Quy định về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/1/2025
Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) tự nguyện là chế độ bảo hiểm được triển khai từ ngày 01/1/2025 bởi cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam giúp mang lại sự an tâm và giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người tham gia trong trường hợp không may bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc. Vậy bảo hiểm TNLĐ tự nguyện là gì? Và đối tượng tham gia là ai? Mời bạn đọc hãy cùng EBH tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Người lao động đủ điều kiện mới có thể đăng ký tham gia BH TNLĐ tự nguyện
1. Quy định về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Căn cứ theo Điều 1 Nghị định số 143/2024/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) tự nguyện như sau:
Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là một loại bảo hiểm tham gia theo hình thức tự nguyện do cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức triển khai từ ngày 01/1/2025 dành cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Trong đó, tai nạn lao động (theo Điều 3 Nghị định này) bao gồm những trường hợp tai nạn có gây ra tổn thương lên chức năng, bộ phân cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động.
1.1 Đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện là ai?
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 143/2024/NĐ-CP Đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện cần đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Người lao động đang làm việc không theo hợp đồng lao động và có độ tuổi từ đủ 15 tuổi trở lên.
(2) Không thuộc nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hưởng chế độ TNLĐ-BNN.
(3) Đăng ký tham gia bảo hiểm theo hình thức tự nguyện
Như vậy nếu bạn là người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, hiện đang không tham gia BHXH bắt buộc và làm việc không theo hợp đồng lao động thì có thể đăng ký tham gia bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện để được hưởng các chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện theo quy định.
2. Các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Căn cứ theo Điều 4, Nghị định số 143/2024/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện được hưởng 02 chế độ là:
- Giám định mức suy giảm khả năng lao động.
- Trợ cấp tai nạn lao động.
2.1 Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện
Căn cứ theo điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, để hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, người lao động cần đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Người lao động phải đăng ký tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện theo quy định của pháp luật.
(2) Người lao động chẩn đoán bị tai nạn lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên trong thời gian tham gia bảo hiểm.
(3) Không thuộc các trường hợp không được hưởng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện (theo khoản 2, Điều 5 Nghị định này) trong trường hợp xảy ra tai nạn do các nguyên nhân sau:
- Do có mâu thuẫn với người gây tai nạn mà không liên quan đến nhiệm vụ hay công việc.
- Do sử dụng các loại chất gây nghiện, chất ma túy trái với quy định của pháp luật.
- Do cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân.
2.2 Quy định về việc giám định mức suy giảm khả năng lao động
Căn cứ theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 143/2024/NĐ-CP, người lao động bị tai nạn lao động giám định lại hoặc chủ động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động. Cơ quan BHXH sẽ chi trả phí giám định cho người tham gia chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng trợ cấp hoặc kết quả giám định là điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ tự nguyện.
2.3 Nguyên tắc hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 7, Nghị định 143/2024/NĐ-CP, 02 nguyên tắc của việc giải quyết tiền trợ cấp tai nạn lao động là theo từng lần phát sinh như sau:
- Lần nào xảy ra tai nạn thì giải quyết hưởng trợ cấp lần đó.
- Các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó không được cộng dồn.
Mức đóng BH TNLĐ sẽ tương ứng với phương thức đóng do người tham gia lựa chọn
3. Phương thức và mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Nghị định số 143/2024/NĐ-CP người lao động đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với cơ quan BHXH, có thể lựa chọn phương thức đóng theo một trong hai khung thời gian đóng là:
- 06 tháng/ lần
- 12 tháng/lần
Bên cạnh đó, thời điểm đóng BH TNLĐ tự nguyện theo phương thức đóng được thực hiện như sau:
- Lần đầu là ngay sau thời điểm người lao động đăng ký tham gia bảo hiểm theo quy định.
- Lần đóng tiếp theo là trong vòng 10 ngày trước khi hết chu kỳ đóng trước đó.
Về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện tương ứng với mỗi lần đóng, cũng theo Nghị định này, căn cứ theo Khoản 3, Điều 11 có quy định như sau:
- Với khung đóng 6 tháng mức đóng là 6% tháng lương tối thiểu vùng IV.
- Với khung đóng 12 tháng mức đóng là 12% tháng lương tối thiểu vùng IV .
Ví dụ: Mức lương tối thiểu vùng IV áp dụng trước ngày 1/7 năm 2025 là 3,45 triệu đồng/tháng, thì mức đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện theo hai khung thời gian trên là:
- Khung 6 tháng = 3.450.000 x 6% = 207.000 đồng.
- Khung 12 tháng = 3.450.000 x 12% = 414.000 đồng.
3.1 Người tham gia có được thay đổi mức đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện không?
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 11 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm được thay đổi phương thức đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện đồng nghĩa với việc được thay đổi mức đóng vào quỹ BH TNLĐ tự nguyện. Tuy nhiên việc thay đổi này chỉ được thực hiện khi người tham gia hoàn thành chu kỳ đăng ký mức đóng trước đó.
Nhìn chung, bảo hiểm TNLĐ tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội nhân văn, thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với người lao động. Việc hiểu rõ các quy định và lợi ích của bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn trước những rủi ro không mong muốn trong công việc.
Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng rằng những chia sẻ trong bài viết có thể mang lại những thông tin hữu ích, giúp bạn đọc nắm bắt và cân nhắc tham gia bảo hiểm tự nguyện để gia tăng sự an tâm trong quá trình lao động.
Thùy Dương