Biểu thuế lũy tiến là gì? Ứng dụng trong tính thuế TNCN
Biểu thuế lũy tiến từng phần là căn cứ để tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Biểu thuế năm 2024 như thế nào? Cách áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần tính thuế thu nhập cá nhân. Tất cả sẽ được EBH gửi đến bạn trong bài viết dưới đây.
Biểu thuế lũy tiến từng phần là một phương pháp tính thuế TNCN
1.Biểu thuế lũy tiến là gì?
Biểu thuế lũy tiến hay còn gọi là lũy tiến từng phần là phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân, trong đó người có thu nhập tính thuế sẽ phải nộp thuế theo mức thu nhập cá nhân tương ứng. Thuế suất tăng dần từ thấp đến cao, tức là thuế suất thuế thu nhập cá nhân tăng từ 5% đến 35% tương ứng với mức thu nhập tính thuế tăng dần.
Các cá nhân có thu nhập cao sẽ nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm trên thu nhập chịu thuế cao hơn so với các cá nhân có thu nhập thấp. Đây là cách để đảm bảo tính công bằng và phân chia gánh nặng thuế dựa trên khả năng tài chính của mỗi người.
1.1 Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với nguồn thu nhập chịu thuế nào?
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 22, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (áp dụng năm 2024) quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế quy định tại Khoản 1, Điều 21 của Luật này. Cụ thể áp dụng đối với:
(1) Nguồn thu nhập từ kinh doanh. Thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật như: Sản xuất, kinh doanh hàng hóa; Kinh doanh ăn uống; Xây dựng; Vận tải; Kinh doanh dịch vụ kể cả dịch vụ cho thuê nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác; Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật; Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng đủ điều kiện được miễn thuế.
(2) Nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công. Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm: Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Văn bản hợp nhất số: 68/VBHN-BTC ngày 9/12/2019.
2. Biểu thuế lũy tiến từng phần năm 2024
Hiện nay, biểu thuế lũy tiến từng phần được sử dụng làm căn cứ xác định thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp. Việc xác định đúng mức thuế phải đóng sẽ bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đồng thời góp phần đóng góp vào nguồn Ngân sách nhà nước góp phần xây dựng một xã hội ổn định, phát triển và bền vững.
Năm 2024, để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) người tính thuế căn cứ theo biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22, Luật Thuế TNCN 2007. Cụ thể, Biểu thuế luỹ tiến từng phần được quy định tại Khoản 1, Điều 22, Luật này như sau:
Bậc thuế |
Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) |
Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) |
Thuế suất (%) |
1 |
Đến 60 |
Đến 5 |
5 |
2 |
Trên 60 đến 120 |
Trên 5 đến 10 |
10 |
3 |
Trên 120 đến 216 |
Trên 10 đến 18 |
15 |
4 |
Trên 216 đến 384 |
Trên 18 đến 32 |
20 |
5 |
Trên 384 đến 624 |
Trên 32 đến 52 |
25 |
6 |
Trên 624 đến 960 |
Trên 52 đến 80 |
30 |
7 |
Trên 960 |
Trên 80 |
35 |
Có thể thấy có 07 bậc thuế, tương ứng với mỗi bậc thuế là mức thuế suất khác nhau tăng dần từ bậc 1 cho đến bậc 7. Đối với người lao động có thu nhập tính thuế tại mỗi bậc thuế khác nhau sẽ áp dụng mức thuế suất khác nhau. Khi bậc thuế càng cao tương ứng với việc đóng thuế càng nhiều.
Áp dụng lũy tiến từng phần trong tính thuế TNCN
2.1 Áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần vào tính thuế TNCN
Trong trường hợp người lao động làm việc tại đơn vị, doanh nghiệp và có nguồn thu nhập duy nhất từ tiền công, tiền lương sẽ bắt buộc áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần để tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập bằng thu nhập tính thuế của bậc thu nhập nhân (×) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.
2.1.1 Tính thuế TNCN áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần năm 2024
Ví du: Năm 2024, anh T có mức thu nhập hàng tháng là 30.000.000 đồng, mức lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là 20.000.000 đồng. Anh T có 01 người phụ thuộc. Tính mức đóng thuế TNCN của anh T?.
Mức đóng bảo hiểm tính trên thu nhập tháng đóng BHXH như sau: BHXH (8%); BHYT (1.5%) và BHTN (1%)
Mức đóng bảo hiểm bắt buộc được giảm trừ là: 20,000,000 x 8% + 20,000,000 x 1.5% + 20,000,000 x 1% = 2,100,000 đ
Anh T được giảm trừ các khoản sau:
-
Giảm trừ cho bản thân: 11.000.000 đồng
-
Giảm trừ người phụ thuộc: 1 x 4.400.000 = 4,400,000 đồng
Thu nhập tính thuế của anh T: 30.000.000 - 2.100.000 - 11.000.000 - 4.400.000 = 12,500,000
Số thuế phải nộp tính theo từng bậc của biểu thuế lũy tiến từng phần như sau:
Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%: 5.000.000 x 5% = 250.000 triệu đồng
Bậc 2: Thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%: (10.000.000 - 5.000.000) x 10% = 500.000 đồng
Bậc 3: Thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%: (12.500.000 - 10.000.000) x 15% = 375.000 đồng
Như vậy thuế TNCN của anh T phải đóng là: 250.000 + 500.000 + 375.000 = 1.125.000 đồng/tháng
2.1.2 Áp dụng cách tính thuế rút gọn
Bên cạnh cách tính thuế theo từng bậc thuế người lao động còn có thể tính thuế bằng cách áp dụng phương pháp tính thuế lũy tiến từng phần được cụ thể hóa theo Biểu tính thuế rút gọn. Cụ thể biểu thuế được quy định tại Phụ lục: 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính như sau:
Bậc thuế |
Thu nhập tính thuế /tháng |
Thuế suất |
Tính số thuế phải nộp |
|
Cách 1 |
Cách 2 |
|||
1 |
Đến 5 triệu đồng (trđ) |
5% |
0 trđ + 5% TNTT |
5% TNTT |
2 |
Trên 5 trđ đến 10 trđ |
10% |
0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ |
10% TNTT - 0,25 trđ |
3 |
Trên 10 trđ đến 18 trđ |
15% |
0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ |
15% TNTT - 0,75 trđ |
4 |
Trên 18 trđ đến 32 trđ |
20% |
1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ |
20% TNTT - 1,65 trđ |
5 |
Trên 32 trđ đến 52 trđ |
25% |
4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ |
25% TNTT - 3,25 trđ |
6 |
Trên 52 trđ đến 80 trđ |
30% |
9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ |
30 % TNTT - 5,85 trđ |
7 |
Trên 80 trđ |
35% |
18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ |
35% TNTT - 9,85 trđ |
Mức thuế áp dụng đối với 12.500.000 là mức thuế Bậc 2 tương ứng với thuế suất 15%.
Áp dụng công thức tính thuế TNCN ta có mức thuế anh T phải đóng là: 12.500.000 x 15% - 750.000 = 1,125,000 đồng/tháng.
Để thuận tiện cho việc tính thuế TNCN người lao động có thể áp dụng phương pháp tính rút gọn theo phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Người lao động có thể tự tính mức thuế TNCN cho mình, chủ động trong việc nộp thuế đúng và đủ, bảo vệ lợi ích cho mình.
Trên đây là những chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử EBH về biểu thuế lũy tiến và hướng dẫn cách áp dụng trong tính thuế TNCN. Trường hợp có nhiều nguồn thu nhập khác nhau người lao động lưu ý chỉ áp dụng Biểu thuế lũy tiến từng phần cho phần thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, tiền lương và tiền công, tổng mức thuế TNCN phải nộp là tổng mức thuế đóng cho từng nguồn thu nhập chịu thuế khác nhau.
T.H