CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Lao động nữ có thai rồi mới đóng bảo hiểm thai sản có được không?

Bởi ebh.vn - 12/04/2024

Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người lao động nữ được hưởng trong thời kỳ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vậy có thai rồi mới đóng bảo hiểm thai sản được không? là thắc mắc của nhiều độc giả. Bài viết dưới đây của EBH sẽ giúp giải đáp thắc mắc đó.

Người lao động có thai mới đóng bảo hiểm để hưởng thai sản

Người lao động có thai mới đóng bảo hiểm để hưởng thai sản

1. Có thai rồi mới đóng bảo hiểm thai sản có được hay không?

Người lao động khi ký hợp đồng lao động từ đủ một tháng trở lên sẽ được tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Do đó, nếu lao động nữ mang thai ký hợp đồng lao động từ một tháng trở lên cũng sẽ được tham gia BHXH bắt buộc và hưởng đầy đủ các chế độ của BHXH, trong đó có chế độ thai sản. 

Tuy nhiên, lao động nữ có thai phải tham gia BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước sinh thì mới được hưởng chế độ thai sản. Do đó, khi lao động nữ phát hiện mình có thai, cần sớm tham gia BHXH bắt buộc để kịp đóng đủ 06 tháng BHXH trở lên trước khi sinh con. 

Lưu ý: Trên theo quy định, lao động nữ chỉ cần đóng đủ 06 tháng BHXH trong vòng 12 tháng trước sinh thì sẽ được hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên trên thực tế, trường hợp đóng đủ 06 tháng BHXH rất dễ bị Cơ quan BHXH thanh tra do nghi ngờ trục lợi tiền BHXH. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho mình, lao động nữ cần chủ động tham gia BHXH càng sớm càng tốt để được hưởng đầy đủ chế độ thai sản.

Như vậy, với thắc mắc: Lao động nữ có thai rồi mới đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản có được không? Câu trả lời là . Lao động nữ mang thai vẫn được hưởng chế độ thai sản nếu đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trước khi sinh con.

1.1 Có thai 3 tháng rồi mới đóng bảo hiểm thai sản có được không?

Theo như quy định đã nêu ở trên, nếu lao động nữ đã có thai và mới bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bạn vẫn có thể được hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng được các điều kiện cụ thể.

Cụ thể, lao động cần phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con Điều này có nghĩa là, ngay cả khi người lao động đã có thai 3 tháng, miễn là bạn bắt đầu đóng BHXH và đóng đủ số tháng quy định trước khi sinh, bạn sẽ được hưởng các quyền lợi thai sản theo luật định.

Lao động có thai mới đóng bảo hiểm vẫn được hưởng thai sản bình thường

Lao động có thai mới đóng bảo hiểm vẫn được hưởng thai sản bình thường

2. Quyền lợi thai sản lao động nữ được hưởng là gì?

Căn cứ theo các quy định tại Mục 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong quá trình mang thai, sinh và nuôi con lao động nữ sẽ được hưởng các quyền lợi thai sản sau: 

(1) Được nghỉ làm hưởng thai sản: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con với tổng thời gian là 06 tháng. Trường hợp người lao động sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi người con, mẹ sẽ được nghỉ thêm một tháng.

Trong đó, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. 

(2) Nhận trợ cấp một lần khi sinh con: Lao động nữ sinh con sẽ được nhận trợ cấp một lần cho mỗi con bằng hai lần mức lương cơ sở tại tháng người này sinh con. Cụ thể: 

Số tiền trợ cấp một lần khi sinh/con = 2 x 1,8 triệu đồng = 3,6 triệu đồng. 

(3) Nhận tiền chế độ thai sản: Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, lao động nữ khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản trong 06 tháng. Trong thời gian này, số tiền chế độ thai sản mà lao động nữ được hưởng sẽ xác định theo công thức sau: 

Mức tiền hưởng hàng tháng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng thai sản. 

Ví dụ, lao động nữ trước khi sinh con có mức tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng thai sản là 10 triệu đồng/tháng. 

Mức hưởng hàng tháng tiền thai sản là: 10 triệu đồng/tháng. 

Lao động không được hưởng thai sản trong một số trường hợp

Lao động không được hưởng thai sản trong một số trường hợp

2.1 Trường hợp không được hưởng bảo hiểm thai sản

Theo quy định, không phải ai tham gia bảo hiểm xã hội cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản. Dưới đây là một số trường hợp người lao động không được hưởng chế độ thai sản khi tham gia BHXH:

(1) Lao động tham gia BHXH tự nguyện: Hiện nay, chế độ thai sản chỉ áp dụng với người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là chế độ hưu trí và tử tuất. Do đó, nếu người lao động tham gia BHXH tự nguyện thì sẽ không được hưởng các quyền lợi của chế độ thai sản. 

(2) Lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đủ thời gian đóng: Theo Điều 31, Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc sẽ không được giải quyết chế độ thai sản khi sinh con nếu không đáp ứng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm. Cụ thể, với các trường hợp sau, lao động nữ sẽ không được hưởng chế độ thai sản:

- Sinh con nhưng trước đó đang hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đủ 06 tháng trở lên trong thời hạn 12 tháng trước khi sinh con. 

- Khi mang thai từng phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ nhưng chưa đóng BHXH bắt buộc đủ 12 tháng. 

- Khi mang thai từng phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ, đã đóng đủ 12 tháng BHXH trở lên nhưng tính trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì chưa tích lũy đủ 3 tháng đóng BHXH trở lên. 

- Mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ đóng BHXH bắt buộc chưa đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. 

- Nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi đóng BHXH bắt buộc chưa đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi đó. 

2.2 Trường hợp được hưởng thai sản ngay từ khi mới đóng

Dưới đây là một số trường hợp người lao động mới bắt đầu đóng BHXH bắt buộc nhưng vẫn được thanh toán tiền thai sản: 

(1) Người lao động đi khám thai: Theo quy định tại Điều 32, Luật BHXH, lao động nữ được nghỉ làm để đi khám thai hưởng chế độ thai sản 5 lần với 01 ngày/lần. Trong trường hợp người lao động ở xa nơi khám hoặc mang thai bệnh lý, thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày/lần. 

(2) Lao động nữ bị sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý. Tùy vào tuổi thai, người lao động sẽ được nghỉ hưởng các chế độ thai sản sau: 

  • Thai nhi dưới 5 tuần tuổi: Được nghỉ 10 ngày.

  • Thai nhi từ 5-13 tuần tuổi: Được nghỉ 20 ngày.

  • Thai nhi từ 13-25 tuần tuổi: Được nghỉ 40 ngày.

  • Thai nhi từ 25 tuần trở lên: Được nghỉ 50 ngày.

(3) Người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai. Người lao động sẽ được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh với thời gian tối đa như sau: 

  • Lao động nữ đặt vòng tránh thai: Nghỉ 07 ngày.

  • Lao động thực hiện biện pháp triệt sản: Nghỉ 15 ngày.

Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng đã có thể giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc của mình. Nếu bạn cần hỗ trợ xin vui lòng liên hệ với BHXH Việt Nam (Tổng đài CSKH 1900 9068) hoặc EBH để được trợ giúp.

Nguyệt Nga - EBH

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu