CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Giấy chuyển tuyến trên ứng dụng VNeID và cách sử dụng

Bởi ebh.vn - 14/10/2024

Giấy chuyển tuyến trên ứng dụng VNeID đã được công nhận giá trị tại các cơ sở y tế từ ngày 17/9/2024. Vậy người tham gia BHXH có thể sử dụng để xuất trình giấy chuyển tuyến trên VNeID như thế nào? Mời bạn hãy cùng EBH tìm hiểu chi tiết về chủ đề này trong bài viết dưới đây.

Người dân có thể sử dụng giấy chuyển tuyến online trên VNeID

Người dân có thể sử dụng giấy chuyển tuyến online trên VNeID

1. Giấy chuyển tuyến trên ứng dụng VNeID là gì?

Giấy chuyển tuyến trên ứng dụng VNeID là tiện ích mới được tích hợp vào ứng dụng định danh điện tử VNeID. Từ ngày 17/9/2024, giấy chuyển tuyến trên ứng dụng này có giá trị tương đương với giấy chuyển tuyến bản giấy.

Điều này có nghĩa là khi người bệnh cần chuyển tuyến bảo hiểm y tế có thể sử dụng giấy chuyển tuyến điện tử trên VNeID thay vì phải mang theo bản giấy. Thông tin trên giấy chuyển tuyến điện tử sẽ được các cơ sở y tế chấp nhận và sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị.

Để được chuyển tuyến, bệnh nhân cần được cơ sở y tế hiện tại cấp giấy xác nhận và nêu rõ lý do chuyển tuyến. Giấy chuyển tuyến trên VNeID là một trong những điểm nổi bật trong Quyết định số 2733/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thí điểm triển khai Sổ sức khỏe điện tử VNeID khi đi khám chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế kể cả công lập và tư nhân.

1.1 Cách mở tiện ích giấy chuyển tuyến trên VNeID

Để mở tiện ích giấy chuyển tuyến trên ứng dụng VNeID, bạn có thể làm theo các bước sau:

Bước 1: Tải ứng dụng VNeID hoặc đảm bảo rằng bạn đã cập nhật ứng dụng VNeID lên phiên bản mới nhất.

Bước 2: Mở ứng dụng và đăng nhập vào VNeID.

Bước 3: Truy cập vào tiện ích "Giấy chuyển tuyến" trên VNeID: Tại giao diện trang chủ, mục nhóm dịch vụ, chọn "Hồ sơ sức khỏe" > "Giấy chuyển tuyển" > Nhập Passcode (6 số) > Xem thông tin "Giấy chuyển tuyến".

Các bước truy cập giấy chuyển tuyến VNeID

Các bước truy cập giấy chuyển tuyến VNeID

Bước 4: Trong trường hợp bạn đã được cấp giấy chuyển tuyến bản giấy thì bạn có thể xem và sử dụng giấy chuyển tuyến điện tử để xuất trình trong quá trình chuyển tuyến BHYT.

Lưu ý: Nếu bạn chưa có tài khoản VNeID hoặc chưa xác thực định danh mức độ 2, bạn cần thực hiện các bước đăng ký và xác thực trước khi có thể sử dụng tiện ích này.

Cơ sở y tế cấp giấy chuyển tuyến nếu cần thiết

Cơ sở y tế cấp giấy chuyển tuyến nếu cần thiết

2. Cách xin giấy chuyển tuyến trên ứng dụng VNeID

Hiện nay, giấy chuyển tuyến đã có thể sử dụng trên ứng dụng VNeID. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý phải xin giấy chuyển tuyến trực tiếp tại cơ sở y tế đang điều trị để thông tin được cập nhật lên hệ thống dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Khi thực hiện chuyển tuyến, thủ tục được quy định rõ ràng tại Điều 7 của Thông tư số 14/2014/TT-BYT, cụ thể như sau:

Bước 1: Cơ sở khám chữa bệnh phải thông báo và giải thích lý do chuyển tuyến cho bệnh nhân hoặc người đại diện hợp pháp.

Bước 2: Đại diện cơ sở y tế ký giấy chuyển tuyến theo mẫu quy định.

Bước 3: Thực hiện các thủ tục kiểm tra trước khi chuyển bệnh nhân.

- Đối với bệnh nhân cấp cứu, cơ sở khám chữa bệnh cần liên lạc với cơ sở dự kiến sẽ tiếp nhận bệnh nhân, kiểm tra tình trạng của bệnh nhân lần cuối và chuẩn bị phương tiện cấp cứu sẵn sàng cho quá trình vận chuyển.  

- Đối với bệnh nhân cần hỗ trợ kỹ thuật, cơ sở chuyển bệnh nhân phải thông báo rõ ràng về tình trạng sức khỏe và các yêu cầu hỗ trợ để cơ sở tiếp nhận có biện pháp xử lý thích hợp.

Bước 4: Bàn giao giấy chuyển tuyến: Cơ sở y tế sẽ giao giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân hoặc người đi cùng để chuyển tới cơ sở y tế mới, đồng thời cập nhật thông tin này lên hệ thống dữ liệu BHYT và ứng dụng VNeID.

Lưu ý: Giấy chuyển tuyến có hiệu lực trong 10 ngày làm việc kể từ ngày ký.

Bước 5: Bàn giao giấy chuyển tuyến cho cơ sở khám chữa bệnh mới. Người được giao nhiệm vụ chuyển bệnh nhân sẽ nộp giấy chuyển tuyến bản giấy hoặc xuất trình giấy chuyển tuyến trên VNeID khi bàn giao bệnh nhân cho cơ sở y tế tiếp nhận.

2.1 Những trường hợp được cấp giấy chuyển tuyến trên VNeID

Giấy chuyển tuyến VNeID được Cơ sở y tế cấp đồng thời cùng giấy chuyển tuyến bản giấy cho người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân để kịp thời trong công khác điều trị bệnh.

Căn cứ theo các quy định tại Điều 3 của Thông tư 43/2013/TT-BYT, các loại tuyến cơ sở y tế năm 2024 gồm có:

(1) Tuyến Trung ương: Bao gồm các bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

(2) Tuyến tỉnh: Gồm các bệnh viện xếp hạng II trở xuống trực thuộc Bộ Y tế, hoặc bệnh viện hạng I, hạng II thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố.

(3) Tuyến huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh: Gồm bệnh viện hạng III, hạng IV, các bệnh viện chưa được xếp hạng, trung tâm y tế huyện, bệnh xá công an tỉnh, phòng khám đa khoa và chuyên khoa.

(4) Tuyến xã/phường/thị trấn: Bao gồm trạm y tế xã, trạm xá, phòng khám bác sĩ gia đình.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 14/2014/TT-BYT và Thông tư số 43/2013/TT-BYT, việc chuyển tuyến khám chữa bệnh được thực hiện trong các trường hợp sau:

(1) Chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo thứ tự: từ tuyến xã lên tuyến huyện, từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh lên tuyến Trung ương. Trường hợp cơ sở y tế tại tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp, người bệnh có thể được chuyển thẳng lên tuyến cao hơn.

(2) Chuyển bệnh nhân từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi không còn cần thiết điều trị tại tuyến cao hơn.

(3) Chuyển bệnh nhân giữa các cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến khi cần thiết chuyển đổi nơi điều trị trong cùng cấp.

Như vậy, chỉ cần có giấy chuyển tuyến bản giấy thì người bệnh cũng sẽ được cấp giấy chuyến tuyến điện tử trên VNeID kể từ ngày 17/9/2024 trở đi.

Trên đây là những chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử EBH về giấy chuyển tuyến trên ứng dụng VNeID. Nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng, xuất trình loại giấy tờ này, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến tổng đài hỗ trợ của VNeID 1900 0368 để được giúp đỡ.

Mạnh Hùng

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu