CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Hình thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Bởi ebh.vn - 19/07/2024

Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, giao dịch điện tử đã và đang trở thành một phương thức giao dịch quan trọng. Dưới đây là một số điểm quan trọng về hình thức giao dịch điện tử trong bảo hiểm xã hội căn cứ theo các quy định hiện hành của Pháp Luật.

Quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH

1. Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là gì?

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 166/2016/NĐ-CP nêu rõ khái niệm:

Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là các giao dịch trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được thực hiện bằng phương tiện điện tử.

Những giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gọi chung là giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH gồm các nghiệp vụ sau:

- Đăng ký tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.

- Cấp sổ bảo hiểm, thẻ BHYT.

- Giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm (XH,YT,TN) theo quy định

- Giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

- Trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện các chế độ bảo hiểm.

1.1 Nguyên tắc giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH

Cá nhân, cơ quan, tổ chức (người dùng) thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc chung (theo Điều 4, Nghị đinh số 166/2016/NĐ-CP) như sau:

(1) Tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động và các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước có liên quan.

(2) Việc thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH phải bảo đảm rõ ràng, bình đẳng, trung thực, an toàn, hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo mật và toàn vẹn thông tin.

(3) Người dùng được quyền lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử hoặc phương thức truyền thống.

1.2 Điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 166/20216/NĐ-CP, Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện cần thiết sau:

- Có chứng thư số còn hiệu lực được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp theo quy định. Đối với cá nhân chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do BHXH Việt Nam cấp.

- Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet.

- Có địa chỉ hòm thư điện tử/Email thường xuyên sử dụng và đã được đăng ký với cơ quan BHXH Việt Nam.

1.2.1 Phương thức giao dịch BHXH điện tử

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 166/2016/NĐ-CP, người dùng là cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch BHXH điện tử được tự do lựa chọn phương thức giao dịch điện tử phù hợp:

(1) Thực hiện giao dịch trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam.

(2) Hoặc, thông qua Tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN theo quy định.

Các chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử (Khoản 3, Điều 3, Nghi định này) bao gồm hồ sơ, chứng từ, thông báo và các giấy tờ văn bản, đều được xử lý bằng phương tiện điện tử và có giá trị pháp lý.

Quyền & nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong giao dịch BHXH điện tử

Quyền & nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong giao dịch BHXH điện tử

2. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong giao dịch BHXH điện tử

Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 166/2016/NĐ-CP, người dùng là cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện các giao dịch BHXH điện tử theo quy định được nhận các quyền sau:

(1) Được thực hiện giao dịch BHXH điện tử theo quy định của Luật giao dịch điện tử, Nghị định 166/2016/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.

(2) Được tự do lựa chọn một trong hai phương thức giao dịch BHXH điện tử và Tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN để ký hợp đồng.

(3) Nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết kịp thời sự cố trong quá trình thực hiện giao dịch BHXH điện tử từ cơ quan BHXH Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN.

(4) Được BHXH Việt Nam và Tổ chức I-VAN bảo đảm bí mật và tính toàn vẹn về dữ liệu của thông tin giao dịch theo quy định của Pháp luật.

(5) Được cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội bằng phương tiện điện tử.

Bên cạnh các quyền lợi được nhận, Cá nhân, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH phải tuân thủ thực hiện 11 nghĩa vụ được quy định tại Điều 13 Nghị định 166/2016/NĐ-CP như sau:

(1) Thực hiện tạo lập, gửi, nhận các chứng từ BHXH điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam hoặc thông qua Tổ chức I-VAN.

(2) Không thực hiện giao dịch bằng hồ sơ giấy đối với các thủ tục đã đăng ký bằng hình thức giao dịch điện tử trong thời gian đang thực hiện giao dịch điện tử, trừ trường hợp (*)

(3) Thực hiện quản lý chữ ký số và bảo đảm tính chính xác của chữ ký số trên chứng từ BHXH điện tử; quản lý thông tin đăng nhập tài khoản giao dịch điện tử (tên và mật khẩu) bảo đảm tính an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu trên hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử của Tổ chức I-VAN và hệ thống công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam.

(4) Cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ thực hiện lưu trữ và bảo đảm tính toàn vẹn toàn bộ chứng từ BHXH điện tử theo quy định của pháp luật về lưu trữ, giao dịch điện tử và pháp luật có liên quan.

(5) Cơ quan, tổ chức thực hiện lưu trữ chứng từ giấy theo quy định về lưu trữ đối với những chứng từ kê khai với cơ quan BHXH nhưng chưa chuyển sang chứng từ điện tử. Đồng thời, xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu đối chiếu, kiểm tra.

(6) Thực hiện các quy định bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử của Tổ chức I-VAN và hệ thống công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam.

(7) Thực hiện lập hồ sơ BHXH bằng giấy hoặc chuyển hồ sơ BHXH điện tử sang hồ sơ giấy để nộp cho cơ quan BHXH trực tiếp quản lý theo đúng thời hạn quy định của Pháp luật.

(8) Thực hiện các điều khoản ký kết trong hợp đồng với Tổ chức I-VAN.

(9) Chấp hành theo yêu cầu về thanh kiểm tra, đối chiếu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.

(10) Chịu trách nhiệm về việc kê khai chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật có liên quan.

(11) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là việc thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến bảo hiểm xã hội thông qua phương tiện điện tử thay vì giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH, việc thực hiện giao dịch BHXH điện tử cần tuân thủ theo các quy định và pháp luật của Nhà nước. Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng đã có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.

T.P

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu