Nhận bảo hiểm thất nghiệp ở đâu và phương thức nhận trợ cấp
Người lao động thất nghiệp đủ điều kiện và đã hoàn tất thủ tục hưởng thì nhận bảo hiểm thất nghiệp ở đâu? và các phương thức nhận tiền trợ cấp hiện nay. Tất cả sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Cập nhật mới nhất về nơi nhận bảo hiểm thất nghiệp năm 2022
1. Nơi giải quyết và nhận bảo hiểm thất nghiệp theo quy định
Nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong những quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH tại các đơn vị, doanh nghiệp. BHTN góp phần hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn khi chưa tìm được việc làm và có thu nhập. Theo Luật quy định người lao động sẽ được lãnh bảo hiểm thất nghiệp tại nơi nộp hồ sơ hưởng hoặc nhận tiền trợ cấp qua thẻ ngân hàng. Cụ thể:
1.1 Nhận tiền BHTN trực tiếp tại nơi nộp hồ sơ
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 17, Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 về việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định như sau:
“Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.”
Tại Khoản 2, Điều 18, Nghị định 28/2015/NĐ-CP của Chính Phủ và Khoản 7, quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN ban hành kèm theo Quyết định số 166/2019/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 quy định về việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và tổ chức chi trả trợ cấp BHTN.
Người lao động được hưởng BHTN có thể nhận tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp tại các địa điểm, tổ chức đại diện chi trả nơi mà BHXH Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ chi trả chế độ BHXH, BHTN và quản lý người hưởng như:
-
Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ BHTN.
-
Các tổ chức bảo hiểm xã hội cấp xã, huyện, thị trấn nơi được BHXH cấp tỉnh ủy nhiệm chi trả.
Tổng công ty Bưu điện phải tổ chức các Điểm chi trả đến cấp xã phù hợp với điều kiện của từng địa phương và thống nhất với cơ quan BHXH. Điểm chi trả có địa chỉ cụ thể, được cập nhật tại danh mục điểm chi trả trong toàn quốc và được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam để người lao động có thế tra cứu.
1.2 Nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp qua thẻ ngân hàng
Căn cứ vào Điểm 2.1.2, Khoản 2, Điều 2 của Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH, hiện nay người lao động sẽ có thêm một cách nhận tiền trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng mà không cần trực tiếp đến tại trung tâm dịch vụ việc làm hay bưu điện.
Người lao động có thể lãnh tiền bảo hiểm thất nghiệp qua thẻ ngân hàng
Với cách nhận bảo hiểm thất nghiệp qua thẻ ATM, tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ được chuyển trực tiếp đến số tài khoản ngân hàng mà người lao động đã đăng ký (Số tài khoản, chủ tài khoản, ngân hàng và chi nhánh NH) tại phần hình thức nhận tiền trong hồ sơ hưởng BHTN.
Chú ý: Trong trường hợp thông tin tài khoản nhận tiền trợ cấp thất nghiệp bị sai số tài khoản hoặc tên của chủ tài khoản, người hưởng trợ cấp cần làm công văn điều chỉnh số tài khoản/ tên chủ tài khoản gửi bộ phận văn thư của cơ quan BHXH nơi công ty tham gia Bảo hiểm xã hội.
Hình thức gửi: Người lao động có thể gửi trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh. Lưu ý người gửi cần ghi thêm số điện thoại liên hệ vào bì thư.
2. Chuyển nơi cư trú có đổi địa điểm nhận BHTN được không?
Trong thực tế trường hợp người lao động chuyển nơi cư trú khi đang chờ quyết định hưởng BHTN vẫn có thể thay đổi địa điểm nhận BHTN được.Tuy nhiên phải làm đề nghị chuyển địa điểm nhận Bảo hiểm thất nghiệp.
2.1. Căn cứ Pháp luật chuyển địa điểm nhận BHTN
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 22, Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.”
Trong vòng 03 ngày sau khi nhận được đơn của người lao động trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và gửi giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng TCTN cho trung tâm việc làm nơi người lao động chuyển đến.
Người lao động làm đề nghị chuyển địa điểm nhận BHTN tại quầy
2.2. Hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp
Hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm 04 giấy tờ chính sau đây:
-
Giấy đề nghị chuyển của người lao động;
-
Giấy giới thiệu chuyển;
-
Bản chụp quyết định hưởng TCTN;
-
Các giấy tờ khác có trong hồ sơ.
Ngoài ra trong hồ sơ có thể gồm:
-
Bản chụp các quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng TCTN, quyết định tiếp tục hưởngTCTN (nếu có).
-
Bản chụp thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng (nếu có).
Trong vòng 10 ngày làm việc tính từ ngày người lao động nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng TCTN cho Trung tâm DVVL nơi mới chuyển đến.
Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng TCTN, trung tâm DVVL nơi người lao động chuyển đến sẽ làm gửi văn bản đề nghị BHXH cấp tỉnh nơi chuyển đến để tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ BHYT cho người lao động kèm theo bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Hiện nay, việc nhận bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân của người lao động rất nhanh và thuận tiện, có thể không cần làm hồ sơ chuyển nơi hưởng TCTN mà người lao động vẫn nhận được tiền hưởng trợ cấp và không phải đến địa điểm chi trả để nhận tiền.
Như vậy, trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử eBH đã giải đáp một số thắc mắc của người lao động liên quan đến nơi nhận bảo hiểm thất nghiệp ở đâu theo quy định. EBH mong rằng có thể mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích nhất.
Xem thêm: Quy trình và thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp