Cần thiết bổ sung tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN
Thời gian qua, tình hình vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, gian lận BHXH, BHYT, BHTN đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, xảy ra ở hầu hết các địa phương. Tính đến hết ngày 30/06/2015, số tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT là 10.811 tỷ đồng, chiếm 5,79% so với tổng số phải thu, tăng 457,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Sự cần thiết bổ sung tội danh trong lĩnh vực BHXH
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT là khoảng 150.000 doanh nghiệp với trên 05 triệu lao động. Có thể nói, các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, gian lận BHXH, BHYT, BHTN đã:
1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động
Người lao động không được tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), BHTN, BHYT hoặc tham gia không đầy đủ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT như quyền hưởng BHXH, BHYT khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền hưởng chế độ BHTN; quyền được lĩnh lương hưu khi hết tuổi lao động.
2. Ảnh hưởng đến An sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội
Hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT của người sử dụng lao động trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân của nhiều cuộc đình công kéo dài, gây bất ổn xã hội. Dư luận xã hội đã buộc các cơ quan hữu quan, các tổ chức bảo vệ người lao động phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Hành vi vi phạm này đi ngược lại mục đích An sinh xã hội mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang theo đuổi.
3. Ảnh hưởng đến an toàn, cân đối Quỹ BHXH, BHYT trong ngắn và dài hạn
Làm thất thoát các Quỹ BHXH, BHYT, ảnh hưởng đến an toàn, cân đối các Quỹ BHXH, BHYT trong ngắn hạn và dài hạn:
Quỹ BHXH, BHYT hình thành trên cơ sở đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm chi trả chế độ BHXH, BHYT cho người tham gia trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro. Hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT kéo dài ảnh hưởng đến nguồn thu của các quỹ BHXH, BHYT, không đảm bảo khả năng chi trả của quỹ, gây mất cân đối quỹ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Việc hình sự hóa các hành vi này trong giai đoạn hiện nay sẽ nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT của người sử dụng lao động, qua đó đảm bảo nguồn thu của Quỹ BHXH, BHYT.
Việc thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản BHXH, BHYT là cơ sở thực hiện việc chi trả đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động và gia đình họ, góp phần bảo đảm đời sống của người lao động và có tác dụng tích cực đến sự ổn định xã hội và phát triển bền vững, hạn chế tối đa sự bất bình đẳng giữa các đơn vị tuân thủ và đơn vị không tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT.
4. Ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật
Ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, mục tiêu của các chính sách An sinh xã hội của Đảng và Nhà nước:
Mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị (phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN; trên 80% dân số tham gia BHYT) sẽ khó đạt được nếu không có biện pháp buộc chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm An sinh xã hội”, thể hiện bước phát triển mới về quyền của công dân về An sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng. Do vậy, pháp luật của Nhà nước cần thể chế hóa, quy định những biện pháp, chế tài phù hợp nhằm bảo vệ quyền con người, bảo đảm quyền được An sinh xã hội của công dân.
Luật BHXH, Luật BHYT cũng đã xác định các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT (hành vi trốn đóng, gian lận BHXH, BHTN, BHYT) và quy định chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm. Ngoài ra, Luật BHXH, Luật BHYT còn quy định các hành vi vi phạm này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chưa thể thực hiện được do trong Bộ luật Hình sự không có tội danh tương ứng. Vì vậy, việc đưa vào Bộ luật Hình sự sửa đổi một số tội danh liên quan đến hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực BHXH, BHYT là rất cấp thiết.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Thông báo số 417 TB/VPCP ngày 11/11/2013:
“BHXH Việt Nam chủ động tham gia với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu để đưa ra các hành vi, tội danh vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT cần phải xử lý hình sự vào nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự”;
Công văn số 2344/BTP-PLHSHC ngày 22/05/2014 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến lĩnh vực phụ trách, Lãnh đạo BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong Ngành chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan hữu quan, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn cho ý kiến về dự thảo báo cáo tình hình vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT; trong đó, tập trung nhấn mạnh đến khả năng hình sự hóa hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Đồng thời, BHXH Việt Nam đã tổ chức 04 cuộc hội thảo nhằm đánh giá các hành vi vi phạm chính sách BHXH, BHYT, BHTN, củng cố cơ sở pháp lý – thực tiễn của đề xuất bổ sung một số tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Trên cơ sở đó, ngày 21/10/2014, xây dựng Báo cáo số 4004/BC-BHXH về tình hình vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT và đề xuất bổ sung tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN vào Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi gửi Bộ Tư pháp, Ban Soạn thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi báo cáo Chính phủ.
5. Điều luật bổ sung quy định hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT
Ngày 27/04/2015, Chính phủ đã có Tờ trình số 186/TTr-CP về Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi trình Quốc hội, theo đó liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, đề nghị quy định là tội phạm với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, hành vi gian lận BHXH, BHYT. Cụ thể, bổ sung thêm 03 điều luật sau:
-
Điều 218: Tội gian lận BHXH, BHTN.
-
Điều 219: Tội gian lận BHYT.
-
Điều 220: Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Ngoài việc quy định hành vi phạm tội, Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội Trốn đóng BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động. Hiện nay, Dự thảo đang được lấy ý kiến nhân dân sau khi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII cho ý kiến.
Tội danh về BHXH, BHYT, BHTN trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi
Bổ sung thêm 03 điều luật xử phạt tội gian lận bảo hiểm
5.1 Điều 218. Tội gian lận BHXH, BHTN
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần số tiền chiếm đoạt hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BHTN lừa dối tổ chức BHXH;
b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH để mình hoặc người khác được hưởng các chế độ BHXH, BHTN.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần số tiền chiếm đoạt hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Giá trị chế độ BHXH, BHTN từ 100.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5.2 Điều 219. Tội gian lận BHYT
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền BHYT từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 05 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Lập hồ sơ bệnh án hoặc kê tăng số lượng, thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;
b) Sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ bảo hiểm giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa hoặc thẻ BHYT của người khác trong khám, chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 07 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Giá trị chế độ BHYT hưởng lợi từ 100.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5.3 Điều 220. Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động
1. Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ số người hoặc số tiền phải đóng theo quy định từ 06 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì bị phạt tiền từ 02 đến 03 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 20 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Trốn đóng bảo hiểm với số tiền từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
d) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người.
3. Phạm tội trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 05 đến 07 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm với số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 200 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội lần đầu, đã nộp toàn bộ số tiền trốn đóng bảo hiểm và khắc phục toàn bộ thiệt hại xảy ra trước khi xét xử thì được miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp người phạm tội đã nộp toàn bộ số tiền trốn đóng bảo hiểm và đã khắc phục một phần thiệt hại xảy ra trước khi xét xử thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
6. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 03 lần mức phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 03 đến 05 lần mức phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 05 đến 10 lần mức phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Như vậy trong bài viết trên đây, Bảo hiểm xã hội điện tử eBH đã gửi đến bạn đọc những thông tin cập nhật mới nhất về các mức xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm (BHXH, BHYT và BHTN). Mong rằng những chia sẻ trên sẽ có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích nhất.
Xem thêm: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội