Người lao động có được hưởng chế độ ốm đau ở 2 nơi không?
Người lao động hiện nay khi ký kết hợp đồng làm việc từ đủ 3 tháng trở nên sẽ được đơn vị sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. Vậy trong trường hợp ký 2 hợp đồng lao động được hưởng chế độ ốm đau ở 2 nơi không?
Người lao động chỉ được hưởng chế độ ốm đau ở 1 nơi ký hợp đồng lao động
1. Ký 2 hợp đồng lao động có được hưởng chế độ ốm đau không?
Hiện nay nhiều trường hợp người lao động làm việc và ký hợp đồng lao động tại 2 nơi đều đủ kiều kiện tham gia đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động chỉ được tham gia BHXH tại 1 công ty thường sẽ là nơi ký hợp đồng lao động trước.
Năm 2023, mức đóng BHXH được tính trên tiền lương đóng BHXH như sau:
- Người lao động đóng: BHXH (8%) trong đó HT(8%); ÔĐ-TS (0%); TNLĐ-BNN (0%); BHYT (1,5%); BHTN (1%).
- Đơn vị sử dụng lao động đóng: BHXH (17,5%) trong đó quỹ HT(14%); ÔĐ-TS (3%); TNLĐ-BNN (0,5%); BHYT (3%); BHTN (1%).
Như vậy, người lao động sẽ được đơn vị sử dụng đóng vào quỹ ốm đau thai sản (ÔĐ-TS) là 3% và chỉ được tham gia BHXH ở 1 nơi nên sẽ chỉ được giải quyết chế độ ốm đau tại nơi người lao động tham gia BHXH.
Bên cạnh đó, đối với chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) người lao động có thể đóng BHXH ở cả 2 nơi mà họ ký hợp đồng lao động. Trong trường hợp lao động bị tai nạn hoặc mắc bệnh nghề nghiệp ở nơi nào có thể làm đơn hưởng chế độ TNLĐ-BNN ở nơi đó mà không bắt buộc là nơi đăng ký tham gia BHXH.
Người lao động tham gia BHXH được hưởng chế độ ốm đau
2. Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ ốm đau của người lao động
Căn cứ Điều 3, Mục I Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết về đối tượng và điều kiện được hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đóng BHXH như sau:
2.1 Đối tượng áp dụng chế độ ốm đau
Đối tượng được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật bao gồm 2 nhóm đối tượng sau:
(1) Người lao động là công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
c) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức.
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
đ) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
(2) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này được áp dụng đối với các hợp đồng sau:
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
2.2 Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
Căn cứ Khoản 1, Điều 3, Mục I Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH quy định chi tiết về điều kiện được hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đóng BHXH như sau:
a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Thủ tục hưởng chế độ ốm đau bảo hiểm xã hội
3. Thủ tục hưởng chế độ ốm đau bảo hiểm xã hội
Tiến hành làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Pháp luật.
Đối với chế độ ốm đau: Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau người lao động thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT và khoản 2 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập và hồ sơ nêu dưới đây:
3.1 Người lao động chuẩn bị hồ sơ
Trường hợp điều trị nội trú.
a) Bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con của người lao động dưới 7 tuổi.
- Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng Giấy báo tử.
- Trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.
b) Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.
- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính). Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
- Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ nêu tại tiết 2.1.1 và 2.1.2 điểm này được thay bằng bản sao của bản dịch tiếng Việt giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
3.2 Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ
Doanh nghiệp sử dụng lao động lập danh sách hưởng chế độ ốm đau theo mẫu 01B-HSB.
Như vậy, trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử EBH đã thông tin chi tiết đến người lao động khi làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau bảo hiểm xã hội. Mong rằng những chia sẻ trên có thể mang lại cho Độc giả những thông tin hữu ích nhất.