Mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động năm 2021
Tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động. Năm 2021, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn được áp dụng theo quy định này.
Mức đóng BHYT của người lao động năm 2021 có gì thay đổi?
1. Quy định mức đóng BHYT của người lao động năm 2021
Căn cứ theo Điều 7, Nghị định 146/2018/NĐ-CP ban hành ngày 17/10/2018 mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2021 của người lao động (NLĐ) được áp dụng như sau:
1.1 Đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, cán bộ, công chức, viên chức
Mức đóng BHYT đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức:
-
Mức đóng hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động;
-
Không phải đóng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH và được hưởng quyền lợi BHYT;
-
Mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không. Nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh;
Lưu ý: Trường hợp đối tượng trên có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Trách nhiệm đóng BHYT:
-
Đối với đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp đơn vị sẽ do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng BHYT.
1.2 Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng
Mức đóng BHYT hàng tháng của người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động.
Trách nhiệm đóng BHYT:
-
Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng do cơ quan BHXH đóng.
-
Đối với các cán bộ phường xã thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước; người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước; Người có công với cách mạng và cựu chiến binh sẽ do ngân sách nhà nước đóng.
Mức đóng BHYT của người hưởng lương hưu bằng 4,5% tiền lương hưu, do cơ quan BHXH chi trả.
1.3 Đối với NLĐ trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Mức đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản.
Trách nhiệm đóng BHYT:
Cơ quan BHXH sẽ chịu trách nhiệm chi trả mức đóng BHYT của các đối tượng nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
1.4. Đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp
Đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mức đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp.
Trách nhiệm đóng BHYT:
Trách nhiệm đóng BHYT cho đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc về cơ quan BHXH.
1.5 Đối với người lao động tham gia BHYT theo hộ gia đình
Đối với các đối tượng người lao động tham gia BHYT theo hộ gia đình mức đóng được quy định như sau:
-
Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
-
Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
-
Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Lưu ý: Đối với đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì không áp dụng giảm trừ mức đóng theo quy định trên.
Việc giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Xem thêm >> Hướng dẫn thủ tục mua bảo hiểm y tế tự nguyện như thế nào?
Trách nhiệm đóng BHYT:
Người lao động có trách nhiệm tự đóng phí tham gia BHYT. Phương thức đóng có thể đóng theo năm, đóng theo tháng thường là 3 tháng 1 lần hoặc 6 tháng 1 lần tùy vào nhu cầu của người tham gia.
1.6 Đối với các đối tượng khác
Đối với người lao động không thuộc các trường hợp nêu trên thì mức đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Trường hợp đối tượng tham gia BHYT là thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội, thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân, thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo thứ tự như sau: Do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng; do ngân sách nhà nước đóng; do người sử dụng lao động đóng.
2. Mức hưởng bảo hiểm y tế năm 2021
Mức hưởng bảo hiểm y tế phụ thuộc vào từng đối tượng tham gia BHYT và từng trường hợp đi khám chữa bệnh (KCB) khác nhau. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 14, Nghị định 146/2018/NĐ-CP về mức hưởng BHYT đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 7, Điều 22 của Luật bảo hiểm y tế như sau:
Đối với trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến:
Người tham gia BHYT khi đi KCB theo quy định tại các Điều 26, 27 và 28 của Luật bảo hiểm y tế; Khoản 4 và 5 Điều 22 của Luật bảo hiểm y tế thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
- Được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các Khoản 3, 4, 8, 9, 11 và 17 Điều 3 Nghị định này;
- Được hưởng 100% chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với:
-
Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
-
Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
-
Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
-
Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
-
Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát;
-
Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;
- Trẻ em dưới 6 tuổi.
-
Hưởng 100% chi phí KCB tại tuyến xã;
-
Hưởng 100% chi phí KCB đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở;
-
Hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;
-
Hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2, khoản 12 Điều 3 và khoản 1 và 2 Điều 4 Nghị định này;
Xem thêm >> Mức hưởng bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh năm 2021
- Quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác;
-
Người bệnh được cơ sở KCB tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì được quỹ bảo hiểm y tế chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng quy định tại điểm a, b, đ, e và g khoản 1 Điều này.
2. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có mức hưởng cao nhất quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức hưởng quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật bảo hiểm y tế, trừ các trường hợp sau: cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này khi đến khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế tuyến xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh.
Chi tiết các đối tượng và mức hưởng bảo hiểm y tế năm 2021
Đối với trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo mức hưởng quy định tại Khoản 3, Điều 22, của Luật bảo hiểm y tế. Cụ thể mức hưởng như sau:
Được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng KCB đúng tuyến theo tỷ lệ như sau:
-
Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
-
Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước;
-
Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB từ ngày 01/01/2016.
Lưu ý: Các trường hợp cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì được hưởng mức hưởng như đi KCB đúng tuyến.
Xem thêm >> Không được hưởng BHYT 5 năm liên tục khi tự đi khám chữa bệnh trái tuyến
Kết luận
Như vậy, mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động năm 2021 về cơ bản được giữ nguyên so với năm 2020. Mức đóng BHYT sẽ phụ thuộc vào từng đối tượng tham gia BHYT và phụ thuộc vào mức đóng BHXH hàng tháng của người lao động.
Trên đây là những chia sẻ đến từ Bảo hiểm xã hội điện tử eBH, một trong những đơn vị cung cấp phần mềm BHXH điện tử uy tín được đông đảo các doanh nghiệp lựa chọn. Để tham khảo và được hỗ trợ trải nghiệm phần mềm BHXH điện tử eBH, đơn vị và doanh nghiệp vui lòng liên hệ đến đường dây nóng 1900558873 hoặc 1900558872.
Xem thêm >> Khám chữa bệnh BHYT năm 2021 người dân có nhiều thuận lợi