CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Bị tai nạn trên đường đi làm về hưởng chế độ tai nạn lao động

Bởi ebh.vn - 02/03/2023

Chế độ tai nạn lao động bảo hiểm xã hội là một trong những quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng trong quá trình tham gia lao động và làm việc. Vậy trong trường hợp người lao động bị tai nạn trên đường đi làm về có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không? Hãy cùng EBH tìm hiểu trong ví dụ dưới đây.

Gặp tai nạn trên đường đi làm về có được hưởng quyền lợi bảo hiểm tai nạn lao động

Gặp tai nạn trên đường đi làm về có được hưởng quyền lợi bảo hiểm tai nạn lao động

1. Ví dụ về trường hợp người lao động gặp tai nạn trên đường đi làm về

Liên quan đến vấn đề này chị Hà Thị Lan tại Biên Hòa, Đồng Nai có hỏi như sau:

Chồng em làm việc tại công ty X có tham gia và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ đến nay được 4 năm. Trong thời gian từ 17h00 - 17h20 trên đường đi làm về chồng em lái xe bị tai nạn giao thông do tránh xe khác đi ngược chiều. Do va đập mạnh nên chồng em bị gãy tay và chấn thương sọ não, lúc tai nạn công an cũng đến tại hiện trường để kiểm tra và ghi lại. Khi chồng em xuất viện có xin hồ sơ bệnh án và nộp giấy cho công ty xin hưởng bảo hiểm tai nạn lao động.

Công ty lúc này kéo dài thời gian không giải quyết và trả lời trường hợp chồng của em không được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động.

Em muốn hỏi trường hợp này chồng em có được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động không? và em phải làm gì nếu công ty X không giải quyết. Em xin chân thành cảm ơn!

2. Lao động gặp tai nạn trên đường đi làm có được hưởng chế độ tai nạn lao động

Căn cứ vào Khoản 1, Điều 45, Luật An toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 thì người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN  được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh.

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Trường hợp chồng của bạn Hà Thị Lan thuộc trường hợp tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý nêu trên thì được hưởng chế độ TNLĐ-BNN.

Theo quy định thì đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ hoặc làm bị thương nặng đối với chồng bạn. Như vậy sẽ xảy ra 2 trường hợp như sau:

2.1. Trường hợp được đoàn điều tra kết luận là tai nạn lao động

Trường hợp chồng của Bạn nếu được đoàn điều tra kết luận là TNLĐ chồng của bạn sẽ được hưởng lợi ích như sau:

2.1.1 Về phía người sử dụng lao động

Căn cứ theo quy định tại Điều 38, Luật An toàn Vệ sinh lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động như sau:

(1) Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động như sau:

Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia BHYT.

Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5%.

Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

(2) Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

(3) Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

Ít nhất 1,5 tháng lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

Ít nhất 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết;

(4) Trợ cấp cho người bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính mình gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% các mức nêu trên ứng với mức suy giảm khả năng lao động;

(5) Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

Trách nhiệm của doanh nghiệp và trách nhiệm từ quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN

Trách nhiệm của doanh nghiệp và trách nhiệm từ quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN

2.1.2 Về phía Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Căn cứ theo Mục 3, Chương III, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 quy định chi tiết về trách nhiệm của quỹ bảo hiểm tai nạn lao động như sau:

Tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động của người lao động bị tai nạn lao động mà được hưởng chế độ tai nạn lao động mới nhất sẽ khác nhau.

Trợ cấp 1 lần (suy giảm từ 5% đến 30%): Suy giảm 5% hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5 tháng, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Trợ cấp hàng tháng (Suy giảm từ 31% trở lên): Suy giảm 31% hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5%, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Trợ cấp phục vụ (Suy giảm từ 81% trở lên mà bị ti liệt cột sống, mù 2 mắt, cụt, liệt 2 chi hoặc bị tâm thần)

Ngoài mức hưởng quy định trợ cấp hàng tháng thì người lao động còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trịNgười lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.

Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.

Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hìnhNgoài các khoản trợ cấp bằng tiền, người lao động bị tai nạn lao động mà tổn thương chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình tùy theo tình trạng thương tật.

2.2 Trường hợp được kết luận là không phải là tai nạn lao động

Trường hợp chồng bạn bị tai nạn không thuộc các trường hợp xét BHTNLĐ-BNN và đoàn kiểm tra kết luận là không phải TNLĐ sẽ không được hưởng các chế độ TNLĐ-BNN. Tuy nhiên, chồng của bạn do tai nạn phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế thì được giải quyết hưởng chế độ ốm đau (theo quy định tại Khoản 1, Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội).

Khi này bạn Hà Thị Lan cần nộp các giấy tờ điều trị cho Công ty để Công ty đề nghị cơ quan BHXH giải quyết chế độ ốm đau với Bạn theo quy định.

Trong trường hợp công ty X không giải quyết hoặc cố tình kết luận sai bạn có thể khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Như vậy, trên đây là một số quan điểm của Bảo hiểm xã hội điện tử eBH để trả lời cho trường hợp người lao động gặp tai nạn trên đường đi làm về có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không? Hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho nhiều người lao động khi gặp trường hợp tương tự.

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu