CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Giao dịch điện tử là gì? Nguyên tắc chung khi thực hiện

Bởi ebh.vn - 18/07/2024

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã có một số điểm mới so với luật năm 2005. Theo đó nhiều quy định về giao dịch điện tử được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Vậy giao dịch điện tử là gì? Nguyên tắc khi thực hiện và các hành vi bị cấm theo quy định. Tất cả sẽ được EBH chia sẻ đến bạn trong bài viết dưới đây.

Giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử

Giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử

1. Giao dịch điện tử là gì?

Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử (theo Khoản 1 Điều 3 Luật giao dịch điện tử sửa đổi năm 2023).

Trong đó, phương tiện điện tử là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự (theo Khoản 2, Điều 3 Luật này).

1.1 Nguyên tắc chung khi thực hiện giao dịch điện tử

Cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia giao dịch điện tử phải tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định trong Luật giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Điều này bao gồm việc tuân thủ chính sách về phát triển GDĐT và đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật an toàn thông tin mạng, an ninh mạng của các giao dịch điện tử.

1.1.1 Chính sách phát triển giao dịch điện tử

Căn cứ theo Điều 4 Luật giao dịch điện tử 2023, Các chính sách về phát triển giao dịch điện tử gồm có:

(1) Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử.

(2) Bảo đảm tự nguyện lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử (GDĐT), tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ, phương tiện điện tử, chữ ký điện tử, hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thực hiện các GDĐT (trừ trường hợp luật có quy định khác).

(3) Phát triển giao dịch điện tử toàn diện, toàn trình để thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số; tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn so với các phương thức giao dịch khác.

(4) Áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện phát triển giao dịch điện tử, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực trong giao dịch điện tử, đặc biệt tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

1.1.2 Đảm bảo an toàn thông tin mạng và an ninh mạng

Căn cứ theo Điều 5 Luật GDĐT 2023, Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch điện tử cần chú ý:

(1) Tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(2) Thông tin trong thông điệp dữ liệu là các thông tin được tạo ra, được gửi, được nhận, được lưu trữ bằng phương tiện điện tử (theo Khoản 4 Điều 3 Luật này) thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật về cơ yếu.

Ngoài ra, các bên tham gia cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan khác tùy theo lĩnh vực chuyên ngành để đảm bảo rằng tất cả các giao dịch điện tử được thực hiện theo đúng pháp luật và quy định hiện hành.

Ví dụ như đối với các giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật về thủ tục hành chính và quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Điều này đảm bảo rằng các thủ tục hành chính được thực hiện một cách minh bạch, công khai và hiệu quả. 

Ngoài ra, các giao dịch điện tử cũng phải tuân thủ các quy định về dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo rằng các dịch vụ được cung cấp trực tuyến một cách thuận tiện, nhanh chóng và an toàn, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Những hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử

Những hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử

1.2 Những hành vi nào bị cấm trong giao dịch điện tử?

Theo Điều 6 Luật Giao dịch điện tử sửa đổi năm 2023 quy định cụ thể 8 hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử, bao gồm các hành vi như cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu và việc gian lận, giả mạo, chiếm đoạt tài khoản giao dịch điện tử,... cụ thể:

(1) Hành vi lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

(2) Hành vi liên quan đến việc cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

(3) Hành vi thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

(4) Hành vi giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử.

(5) Hành vi tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

(6) Hành vi gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

(7) Hành vi cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

(8) Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

1.2.1 Các biện pháp giúp tuân thủ Luật Giao dịch điện tử

Để tuân thủ theo đúng các quy định của Luật Giao dịch điện tử, các bên liên quan trong GDĐT có thể thực hiện các biện pháp sau:

Đầu tiên, nắm vững các nội dung của luật giao dịch điện tử. Đọc và hiểu rõ các quy định, hạn chế, trách nhiệm của các bên liên quan trong giao dịch điện tử.

Thứ hai, đảm bảo tuân thủ các quy tắc bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân và tài khoản giao dịch điện tử. Sử dụng mật khẩu mạnh, không chia sẻ thông tin đăng nhập và hãy kiểm tra kỹ trước khi thực hiện giao dịch.

Thứ ba, sử dụng các dịch vụ uy tín bằng cách lựa chọn các dịch vụ giao dịch điện tử đáng tin cậy, có chính sách bảo mật và bảo vệ người dùng.

Thứ tư, kiểm tra kỹ các thông tin giao dịch trước khi xác nhận giao dịch, hãy kiểm tra kỹ thông tin về số tiền, người nhận và nội dung giao dịch.

Thứ năm, sẵn sàng báo cáo vi phạm khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi bị cấm trong GDĐT, hãy báo cáo cho cơ quan quản lý hoặc tổ chức có thẩm quyền để xử lý.

Việc tuân thủ các quy định trong luật giao dịch điện tử khi tham gia thực hiện GDĐT là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và các bên có liên quan. Nếu bạn cần thêm thông tin bạn có thể tìm hiểu tại Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 có hiệu lực từ 01/7/2024. Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng những chia sẻ trong bài viết trên đây có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.

T.P

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu