thẻ BHYT mới theo quy định tại Điều 18 và 19, Luật Bảo hiểm y tế. Cụ thể bao gồm 05 đối tượng sau:
-
Người bị mất thẻ BHYT;
-
Đối tượng có thẻ BHYT bị rách, nát hoặc hỏng;
-
Đối tượng thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;
-
Đối tượng có thông tin ghi trong thẻ không đúng.
-
Cấp thẻ BHYT mới cho các đối tượng tham gia, các đối tượng có thẻ BHYT hết thời hạn sử dụng.
Xem thêm: Ý nghĩa của 10 ký tự trong mã số thẻ bảo hiểm y tế mới
2. Điều kiện đổi thẻ BHYT mẫu mới
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 4, Quyết định số 1666/QĐ-BHXH quy định:
“Phôi thẻ BHYT đã in theo quy định tại Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ngày 02/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành mẫu thẻ BHYT chưa sử dụng hết đến thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, được tiếp tục sử dụng cấp cho các đối tượng tham gia BHYT”.
Không phải tất cả thẻ BHYT được cấp từ ngày 1/4/2021 đều là mẫu thẻ mới. Các địa phương còn phôi thẻ BHYT theo mẫu cũ chưa sử dụng hết thì vẫn tiếp tục cấp mẫu thẻ BHYT cũ cho người tham gia BHYT. Theo đó, các trường hợp thẻ BHYT đã được cấp trước ngày 01/4/2021, còn giá trị sử dụng không hư hỏng, vẫn có giá trị sử dụng thì được tiếp tục được dùng để khám chữa bệnh BHYT.
Như vậy, căn cứ theo quy định về việc ban hành mẫu bảo hiểm y tế theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH và Luật Bảo hiểm y tế thì điều kiện để người tham gia được đổi thẻ BHYT mẫu mới như sau:
-
Người tham gia BHYT thuộc đối tượng được cấp đổi thẻ sau ngày 1/4/2021.
-
Tại các địa phương nơi người tham gia đăng ký đổi thẻ hết phôi thẻ BHYT cũ, chuyển sang dùng phôi thẻ BHYT mới.
Việc chuyển đổi sang thẻ BHYT mẫu mới được thực hiện từng bước. Sử dụng song song 2 loại thẻ BHYT mẫu mới và cũ tạo điều kiện cho người tham gia BHYT có thể thực hiện khám chữa bệnh BHYT mà không bị ảnh hưởng bởi việc chuyển đổi thẻ mới, đồng thời tiết kiệm chi phí chuyển đổi thẻ BHYT.
Chi tiết thủ tục đổi thẻ BHYT mẫu mới
3. Thủ tục cấp, đổi thẻ BHYT mới
Thủ tục cấp, đổi thẻ BHYT theo mẫu mới rất đơn giản chỉ cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định sau đó nộp lên cơ quan BHXH có thẩm quyền để xét duyệt.
3.1 Hồ sơ cấp lại, đổi thẻ BHYT
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 27 quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 hồ sơ cấp lại đổi thẻ BHYT gồm có:
Đối với người tham gia chuẩn bị:
-
Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS mới nhất).
-
Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.
-
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Đối với đơn vị/ doanh nghiệp:
-
Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
3.2 Thủ tục cấp đổi thẻ BHYT mẫu mới
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ người tham gia/đơn vị nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Đối với người tham gia được ngân sách nhà nước đóng BHYT: Thực hiện nộp hồ sơ cho UBND cấp xã.
Đối với người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng hoặc tham gia BHYT theo hộ gia đình: Thực hiện nộp hồ sơ cho Đại lý thu hoặc cơ quan BHXH. Trong đó:
(1) BHXH huyện: Cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT do BHXH huyện trực tiếp thu.
(2) BHXH tỉnh: Cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT tại các đơn vị do BHXH tỉnh trực tiếp thu và người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tỉnh.
Người tham gia đến tại BHXH cấp huyện để được cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT
4. Nơi thực hiện cấp đổi thẻ BHYT theo mẫu mới
Căn cứ theo Khoản 3, Điều 3, quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH (được sửa đổi bổ sung tại Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020) quy định:
“BHXH huyện: Cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT do BHXH huyện trực tiếp thu.”
“BHXH tỉnh: Cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT tại các đơn vị do BHXH tỉnh trực tiếp thu và người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tỉnh.”
Như vậy, BHXH cấp huyện và BHXH cấp tỉnh đều thực hiện nhiệm vụ cấp đổi thẻ BHYT cho người tham gia. Tuy nhiên, BHXH cấp tỉnh sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể để phân cấp cho BHXH cấp dưới thực hiện việc cấp đổi thẻ BHYT theo quy định.
5. Lợi ích từ việc đổi thẻ BHYT mới
Việc thực hiện đổi thẻ BHYT mới sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho người tham gia BHYT. Cụ thể:
-
Kích thước của thẻ BHYT mới tương tự thẻ ATM giúp việc cất giữ và mang theo thẻ bên mình thuận tiện.
-
Thẻ BHYT mới được ép plastic nâng cao tuổi thọ của thẻ, dễ dàng bảo quản tránh bị nhàu nát, dính nước.
-
Mã thẻ BHYT trùng với mã BHXH tạo điều kiện tra cứu thông tin thuận tiện dễ dàng.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong ngành Bảo hiểm xã hội đang được đẩy mạnh. Việc sử dụng ảnh thẻ BHXH trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số ngày càng phổ biến. Theo đó, nhu cầu đổi thẻ BHYT mẫu mới sang thẻ giấy giảm. Trong trường hợp người dân không tiếp cận được với công nghệ hiện đại thì mới cần phải thực hiện đổi thẻ BHYT giấy.
Trên đây là những tổng hợp và chia sẻ những điều cần biết về thẻ bảo hiêm y tế theo mẫu mới của Bộ Y tế. BHXH điện tử EBH hy vọng những thông tin này sẽ có ích đối với bạn. Nếu bạn có những thắc mắc hay cần hỗ trợ vui lòng liên hệ EBH hoặc bạn có thể liên hệ đến tổng đài CSKH BHYT của BHXH Việt Nam 1900 9068 cước phí là 1000 đồng/phút để được giúp đỡ.
Bảo hiểm xã hội điện tử EBH