CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Người Tham Gia Rút Bảo Hiểm Xã Hội Khác Tỉnh Được Không?

Bởi ebh.vn - 15/05/2024

Tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) giúp người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ như hưu trí, ốm đau, thai sản, thất nghiệp… Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động cần rút BHXH một lần khi đã phải rời xa gia đình, đến địa phương khác để lập nghiệp. Rút bảo hiểm xã hội khác tỉnh được không là thắc mắc của nhiều độc giả. Cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây của EBH nhé!

Người tham gia có thể đóng BHXH khác tỉnh

Người tham gia có thể đóng BHXH khác tỉnh

1. Có thể đóng BHXH ở tỉnh khác được không?

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam được phân chia thành 02 loại hình: BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Với mỗi loại hình, quy định về việc đóng BHXH có sự khác biệt. Cụ thể như sau:

(1) Đóng BHXH bắt buộc ở tỉnh khác được không? Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật BHXH năm 2014, việc đóng BHXH bắt buộc được áp dụng với đối tượng tham gia hợp đồng lao động tại doanh nghiệp từ đủ một tháng trở lên. 

Ngoài ra, Điều 7, Quyết định số 595/QĐ-BHXH cũng quy định, BHXH bắt buộc được đóng theo địa bàn tỉnh mà đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở hoặc đặt chi nhánh hoạt động theo nguyên tắc sau:

- Đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở chính tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại công ty mẹ. 

- Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại công ty mẹ. 

Như vậy, người lao động đóng BHXH bắt buộc tại tỉnh mà người đó đang làm việc hoặc đóng theo BHXH quản lý việc đóng BHXH của công ty mẹ. Do đó, việc người lao động đóng BHXH bắt buộc ở tỉnh khác nếu đi làm ở địa bàn tỉnh khác nơi cư trú là hoàn toàn đúng pháp luật. 

Người lao động đóng tiền BHXH cho cơ quan BHXH thông qua doanh nghiệp đều đặn hàng tháng. Sau đó, doanh nghiệp chuyển cùng lúc tiền đóng bảo hiểm của người lao động và của doanh nghiệp vào tài khoản chuyên thu của Cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

(2) Người lao động đóng BHXH tự nguyện ở tỉnh khác được không? Theo quy định tại Khoản 4, Điều 2, Luật BHXH năm 2014, người lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài ra, Điều 3, Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017 cũng quy định, cơ quan BHXH huyện và tỉnh đều được phân cấp quản lý việc thu tiền đóng BHXH tự nguyện của người tham gia bảo hiểm cư trú trên địa bàn mình quản lý.

Do đó, người lao động muốn tham gia BHXH tự nguyện sẽ phải đóng tiền cho Cơ quan BHXH nơi tình cư trú. Hiểu đơn giản, người lao động sẽ được đóng BHXH ở tỉnh khác nếu đang cư trú ngoài địa bàn tỉnh nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Đóng BHXH khác tỉnh vẫn có thể rút BHXH 1 lần

Đóng BHXH khác tỉnh vẫn có thể rút BHXH 1 lần

2. Rút bảo hiểm xã hội khác tỉnh được không?

Để được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, người lao động cần đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Sau một năm nghỉ việc hoặc sau một năm không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện mà có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. 

- Đã đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc lao động nữ làm cán bộ, công chức xã, hoạt động không chuyên trách cấp xã đã đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH, nhưng không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

- Người lao động ra nước ngoài để định cư. 

- Người lao động mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn cuối và những bệnh khác do Bộ Y tế quy định. 

- Bộ đội, công an khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không đủ điều kiện hưởng lương hưu. 

Như vậy, người lao động tham gia BHXH có thể nộp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần ngay tại cơ quan BHXH nơi thuận tiện nhất. Do đó, nếu tại thời điểm đủ điều kiện hưởng BHXH một lần và có yêu cầu nhận BHXH, người lao động hoàn toàn có thể nộp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần tại Cơ quan BHXH nơi cư trú để được giải quyết. 

2.1 Thủ tục rút BHXH 1 lần khác tỉnh

Người tham gia BHXH khi có yêu cầu rút BHXH 1 lần cần thực hiện làm thủ tục rút bảo hiểm theo quy định. Hồ sơ hưởng BHXH một lần bao gồm các giấy tờ sau:

(1) Sổ bảo hiểm xã hội (bản chính) kèm đầy đủ các tờ rời.

(2) Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần của người lao động theo Mẫu 14-HSB ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH năm 2019.

Đối với người ra nước ngoài định cư, cần nộp thêm bản sao giấy xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ theo quy định gồm:

- Hộ chiếu do nước ngoài cấp.

- Thị thực của Cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.

- Giấy xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 5 năm trở lên của Cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

- Trích sao hồ sơ bệnh án trong một số trường hợp đặc biệt có quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 60 và Điểm c, Khoản 1, Điều 77 của Luật BHXH năm 2014.

Ngoài ra, đối với người lao động quy định tại Điều 65 và Khoản 5, Điều 77, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì hồ sơ hưởng trợ cấp một lần được thực hiện theo quy định tại khoản (2) và khoản (3).

Để rút bảo hiểm khác tỉnh NLĐ cần làm thủ tục hưởng theo quy định

Để rút bảo hiểm khác tỉnh NLĐ cần làm thủ tục hưởng theo quy định

Cách thức nộp hồ sơ hưởng BHXH 1 lần khác tỉnh: Người lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần thông qua 03 phương thức: Nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH, dịch vụ bưu chính công ích hoặc qua cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, hoặc qua tổ chức I-VAN (nếu đã đăng ký sử dụng dịch vụ này).

- Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan BHXH cấp huyện hoặc nơi nhận hồ sơ sẽ giải quyết đơn đề nghị hưởng BHXH một lần cho người lao động.

- Nhận kết quả giải quyết đối với các giấy tờ có liên quan: Người lao động sẽ nhận lại theo hình thức hồ sơ được gửi đi trước đó: gửi trực tiếp, dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng thông tin điện tử.

- Tiền trợ cấp: người lao động có thể nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH, dịch vụ bưu chính hoặc thông qua tài khoản cá nhân.

Trong trường hợp người lao động ủy quyền cho người khác nhận thay, thực hiện theo quy định tại thủ tục “ủy quyền nhận thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp” hoặc bản chính Hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, người lao động đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để được rút BHXH một lần và có nhu cầu thì dù đang ở tỉnh khác vẫn có thể tiến hành nộp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần tại cơ quan BHXH. Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng bài viết đã giúp độc giả giải đáp thắc mắc: Rút bảo hiểm xã hội khác tỉnh được không một cách rõ ràng và dễ hiểu nhất. 

Ngoài ra, nếu còn bất kỳ vấn đề nào thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.

Nguyệt Nga - EBH

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu