CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Quy trình chuyển cơ quan BHXH quản lý khi thay đổi địa điểm kinh doanh

Bởi ebh.vn - 08/03/2022

Trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi địa điểm kinh doanh sẽ thay đổi cơ quan quản lý BHXH cho thuận lợi và phù hợp với việc quản lý tại địa điểm mới. Dưới đây là quy trình chuyển cơ quan BHXH quản lý khi thay đổi địa điểm kinh doanh đối với doanh nghiệp.

Quy trình chuyển cơ quan BHXH quản lý khi thay đổi địa điểm kinh doanh đối với doanh nghiệp.

Quy trình chuyển cơ quan BHXH quản lý khi thay đổi địa điểm kinh doanh đối với doanh nghiệp.

Căn cứ thực hiện chuyển cơ quan BHXH quản lý đối với doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp thay đổi giấy phép kinh doanh, chuyển địa điểm trụ sở kinh doanh thì cần thực hiện thủ tục hồ sơ để chuyển nơi đăng ký tham gia bảo hiểm sang Cơ quan BHXH nơi đặt trụ sở mới. Việc chuyển cơ quan BHXH quản lý sẽ được thực hiện căn cứ theo Công văn số 1366/BHXH-THU ngày 20/4/2011 của cơ quan BHXH Việt Nam hướng dẫn quy trình chuyển nơi đăng ký tham gia BHXH, BHYT. 

Lưu ý trước khi chuyển đối với doanh nghiệp:

  • Chậm nhất, vào ngày 15 của tháng cuối cùng trước khi chuyển đi, đơn vị lập danh sách các phát sinh tăng, giảm (biểu A1a-TS, D02-TS...) nộp cho cơ quan BHXH nơi đi.

  • Trước ngày 5 của tháng giảm doanh nghiệp thực hiện thu hồi thẻ BHYT còn giá trị nộp cho cơ quan BHXH nơi đi, trường hợp không trả thẻ thì phải lập danh sách bổ sung giá trị thẻ còn lại.

  • Doanh nghiệp thanh toán đầy đủ tiền BHXH, BHYT đến tháng chuyển đi, lập thủ tục chốt sổ và nộp hồ sơ giải quyết chế độ cho người lao động tại BHXH nơi đi dứt điểm đến thời điểm chuyển đi.

  • Kịp thời đăng ký tham gia BHXH, BHYT ngay từ tháng tiếp theo tại BHXH nơi đến (nộp hồ sơ đăng ký ngay, đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN tháng đầu tiên để được cấp thẻ BHYT cho người lao động), không chờ phải giải quyết xong những tồn tại với cơ quan BHXH cũ.

Các bước chuyển cơ quan BHXH quản lý khi thay đổi địa điểm kinh doanh

Để thực hiện chuyển nơi đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội khi thay đổi địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện các bước như sau:

Các bước chuyển nơi đăng ký tham gia BHXH khi thay đổi địa điểm kinh doanh.

Các bước chuyển nơi đăng ký tham gia BHXH khi thay đổi địa điểm kinh doanh.

Bước 1: Báo giảm BHXH, BHYT, BHTN và chốt sổ BHXH đối với cơ quan BHXH nơi đi

Doanh nghiệp lập hồ sơ Báo giảm BHXH, BHYT, BHTN và chốt sổ BHXH đối với cơ quan BHXH nơi đi, hồ sơ gồm:

  • Phiếu giao nhận hồ sơ ngưng tham gia BHXH (mẫu 106, gồm 02 bản)

  • Giấy phép kinh doanh bản sao (01 bản)

  • Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT (mẫu D02-TS, 01 bản)

  • Thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng (01 thẻ/người)

  • Chứng từ nộp tiền – nếu có (Bản sao)

Sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ báo giảm và chốt sổ BHXH, căn cứ quyết định về phân cấp quản lý thu của BHXH thành phố hoặc đề nghị chuyển địa bàn, cơ quan BHXH nơi đi sẽ thực hiện:

  • Thông báo cho đơn vị những nội dung, yêu cầu công việc và thời gian phải thực hiện, đồng thời, gửi kèm 1 bản thông báo cho BHXH nơi đến để tiếp tục theo dõi. 

  • Trích dữ liệu người lao động còn làm việc tại thời điểm chuyển đi từ phần mềm SMS, chuyển cho BHXH nơi đến qua đường truyền FTP.

Doanh nghiệp lưu ý thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT đến tháng chuyển đi tại đơn vị quản lý BHXH nơi đi.

Bước 2: Báo tăng BHXH, BHYT, BHTN đối với cơ quan BHXH nơi đến

Doanh nghiệp báo tăng BHXH, BHYT, BHTN đối với cơ quan BHXH tại nơi chuyển đến. Thành phần hồ sơ gồm:

  • Bộ hồ sơ cơ quan BHXH gửi về như ở trên

  • Phiếu giao nhận hồ sơ đăng ký BHXH, BHYT bắt buộc (Mẫu 101, gồm 02 bản)

  • Phiếu đăng ký tham gia BHXH, BHYT (mẫu 01/ĐKBB, gồm 01 bản)

  • Quyết định thành lập hoặc Giấy phép kinh doanh/hoạt động (Bản sao có chứng thực)

  • Danh sách người lao động tham gia BHXH, BHYT (mẫu D02-TS, gồm 01 bản)

  • Tờ khai tham gia BHXH, BHYT đối với người tham gia BHXH lần đầu (Mẫu số TK1-TS, gồm 01 bản/người)

  • Thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT của cơ quan BHXH tham gia trước đó (mẫu C12-TS, gồm 01 bản)

Việc lập hồ sơ chuyển cơ quan BHXH quản lý khi thay đổi địa điểm kinh doanh có thể thực hiện hoàn toàn trên phần mềm BHXH điện tử mà doanh nghiệp đang sử dụng.

Sau khi doanh nghiệp hoàn thành đầy đủ thủ tục, cơ quan BHXH nơi đến sẽ tiếp nhận và quản lý BHXH, BHYT của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ giữa nơi đi, nơi đến và doanh nghiệp nhằm đảm bảo tổ chức quản lý thu đầy đủ và giải quyết kịp thời chế độ cho người lao động.

Trên đây là những tổng hợp về quy trình chuyển cơ quan BHXH quản lý khi thay đổi địa điểm kinh doanh. Các doanh nghiệp, đơn vị có thể tham khảo thực hiện để đảm bảo quá trình chuyển được thuận lợi.

>>> Cập nhật những thông tin mới nhất về bảo hiểm xã hội năm 2022 Xem thêm

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu