Người tham gia BHYT bị mất thẻ bảo hiểm y tế phải làm sao?
Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế và được sử dụng khi thanh toán chi phí khám chữa bệnh hưởng quyền lợi BHYT theo quy định. Việc bị mất thẻ BHYT giấy có thể gây ra một số bất tiện không cần thiết khi người bệnh đi khám chữa bệnh. Vậy phải làm sao khi bị mất thẻ BHYT? Dưới đây là một số hướng dẫn cách xử lý bạn có thể tham khảo.
Bạn không cần quá lo lắng khi mất thẻ BHYT vì đã có nhiều phương án thay thế
1. Mất thẻ bảo hiểm y tế ảnh hưởng như nào đến việc khám chữa bệnh?
Thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế và dùng làm căn cứ để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh theo các quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Việc bị mất thẻ BHYT có thể ảnh hưởng đến việc khám và điều trị bệnh của bệnh nhân bởi theo các quy định hiện hành khi đi khám chữa bệnh BHYT bệnh nhân phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế để làm căn cứ xác định mức hưởng BHYT của người tham gia.
Theo đó, trong thủ tục khám và điều trị bệnh hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế quy định:
(1) Có thẻ BHYT: Khi người bệnh có thẻ BHYT, việc khám và điều trị bệnh sẽ được thực hiện theo quy định. Thẻ BHYT giúp bệnh nhân được hưởng chế độ BHYT và thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
(2) Mất thẻ BHYT: Nếu bệnh nhân bị mất thẻ BHYT, việc khám và điều trị bệnh sẽ gặp khó khăn. Người bệnh cần tự thanh toán toàn bộ chi phí tại cơ sở khám, chữa bệnh. Sau đó, người bệnh có thể làm thủ tục để được Quỹ BHYT thanh toán một phần chi phí khám chữa bệnh.
Khi không may làm mất thẻ BHYT, bạn nên liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội để làm thủ tục cấp lại thẻ. Trong trường hợp cấp cứu, bạn vẫn được tiếp nhận tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân chứng minh nhân thân hợp lệ trước khi ra viện.
Do đó, bạn hãy nhớ kiểm tra thường xuyên và bảo quản thẻ BHYT giấy cẩn thận để tránh mất và ảnh hưởng đến việc khám và điều trị bệnh của bạn.
2. Bị mất thẻ bảo hiểm y tế phải làm sao?
Khi bị mất thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bạn không cần quá lo lắng vì đã có một số phương án sử dụng thay thế thẻ BHYT giấy trong trường hợp này như sau:
Cách 1: Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc VNeID.
Cách 2: Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ BHYT giấy.
Cách 3: Sử dụng giấy hẹn cấp lại thẻ BHYT (sau khi bạn làm thủ tục xin cấp lại thẻ).
Dưới đây là các phương án thay thế thẻ BHYT giấy khi không may bị mất.
(1) Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên Ứng dụng VssID để tiếp tục hưởng chế độ BHYT.
Căn cứ theo Công văn số 1493/BHXH-CSYT, từ ngày 01/6/2021, bạn có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh thay cho thẻ giấy thông thường. Để làm điều này, bạn cần cài đặt ứng dụng VssID, đăng ký tài khoản và nộp tờ khai cho cơ quan BHXH. Sau đó, bạn sẽ được cấp mật khẩu để truy cập ứng dụng.
Cách sử dụng VssID để thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh như sau:
Cách mở hình ảnh thẻ BHYT trên VssID
Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VssID bằng mã số BHXH và mật khẩu.
Bước 2: Chọn "Thẻ BHYT".
Bước 3: Chọn “Sử dụng thẻ” hoặc “Hình ảnh thẻ”. Nếu chọn “Sử dụng thẻ” thì ứng dụng sẽ hiển thị mã QR, bạn có thể sử dụng mã này khi đi khám chữa bệnh. Nếu chọn “Hình ảnh thẻ” thì ứng dụng sẽ hiển thị hình ảnh thẻ BHYT, bạn có thể sử dụng hình ảnh này khi đi khám chữa bệnh.
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID để khám chữa bệnh. Đây là một phương thức tiện lợi giúp bạn thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh mà không cần phải mang theo thẻ BHYT giấy. Tuy nhiên, để sử dụng giấy tờ BHYT trên ứng dụng này, bạn cần phải thực hiện tích hợp thẻ BHYT cá nhân vào VNeID. Khi đã tích hợp thành công bạn có thể xem hình ảnh thẻ BHYT trên VNeID theo các bước hướng dẫn sau:
Cách mở hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID
Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VNeID bằng tài khoản của bạn.
Bước 2: Chọn mục "Ví giấy tờ"(1) sau đó chọn giấy tờ là "Thẻ BHYT"(2).
Bước 3: Nhập mã Passcode để xác minh người dùng và sử dụng thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng khi làm thủ tục khám, chữa bệnh.
Bước 4: Để mở hình ảnh thẻ, bạn nhấn chọn "biểu tượng 3 chấm" (3) ở góc phải màn hình, chọn "xem chi tiết ảnh" (4) để hiển thị hình ảnh thẻ BHYT (5).
Với 02 phương thức này, bạn có thể dễ dàng và thuận tiện sử dụng quyền lợi BHYT của mình mà không lo lắng về việc mất thẻ giấy. Hãy đảm bảo rằng bạn đã cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân và thông tin BHYT trên ứng dụng để quá trình sử dụng diễn ra suôn sẻ.
(2) Sử dụng Căn cước công dân gắn chip: Từ ngày 01/7/2021, bạn có thể sử dụng CCCD gắn chip để thay thế thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh. Nhân viên bệnh viện sẽ quét mã QR code trên Căn cước công dân để nhận thông tin về BHYT và giải quyết chế độ cho bạn.
Trước tình trạng nhiều cơ sở khám chữa bệnh BHYT không chấp nhận người bệnh sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID/VNeID và CCCD gắn chip để thay thẻ BHYT giấy. Bộ y tế cũng đã ban hành Công văn số 1843/BYT-BH yêu cầu các đơn vị y tế chỉ đạo chấn chỉnh việc tiếp đón người bệnh đi khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp, hình ảnh thẻ BHYT trên VssID/VNeID theo đúng quy định.
(3) Thủ tục cấp lại thẻ BHYT giấy: Nếu bạn không sử dụng ứng dụng hoặc CCCD gắn chip, bạn có thể thực hiện thủ tục cấp lại thẻ BHYT giấy trực tiếp hoặc online. Bạn cần đến cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, huyện để nộp hồ sơ cấp lại thẻ BHYT. Ghi Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT và giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT (theo mẫu số 4).
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, tổ chức BHYT sẽ cấp lại thẻ BHYT cho bạn. Trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT, bạn có thể sử dụng giấy hẹn cấp thẻ BHYT thay cho thẻ BHYT giấy để hưởng quyền lợi BHYT như bình thường.
Trên đây là 03 cách xử lý khi bạn bị mất thẻ BHYT do vậy bạn không cần quá lo lắng khi mất thẻ BHYT, vì có nhiều phương án thay thế cho tấm thẻ giấy này. Hãy chọn phương thức phù hợp với bạn để tiếp tục sử dụng quyền lợi BHYT. Bảo hiểm xã hội điện tử EBH mong rằng đã có thể giải đáp được thắc mắc của bạn. Nếu bạn cần hỗ trợ xin vui lòng liên hệ với EBH hoặc cơ quan BHXH nơi bạn tham gia để được trợ giúp.
Tài Phạm - EBH