Khai bảo hiểm xã hội điện tử có áp dụng tại doanh nghiệp nhỏ
Khai bảo hiểm xã hội điện tử là phương pháp khai bảo hiểm xã hội mới đang được triển khai áp dụng thí điểm ở một số tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và tiến tới áp dụng tại toàn bộ các cơ quan bảo hiểm xã hội trên cả nước. Hiện nay, phương pháp khai bảo hiểm xã hội điện tử đang được hầu hết các doanh nghiệp lớn, cơ quan sử dụng lao động bước đầu áp dụng.
Vậy phương pháp khai bảo hiểm xã hội điện tử có áp dụng được tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ không?
Hội nghị triển khai kê khai bảo hiểm xã hội điện tử
1. Những Quyết định, Kế hoạch về khai bảo hiểm xã hội điện tử
Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg về “Thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT”
Ngày 09/03/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.
Theo Quyết định này, người sử dụng lao động được lựa chọn giao dịch thông qua Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc thông qua Cổng giao dịch điện tử của tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được BHXH Việt Nam ký hợp đồng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.
Với những thủ tục đã đăng ký bằng hình thức giao dịch điện tử, người sử dụng lao động không thực hiện giao dịch bằng hồ sơ giấy, trừ trường hợp nộp hồ sơ BHXH bằng giấy khi hết hạn nộp hồ sơ BHXH điện tử mà hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử, hạ tầng kỹ thuật chưa khắc phục được sự cố. Trong trường hợp này, việc nộp hồ sơ BHXH bằng giấy phải được hoàn thành trong vòng 05 ngày, kể từ ngày hết hạn.
Ngoài ra, Quyết định cũng nêu rõ, việc nộp hồ sơ BHXH điện tử được thực hiện 24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết. Chậm nhất sau 15 phút, thông báo xác nhận đã nhận hồ sơ sẽ được gửi đến địa chỉ thư điện tử của người nộp. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2015 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ BHXH bằng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH có hiệu lực thi hành.
1.1 Kế hoạch số 991/KH-BHXH của BHXH Việt Nam
Ngày 26/3/2015, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 991/KH-BHXH nhằm triển khai, quán triệt và thực hiện Quyết định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.
Theo kế hoạch, BHXH Việt Nam quán triệt và thực hiện Quyết định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và tuyên truyền có hiệu quả đến các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động để:
-
Đảm bảo việc triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống BHXH;
-
Đảm bảo đúng thời gian thực hiện giao dịch điện tử theo quy định;
-
Đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của cơ quan BHXH, tổ chức I-VAN và các đơn vị sử dụng lao động;
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng giúp công khai, minh bạch các quy định của cơ quan BHXH về hồ sơ, quy trình thủ tục trong giao dịch điện tử và đảm bảo thời hạn trả kết quả giải quyết theo quy định.
Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung công việc được phân công để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ; BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai các nội dung công việc được phân công và báo cáo kết quả thực hiện về BHXH Việt Nam.
2. Khai bảo hiểm xã hội điện tử là gì?
Khai bảo hiểm xã hội điện tử là việc các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện việc kê khai và nộp hồ sơ bảo hiểm thông qua hệ thống điện tử, tức là hệ thống internet. Đối với việc khai bảo hiểm xã hội điện tử, cơ quan bảo hiểm cũng vẫn sẽ tiếp nhận hồ sơ tương tự như các loại hồ sơ giấy mà các doanh nghiệp đến nộp trực tiếp.
Hiện nay, để khai được bảo hiểm xã hội điện tử, ngoài chữ ký số là phần các doanh nghiệp bắt buộc phải có thì các doanh nghiệp sẽ cần trang bị thêm phần mềm bảo hiểm xã hội.
Phần mềm khai bảo hiểm xã hội điện tử hiện đang được cung cấp bởi các nhà cung cấp dịch vụ I–Van (dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH) được BHXH Việt Nam ký hợp đồng triển khai cung cấp cho các doanh nghiệp.
Nhiều tỉnh thành đã bắt đầu áp dụng việc khai bảo hiểm xã hội điện tử
3. Thực tế triển khai việc khai bảo hiểm xã hội điện tử hiện nay
Liên quan tới vấn đề triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực bảo hiểm, tại Hội nghị cung cấp thông tin về kết quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã chỉ ra rằng, việc triển khai giao dịch điện tử trong thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời khắc phục một số lỗi kỹ thuật, góp phần tăng nhanh số lượng đơn vị đăng ký và giao dịch điện tử.
Đến nay, một số BHXH các tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ qua giao dịch điện tử trên 90% như: Trà Vinh, Tuyên Quang, Đồng Nai, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hưng Yên, Quảng Bình, Điện Biên.
4. Khai bảo hiểm xã hội điện tử có áp dụng được tại các doanh nghiệp nhỏ không?
Những lợi ích của khai bảo hiểm xã hội điện tử
Căn cứ theo Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 991/KH-BHXH của BHXH Việt Nam, việc Khai bảo hiểm xã hội điện tử sẽ được thí điểm triển khai tại một số các doanh nghiệp tại các thành phố lớn, tiến tới áp dụng đại trà, đồng bộ tại tất cả các doanh nghiệp. Do vậy, tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động vừa và nhỏ đều có thể áp dụng và sẽ phải thực hiện việc khai bảo hiểm xã hội điện tử trong năm 2016 này.
Các trình tự, thủ tục khai bảo hiểm xã hội điện tử được áp dụng theo một công thức chung cho tất cả các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, không phân biệt quy mô, cơ chế hoạt động.
Tin liên quan:
Kê khai bảo hiểm xã hội điện tử nên sử dụng phần mềm nào?
Những vấn đề thường gặp khi khai bảo hiểm xã hội điện tử
Khai bảo hiểm xã hội điện tử mang lại lợi ích gì cho các doanh nghiệp?