Chế độ thai sản cho nam khi vợ sinh con theo quy định
Có thể bạn chưa biết nhưng lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản khi vợ của họ mang thai và sinh con. Vậy chế độ thai sản cho nam được pháp luật quy định như nào? Hãy cùng tìm hiểu.
Nam giới cũng được hưởng chế độ thai sản theo quy định
1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản cho nam
Căn cứ theo Điều 31, Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 của Quốc Hội, Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
-
Lao động nữ mang thai;
-
Lao động nữ sinh con;
-
Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
-
Người lao động nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.
-
Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
-
Người lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con
Như vậy, theo quy định của Pháp luật thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản. Căn cứ vào Khoản 2, Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLDXH quy định điều kiện hưởng trợ cấp 1 lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH (mẹ không tham gia BHXH) thì cha phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
2. Thời gian hưởng chế độ thai sản cho nam giới
Căn cứ Khoản 2, Điều 34, Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 quy định chi tiết chế độ nghỉ thai sản của chồng khi có vợ sinh con như sau:
Lao động nam đang đóng BHXH khi có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 05 ngày làm việc;
b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian chồng nghỉ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Mức hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam
3. Mức hưởng chế độ thai sản cho nam
Căn cứ Khoản 1, Điều 39, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 của Quốc Hội đối với mức hưởng chế độ thai sản cho nam giới như sau:
Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
Mức hưởng một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày như sau:
Mức hưởng = Mức lương bình quân đóng BHXH/24 ngày X số ngày nghỉ
Ví dụ: Lương bình quân đóng bảo hiểm 6 tháng trước khi vợ sinh là: 6.000.000 và bạn được nghỉ 7 ngày (vì vợ sinh mổ)
Như vậy, Mức hưởng của lao động nam như sau:
Mbq6t = (6 x6.000.000đ)/6 tháng = 6.000.000đ
Mức hưởng cho 7 ngày = 6.000.000/ 24 x 7 = 1.750.000 đồng
Trong đó: Mbq6t : Mức bình quân 6 tháng tiền lương đóng BHXH gần nhất trước khi hưởng chế độ
4. Mức hưởng trợ cấp thai sản 1 lần của lao đông nam
Căn cứ Điều 38, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 của Quốc Hội quy định:
“Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.”.
Căn cứ theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chế độ thai sản đối với lao động nam được điều chỉnh, có nhiều thay đổi từ ngày 1/7. Theo đó mức lương cơ sở năm 2023 (trước ngày 1/7/2023) dành cho người lao động đang là 1.490.000 đồng/tháng.
Do đó, khi vợ của lao động nam tham gia BHXH bắt buộc sinh con, người lao động nam đó sẽ được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tức là 2.980.000 đồng cho mỗi một người con.
Như vậy, trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử eBH đã chia sẻ những thông tin về chế độ thai sản đối với lao động nam theo quy định của Pháp luật. EBH mong rằng có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích và rất mong nhận được những ý kiến đóng góp từ bạn đọc.