Các khoản thu bắt buộc do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện
Bộ Tài chính cho rằng, trước yêu cầu của xã hội là phải cải cách thủ tục hành chính, việc cơ quan thuế tiến hành quản lý việc thu thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) là phù hợp với xu thế hiện nay.
1. Giảm thủ tục hành chính
Mới đây, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến góp ý về dự thảo Tờ trình xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó đề xuất phương án cơ quan thuế sẽ thực hiện đồng thời việc thu thuế và thu tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của đơn vị sử dụng lao động. Trong dự thảo, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành, phạm vi điều chỉnh chỉ quy định quản lý và thu các khoản thuộc ngân sách nhà nước.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
Tuy nhiên, thực tiễn có sự phát sinh, không chỉ có các khoản thu ngân sách nhà nước mà còn có các khoản khác ngoài ngân sách nhà nước, và một trong số đó là các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động. Bộ Tài chính cho rằng, trước yêu cầu của xã hội là phải cải cách thủ tục hành chính, việc cơ quan thuế tiến hành quản lý việc thu thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) là phù hợp với xu thế hiện nay.
Bộ Tài chính đã đề xuất hai giải pháp. Một là, giữ như hiện hành, nhưng cơ quan thuế và cơ quan BHXH thực hiện phối hợp quản lý và thu BHXH theo quy chế phối hợp đã ký giữa Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam. Hai là, cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động. Phương án hai, theo Bộ Tài chính, sẽ có tác động tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho đơn vị sử dụng lao động do giảm số lượng tờ khai phải nộp cho cơ quan nhà nước. Nếu thực hiện theo giải pháp này thì sẽ chỉ còn một đầu mối là cơ quan thuế thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đơn vị sử dụng lao động trong thực hiện chính sách pháp luật thuế và BHXH.
Tuy nhiên, tuần qua, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính, đề nghị việc thu các khoản BHXH bắt buộc tại đơn vị sử dụng lao động vẫn phải do cơ quan BHXH thực hiện. Theo BHXH Việt Nam, việc nghiên cứu chuyển nhiệm vụ thu các khoản BHXH bắt buộc đã được Chính phủ giao tại Điều 8 Nghị quyết số 68/NQ-CP. Sau khi có kết quả nghiên cứu, khảo sát của Tổ công tác liên ngành, năm 2014, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo và đề xuất Thủ tướng cho phép xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế để chia sẻ và trao đổi thông tin giữa thu thuế thu nhập cá nhân và thu các khoản BHXH bắt buộc. Đến ngày 24-6-2016, Bộ Tài chính có công văn đề xuất tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp theo quy chế nói trên.
2. Đối tượng khác nhau
Trước đề xuất của Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã phân tích những điểm tương đồng và khác biệt trong nhiệm vụ và công việc của hai cơ quan.
Cụ thể, BHXH Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đối với người lao động và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động như: Tuyên truyền, hướng dẫn mẫu biểu; cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; tiếp nhận và giải quyết chế độ; xác nhận kết quả tham gia cho người lao động và đơn vị; cung cấp thông tin đóng bảo hiểm; quản lý hạch toán các quỹ; đầu tư tăng trưởng các quỹ; giải quyết khiếu nại tố cáo; thanh tra đóng bảo hiểm; lưu trữ thông tin đóng của người tham gia về quá trình đóng, hưởng từ khi sinh ra đến khi mất... Trong khi đó, cơ quan thuế (theo quy định của pháp luật về thuế) thực hiện nhiệm vụ thu thuế đối với đơn vị, người lao động có phát sinh thu nhập.
BHXH Việt Nam cũng chỉ rõ những điểm khác biệt. Cụ thể, đối tượng kê khai, tính, nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân có thu nhập, bao gồm cả cá nhân không thuộc đối tượng phải tham gia các khoản BHXH bắt buộc; trách nhiệm nộp là cá nhân có thu nhập. Còn đối tượng đóng các khoản BHXH bắt buộc là người lao động có quan hệ lao động và có hưởng tiền lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định hoặc tiền lương ghi trong hợp đồng. Trách nhiệm đóng bao gồm phần trách nhiệm đóng của đơn vị sử dụng lao động và phần trách nhiệm đóng của người lao động.
Về căn cứ tính thu và thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, thời hạn đóng các khoản BHXH bắt buộc, căn cứ tính thuế là thu nhập (từ tiền lương, tiền công và các khoản khác ngoài lương) chịu thuế. Thu nhập để tính thuế là tổng thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng BHXH, các khoản từ thiện, thời hạn nộp chủ yếu theo quý. Trong khi đó, căn cứ tính thu bảo hiểm chỉ là tiền lương tháng, các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, thời hạn đóng theo tháng.
Về phương thức quản lý: Đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cần được theo dõi quá trình đóng, xác nhận thời gian tham gia đóng, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT hằng năm, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng. Còn đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân thì không phải theo dõi quá trình đóng thuế và quá trình quyết toán thuế.
Với những phân tích như trên, BHXH Việt Nam nhấn mạnh, việc thu các khoản BHXH bắt buộc tại các đơn vị sử dụng lao động vẫn phải do cơ quan BHXH thực hiện. BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính giao cho cơ quan thuế phối hợp với cơ quan BHXH nghiên cứu đưa các nội dung về chỉ tiêu kê khai thuế và BHXH vào tờ khai chung; chia sẻ thông tin về tình hình đóng thuế và BHXH để làm căn cứ xác định số tiền đóng, quyết toán thuế và BHXH nhằm khắc phục tình trạng trốn thuế và trốn đóng BHXH.
(Theo Báo Hà Nội Mới)