Hợp đồng cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm xã hội
Hiện nay để giải quyết công việc cụ thể, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng cộng tác viên với một cá nhân hoàn toàn hợp pháp. Vậy hợp đồng cộng tác viên là gì? Và liệu người lao động theo hình thức này có phải đóng bảo hiểm hay không? Tất cả sẽ được EBH giải đáp trong bài viết dưới đây.
Cộng tác viên được làm việc tự do và không chịu sự quản lý của Công ty
1. Cộng tác viên là gì?
Cộng tác viên (CTV) là một người làm việc tự do, được tổ chức/doanh nghiệp thuê để thực hiện một số công việc trong ngắn hạn hoặc tham gia vào môt dự án nhất định mà không bị ràng buộc về thời gian, địa điểm hay chế độ làm việc như nhân viên chính thức.
CTV không thuộc biên chế chính thức của doanh nghiệp và không bị quản lý trực tiếp, họ có thể làm việc linh hoạt tại văn phòng hoặc từ xa, làm việc theo giờ, phối hợp với nhân sự trong công ty để hoàn thành theo sản phẩm hoặc theo dự án, miễn là hoàn thành đúng yêu cầu.
Cộng tác viên có thể cùng lúc làm việc/công tác cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác nhau mà không chịu sự ràng buộc về quy định, nội quy của tổ chức đang làm việc. Đây thường là lựa chọn lý tưởng cho sinh viên, người lao động muốn làm thêm, hoặc người đang tìm kiếm sự linh hoạt trong công việc.
1.1 Hợp đồng cộng tác viên là gì?
Hợp đồng cộng tác viên là một dạng thỏa thuận pháp lý giữa một cá nhân là cộng tác viên và tổ chức/doanh nghiệp, nhằm xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện một công việc, sản phẩm hoặc dự án.
Hợp đồng CTV có thể được ký dưới 02 hình thức:
-
Hợp đồng lao động (quy định tại Khoản 1, Điều 13, Bộ luật Lao động 2019) nếu công việc có tính chất thường xuyên, có sự quản lý, điều hành từ phía công ty.
-
Hợp đồng dịch vụ (quy định tại Điều 513, Bộ luật Dân sự 2015) nếu cộng tác viên làm việc độc lập, không chịu sự quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.
Cộng tác viên làm việc tại nhà ký hợp đồng dịch vụ không phải đóng bảo hiểm
2. Hợp đồng cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm không?
Việc cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không sẽ phụ thuộc vào bản chất pháp lý và hình thức của hợp đồng mà họ ký kết. Có hai trường hợp chính:
TH1: Nếu hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động, khi công việc có tính chất thường xuyên, có sự quản lý, điều hành từ phía công ty.
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 158/2025/NĐ-CP và điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2024, người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hợp đồng có xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên và có trả lương, chịu sự quản lý thì phải tham gia BHXH bắt buộc.
TH2: Nếu hợp đồng là hợp đồng dịch vụ, khi cộng tác viên làm việc độc lập, không chịu sự quản lý trực tiếp.
Căn cứ theo quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất (bằng mức tham chiếu đóng BHXH do chính phủ quy định) thì phải tham gia BHXH bắt buộc.
Trong trường hợp này, cộng tác viên ký hợp đồng dịch vụ không phải đóng bảo hiểm theo quy định nếu tiền lương trong tháng thấp hơn mức tham chiếu.
Như vậy, hợp đồng cộng tác viên phải đóng bảo hiểm nếu là hợp đồng lao động và không phải đóng bảo hiểm nếu là hợp đồng dịch vụ và tiền công trong tháng được trả thấp hơn mức tham chiếu.
2.1 5 lỗi khiến hợp đồng CTV được coi là hợp đồng lao động
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong quá trình thuê cộng tác viên do sơ suất trong soạn thảo hoặc thực thi hợp đồng cộng tác đã vô tình biến mối quan hệ hợp tác thành mối quan hệ lao động có ràng buộc, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị truy thu BHXH, thuế TNCN và phải chịu các khoản phạt hành chính khác. Dưới đây là 5 lỗi thường gặp khiến hợp đồng công tác viên được xem là hợp đồng lao động.
1. Công tác viên nhưng lại chịu sự quản lý và giám sát như một nhân viên chính thức
CTV được doanh nghiệp yêu cầu làm việc theo khung giờ hành chính, có người quản lý trực tiếp và phải báo cáo công việc định kỳ như đối với nhân viên ký hợp đồng dài hạn. Cơ quan BHXH hoặc thanh tra lao động có thể đánh giá đây là sự điều hành công việc - một trong các yếu tố cốt lõi trong quan hệ lao động.
2. Trả lương cố định theo tháng mà không theo kết quả công việc
Doanh nghiệp chi trả thu nhập cố định hàng tháng mà không gắn liền với sản phẩm/dự án mà CTV thực hiện. Đây là đặc điểm cơ bản của tiền lương trong HĐLĐ không phải thù lao như trong hợp đồng dịch vụ.
3. Không có sản phẩm cụ thể, không xác định phạm vi hợp tác độc lập
Trên hợp đồng không ghi rõ cộng tác viên phải chịu trách nhiệm độc lập, tự chủ về thời gian thay vào đó mô tả công việc như của một nhân viên chính thức. Điều này cho thấy hợp đồng thiếu tính độc lập và tự quản là yếu tố phân biệt giữa CTV và NLĐ.
4. Thời hạn hợp tác dài, lặp đi lặp lại nhiều lần và liên tục
Trường hợp hợp đồng cộng tác viên có dấu hiệu che giấu hợp đồng lao động thường được ký đi ký lại nhiều lần với cùng 1 cá nhân và trong thời gian dài từ 6 tháng trở lên, cơ quan BHXH có quyền suy đoán đây là mối quan hệ lao động lâu dài.
5. Không rõ ràng về nghĩa vụ nộp thuế và đóng bảo hiểm
Lỗi của doanh nghiệp là không hướng dẫn CTV tự kê khai, tự nộp thuế TNCN (nếu có) và không ký giấy Cam kết 02/CK-TNCN. Khi cơ quan thuế kiểm tra nếu xác định đây là lao động thường xuyên thì doanh nghiệp sẽ bị truy thu thuế theo quy định, chịu phạt chậm nộp và truy thu BHXH.
Giải pháp cho doanh nghiệp:
-
Hợp đồng cộng tác viên cần ghi rõ: "Thời gian làm việc linh hoạt, không chịu điều hành nội bộ".
-
Thanh toán tiền công theo từng dự án sản phẩm đầu ra cụ thể (có chứng từ đối chiếu rõ ràng).
-
Hợp đồng ghi rõ: "Cộng tác viên không thuộc biên chế doanh nghiệp, không thuộc sự quản lý điều hành nhân sự".
-
Không ký hợp đồng dài hạn, nên làm theo từng đợt và theo từng dự án một.
-
Có cam kết trả thu nhập dưới 132 triệu/năm và lưu trữ đầy đủ hồ sơ thuế.
Việc sử dụng hợp đồng cộng tác viên là hoàn toàn hợp pháp nếu doanh nghiệp, thiết lập đúng bản chất của hợp đồng là hợp tác thương mại, không biến cộng tác viên thành nhân viên không được đóng bảo hiểm. Nếu vi phạm thì doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm phạt tài chính rất lớn, bị truy thu BHXH và chịu hình thức xử phạt của pháp luật do cố tình lách luật.
Trên đây là những chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử eBH về việc hợp đồng cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm không? Việc hiểu rõ bản chất pháp lý sẽ giúp bạn bảo vệ quyền lợi và tránh những rắc rối về sau. Dù là hợp đồng lao động hay dịch vụ, người lao động và doanh nghiệp đều nên nắm rõ quy định bảo hiểm xã hội để thực hiện đúng luật và xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững.
Tài Phạm