Thủ tục chuyển bảo hiểm xã hội sang công ty mới như thế nào?
Người lao động làm việc tại công ty mới theo đó việc đóng bảo hiểm xã hội cũng thay đổi theo. Dưới đây là thông tin về thủ tục chuyển bảo hiểm xã hội khi làm việc tại công ty mới cho người lao động và doanh nghiệp.
Lao động được chuyển bảo hiểm xã hội khi làm việc tại công ty mới
1. Các bước chuyển bảo hiểm xã hội sang công ty mới
Theo quy định, để chuyển BHXH sang công ty mới, người lao động cần thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Đề nghị công ty cũ báo giảm bảo hiểm xã hội và xác nhận thời gian tham gia BHXH của bạn.
- Bước 2: Chuyển đóng BHXH sang công ty mới bằng cách cung cấp mã số bảo hiểm xã hội cho công ty mới và đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại cơ quan BHXH nơi chuyển đến.
Như vậy, người lao động khi chuyển sang công ty mới sẽ đồng thời phải thực hiện chuyển bảo hiểm xã hội tham gia tại công ty mới để đảm bảo lợi ích.
2. Ai được chuyển bảo hiểm xã hội khi làm việc tại công ty mới?
Người lao động sau khi nghỉ việc tại công ty cũ và chuyển đến làm việc tại công ty mới để được tiếp tục đóng BHXH, bạn cần đáp ứng đủ điều kiện về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định gồm:
1 - Người lao động là Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
2 - Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
3 - Người lao động là cán bộ, công chức, viên chức;
4 - Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Như vậy, không phải người lao động nào sau khi nghỉ việc chuyển công ty mới cũng sẽ được tiếp tục đóng BHXH bắt buộc mà cần đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian và loại hợp đồng lao động được giao kết.
3. Thủ tục chuyển bảo hiểm xã hội khi làm việc tại công ty mới
Người lao động khi nghỉ việc công ty cũ sẽ phải hoàn thành việc báo giảm với cơ quan BHXH và chốt và trả lại sổ BHXH cho người lao động. Người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH khi làm việc tại công ty mới sẽ được tiếp tục tham gia BHXH tại công ty mới.
Thủ tục chuyển BHXH khi lao động làm việc tại công ty mới
3.1 Thời điểm tiếp tục đóng BHXH sau khi chuyển BHXH là khi nào?
Sau khi kết thúc thời gian thử việc, người lao động ký hợp đồng chính thức thì tháng làm việc chính thức đầu tiên là thời điểm người lao động được đóng BHXH bắt buộc.
Lưu ý: Thời gian làm việc ở tháng đầu tiên sau khi ký hợp đồng chính thức ở công ty mới phải đảm bảo thời gian nghỉ việc không nhận lương không quá 14 ngày làm việc.
Bên cạnh đó, công ty mới phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực (theo Quy định tại Điều 43, Luật Việc Làm 2013).
3.2 Thủ tục chuyển BHXH khi làm việc tại công ty mới
Để làm thủ tục xin chuyển BHXH sang công ty mới, lao động cần hoàn tất việc chốt sổ BHXH tại nơi làm việc cũ. Trường hợp công ty cũ không chốt sổ BHXH cho người lao động là vi phạm quy định, bạn có quyền khởi kiện lên cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ giải quyết.
Thủ tục chuyển bảo hiểm xã hội khi làm việc tại công ty mới được thực hiện theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021. Theo đó,
3.2.1 Đối với người lao động
Người lao động cung cấp mã số BHXH cá nhân và điền thông tin vào Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo Mẫu TK1-TS;
3.2.2 Đối với người sử dụng lao động mới
Công ty mới sau khi nhận được tờ khai của người lao động sẽ thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ báo tăng lao động.
Công ty lập hồ sơ bao gồm:
-
Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-LT).
-
Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
- Bước 2: Đơn vị sử dụng lao động gửi hồ sơ cho cơ quan BHXH theo một trong các cách sau:
1) Nộp hồ sơ online qua Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN (có sử dụng phần mềm BHXH điện tử);
2) Nộp hồ sơ qua bưu điện;
3) Nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Bước 3: Cơ quan BHXH tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
- Bước 4: Đơn vị sử dụng lao động nhận kết quả giải quyết.
4. Người lao động thỏa thuận để không đóng BHXH có bị làm sao không?
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 39, Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về trường hợp người lao động không đóng BHXH như sau:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.”
Bên cạnh việc phạt người lao động, người sử dụng lao động cũng sẽ bị phạt khi có hành vi không lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc cho nhân viên Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động. Căn cứ theo quy định tại Khoản 4, Điều 40, Nghị định 28/2020/NĐ-CP mức phạt như sau:
-
Phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động
-
Mức phạt tối đa không quá 75 triệu đồng.
Người lao động và người sử dụng lao động cần đặc biệt lưu ý về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội sau khi giao kết hợp đồng lao động, tránh việc bị phạt gây tổn thất về tài chính cho mình.
Trên đây là những chia sẻ về thủ tục chuyển bảo hiểm xã hội khi làm việc tại công ty mới. Bảo hiểm xã hội điện tử eBH hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc. Trong trường hợp chưa rõ hoặc có bất kỳ thắc mắc nào người lao động có thể nhờ đến sự hỗ trợ của công ty nơi mình tham gia BHXH hoặc cơ quan BHXH.