Hướng dẫn cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội năm 2025
Người tham gia Bảo hiểm xã hội đủ điều kiện sẽ được hưởng lương hưu khi về già. Đây là khoản tiền trợ cấp được nhận hằng tháng để người về hưu có thể duy trì và đảm bảo chất lượng cuộc sống. Vậy cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội như thế nào? Mời bạn hãy cùng eBH tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Cách tính lương hưu cho người lao động nghỉ hưu
1. Đối tượng hưởng lương hưu theo quy định
Lương hưu là một trong những khoản tiền trợ cấp hàng tháng của chế độ hưu trí mà cả người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và người tham gia BHXH tự nguyện đều có thể được hưởng. Trong đó đối tượng hưởng lương hưu gồm 06 nhóm sau:
(1) Người làm việc theo hợp đồng lao động (bao gồm hợp đồng lao động ngắn hạn và dài hạn).
(2) Cán bộ, công chức, viên chức.
(3) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
(4) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân.
(5) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
(6) Công dân là người Việt Nam từ đủ 15 tuổi tham gia BHXH tự nguyện.
2. Điều kiện hưởng lương hưu năm 2025
Theo quy định tại Điều 169, Bộ luật Lao động 2019, để được hưởng hưởng lương hưu người lao động cần đáp ứng đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian tham gia BHXH.
Cụ thể năm 2025 điều kiện hưởng lương hưu như sau:
a) Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu năm 2025 của người tham gia bảo hiểm trong điều kiện lao động bình thường là đủ 61 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 56 tuổi 8 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 62 tuổi (nam) vào năm 2028 và đủ 60 tuổi (nữ) vào năm 2035.
b) Thời gian tham gia BHXH hưởng lương hưu năm 2025
Do từ ngày 01/7/2025 chính sách lương hưu có sự điều chỉnh theo Luật BHXH 2024 mới có hiệu lực thi hành do vậy thời gian tham gia BHXH tính hưởng lương hưu của người lao động sẽ có sự thay đổi trước vào sau ngày 01/7. Cụ thể:
- Từ ngày 01/1/2025 đến 31/6/2025
Người thụ hưởng cần đảm bảo đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên.
Riêng lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc chỉ cần đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm.
- Từ ngày 01/7/2025
Theo quy định mới của luật BHXH 2024, người tham gia BHXH từ đủ 15 năm được hưởng lương hưu hàng tháng.
Hướng dẫn cách tính lương hưu BHXH năm 2025
3. Hướng dẫn cách tính lương hưu năm 2025
Đối với các đối tượng tham gia loại hình BHXH khác nhau sẽ có cách tính lương hưu khác nhau. Mức lương hưu sẽ phụ thuộc vào mức tiền lương/thu nhập tính đóng BHXH, thời gian tham gia BHXH và chính sách điều chỉnh tiền lương tính đóng BHXH từng thời kỳ.
3.1 Đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc
Căn cứ theo quy định tại Điều 66, Luật BHXH năm 2024, từ 01/7/2025 mức lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc được tính theo công thức sau:
Mức lương hưu hằng tháng | = | Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng | x | Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc |
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính như sau:
- Đối với lao động Nam nếu đóng đủ 20 năm BHXH: Tỷ lệ hưởng là 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa là 75%.
- Đối với lao động Nữ nếu đóng đủ 15 năm BHXH: Tỷ lệ hưởng là 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa là 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Ngoài ra, đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm lao động, tỷ lệ hưởng sẽ bị trừ đối với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi đi 2% vào tổng tỷ lệ hưởng. Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi từ 6 tháng trở lên thì không giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì tính giảm 1%.
Việc tính mức hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH bắt buộc theo quy định của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
3.2. Đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện
Căn cứ theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện mức lương hưu được tính theo công thức sau:
Mức lương hưu hằng tháng | = | Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng | x | Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện |
Trong đó,
- Tỷ lệ hưởng lương hưu của nữ là 45% nếu đóng đủ 15 năm BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa là 75%.
- Tỷ lệ hưởng lương hưu của nam là 45% nếu đóng đủ 20 năm BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa là 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 72 của Luật BHXH 2024 tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
3.3 Đối với người tham gia cả BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc
Đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện việc tính lương hưu sẽ phức tạp hơn, theo đó.
Thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 10/1/2025;
Tiền lương tháng đã đóng BHXH bắt buộc được điều chỉnh theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Điều 2, Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 10/1/2025.
Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng lương hưu, được tính theo quy định tại Khoản 4, Điều 11, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và khoản 4 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.
Lưu ý: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH ngày 10/01/2025 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/02/2025; các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01/01/2025) quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập đã BHXH. Mọi tính toán lương hưu đều căn cứ trên mức điều chỉnh tiền lương tháng và thu nhập tháng đóng BHXH tại Thông tư này.
Thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, người hưởng lương hưu cũng có thể chủ động xem lịch chi trả lương hưu hàng tháng của cơ quan BHXH nơi chi trả.
04 cách cải thiện mức hưởng lương hưu hàng tháng
4. Cách tăng mức hưởng lương hưu hằng tháng
Người lao động có thể căn cứ theo các yếu tố ảnh hưởng đến mức hưởng lương hưu theo công thức tính. Dưới đây là một số cách để tăng mức lương hưu cho người lao động:
(1) Đóng BHXH đủ số năm: Để hưởng lương hưu, bạn cần đóng đủ số năm tham gia BHXH. Hãy đảm bảo bạn đóng BHXH liên tục và đủ số năm để tăng tỷ lệ hưởng.
(2) Tăng mức đóng BHXH: Đóng BHXH với mức lương cao hơn sẽ giúp bạn tích luỹ quỹ hưu trí nhanh hơn. Hãy xem xét tăng mức đóng để tăng lượng tiền hưu trí.
(3) Tích luỹ thêm quỹ hưu trí cá nhân: Ngoài BHXH do Nhà nước tổ chức, người lao động có thể tích luỹ thêm bằng các khoản tiết kiệm, đầu tư, hoặc mua gói bảo hiểm hưu trí riêng.
(4) Duy trì một sức khỏe tốt: Sức khỏe tốt sẽ giúp người lao động tiết kiệm chi phí y tế và đảm bảo duy trì một năng suất làm việc lâu dài từ đó giúp kéo dài thời gian đóng BHXH.
Như vậy, nắm rõ lương hưu được tính thế nào sẽ giúp người lao động tính toán chính xác mức lương hưu được hưởng đồng thời chủ động trong việc điều chỉnh thời gian đóng BHXH và độ tuổi nghỉ hưu để có mức hưởng lương hưu cao nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, người lao động có thể liên hệ với cơ quan BHXH gần nhất hoặc BHXH điện tử eBH để được hỗ trợ.
Tài Phạm