Quy định về tham gia bảo hiểm xã hội đối với freelancer như thế nào?
Freelancer là người làm nghề tự do. Nếu muốn tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng các quyền lợi cơ bản, freelancer chỉ có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Vậy mức đóng BHXH cho freelancer là bao nhiêu? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của eBH nhé!
Freelancer là những người làm công việc tự do
1. Freelancer là gì?
Freelancer hiểu đơn giản là những người làm công việc tự do cho nhiều khách hàng khác nhau, không thuộc biên chế một công ty, tổ chức nào cụ thể. Người làm freelancer thường có kỹ năng chuyên môn trong một lĩnh vực chuyên biệt: viết lách, thiết kế, lập trình, dịch thuật….
Các freelancer có thể tự chủ động quản lý công việc và thời gian của mình, không bị giới hạn về địa điểm làm việc. Họ có thể làm cho nhiều khách hàng cùng một lúc, chỉ cần đảm bảo hoàn thành khối lượng và chất lượng công việc đã thỏa thuận.
Công việc freelancer thường là tạm thời, trả lương theo dự án hoặc giờ làm việc. Tuy nhiên, người làm freelancer cũng gặp một số thách thức như: phải tự tìm kiếm khách hàng, quản lý thời gian và công việc hiệu quả để đảm bảo thu nhập cho bản thân.
2. Phương thức đóng BHXH cho freelancer
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ áp dụng với người lao động ký hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động chuyên trách cấp xã.
Đối với BHXH tự nguyện, người tham gia chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có nguyện vọng muốn đăng ký.
Mặt khác, công việc của các freelancer là nhận tiền để hoàn thành công việc mà không chịu sự ràng buộc, giám sát, quản lý hoặc điều hành của bên thuê. Do đó, người làm tự do thường không ký hợp đồng lao động mà chỉ ký hợp đồng dịch vụ.
Freelancer có thể tham gia BHXH tự nguyện
Tóm lại, nếu muốn đóng bảo hiểm xã hội, freelancer chỉ có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong 2 cách sau: đăng ký online hoặc đến trực tiếp Cơ quan BHXH, các đại lý thu tại nơi bạn cư trú để đăng ký.
Người tham gia được tự chọn mức thu nhập đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng phải đảm bảo không vượt quá giới hạn về mức đóng thấp nhất và cao nhất. Freelancer tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng các quyền lợi từ BHXH tự nguyện.
3. Mức đóng BHXH của freelancer là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 10 và Điều 14, Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức đóng BHXH hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện như sau:
Mức đóng/tháng = 22% x Mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện - Mức được hỗ trợ
Trong đó, mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện như sau:
-
Mức thấp nhất = Mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (1.500.000 VNĐ)
-
Mức cao nhất = Mức lương cơ sở x 20 (Từ ngày 01/07/2023, mức lương cơ sở tăng lên là 1.800.00 VNĐ/tháng)
Mức nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện như sau:
STT |
Đối tượng |
Số tiền hỗ trợ (đồng/tháng) |
1 |
Hộ nghèo |
99.000 |
2 |
Hộ cận nghèo |
82.500 |
3 |
Khác |
33.000 |
Dựa trên cách thức tính như trên, các freelancer có thể lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện như sau:
Đối tượng |
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất |
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất |
|
Đến hết 30/6/2023 |
Từ 01/7/2023 |
||
Hộ nghèo |
231.000 đồng/tháng |
6.457.000 đồng/tháng |
7.821.000 đồng/tháng |
Hộ cận nghèo |
247.500 đồng/tháng |
6.473.500 đồng/tháng |
7.837.500 đồng/tháng |
Khác |
297.000 đồng/tháng |
6.523.000 đồng/tháng |
7.887.000 đồng/tháng |
4. Quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội, khi tham gia BHXH tự nguyện, freelancer sẽ được hưởng quyền lợi về chế độ hưu trí và tử tuất như sau:
4.1 Chế độ hưu trí đối với freelancer
Điều 219, Luật lao động năm 2019 và Điều 73, Luật Bảo hiểm xã hội quy định, freelancer đủ tuổi nghỉ hưu, tích lũy từ đủ 20 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng.
Trong trường hợp không có nhu cầu hưởng lương hưu, freelancer có thể rút BHXH 1 lần nếu thuộc một trong những trường hợp dưới đây:
-
Cá nhân đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH.
-
Cá nhân ra nước ngoài định cư.
-
Cá nhân mắc một trong các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, HIV/AIDS giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, bại liệt…
-
Sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm.
Quyền lợi của freelancer khi tham gia BHXH tự nguyện
4.2 Chế độ tử tuất đối với Freelancer
Trường hợp người lao động là freelancer qua đời, nếu đóng BHXH tự nguyện thì người thân của người đó sẽ được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định.
Trên đây là một số thông tin hướng dẫn cách đóng BHXH cho freelancer. Bảo hiểm xã hội điện tử eBH hy vọng bạn sẽ có được sự lựa chọn phù hợp cho mình.