Lao động nữ nghỉ đi khám thai có bị trừ ngày nghỉ phép năm không?
Lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định và khám thai là một giai đoạn quan trọng trong quá trình mang thai của phụ nữ. Vậy trường hợp lao động nữ xin nghỉ làm để đi khám thai có bị tính trừ vào ngày nghỉ phép năm hay không?
Xin nghỉ đi khám thai có bị trừ ngày nghỉ phép năm không?
1. Xin nghỉ đi khám thai có bị trừ ngày nghỉ phép năm không?
Theo các quy định hiện nay, lao động nữ xin nghỉ làm việc để đi khám thai sẽ không bị trừ vào số ngày nghỉ phép năm của lao động đó. Bởi đó là quyền lợi chính đáng của lao động nữ mang thai được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Lao động nữ sẽ được cơ quan BHXH thanh toán tiền từ chế độ khám thai theo mức hưởng quy định.
Tuy nhiên, người lao động cần có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH do cơ sở y tế cấp có ghi rõ lý do đi khám thai để làm căn cứ hưởng chế độ, sau đó nộp lại cho công ty. Nếu lao động không có hoặc không cung cấp được giấy chứng nhận này, công ty hoàn toàn có thể trừ thời gian nghỉ của lao động đi khám thai vào phép năm hoặc tính vào số ngày nghỉ không lương.
1.1 Mức hưởng chế độ nghỉ khám thai sản
Căn cứ tại Điều 39, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Theo đó mức hưởng một ngày nghỉ đi khám thai của lao động nữ được xác định như sau:
Mức hưởng = Số ngày nghỉ x (100% mức bình quân tiền lương tháng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản/24 ngày)
Lưu ý: Nếu lao động nữ đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
1.2 Trường hợp không được hưởng chế độ nghỉ khám thai
Đối với chế độ thai sản nghỉ đi khám thai người lao động phải có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế bảo hiểm xã hội do cơ sở y tế (có thẩm quyền) cấp thì mới được hưởng chế độ thai sản này.
Trường hợp người lao động không có Giấy chứng nhận hưởng chế bảo hiểm xã hội và không làm thủ tục hưởng thì người sử dụng lao động có thể quy việc nghỉ khám thai thành 2 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Xin nghỉ việc riêng, người lao động không hưởng lương.
Trường hợp 2: Nghỉ phép năm người lao động được hưởng lương theo quy định.
Quy định về số ngày nghỉ phép đối với lao động nữ đi khám thai
2. Lao động nữ được nghỉ khám thai sản bao lâu?
Chế độ thai sản bao gồm cả thời gian hưởng chế độ khi khám thai. Cụ thể theo Điều 32, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
“Điều 32. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai
1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”
Theo đó, người lao động sẽ được hưởng thời gian đi khám thai cụ thể như sau:
- Được nghỉ 5 lần đi khám thai mỗi lần 01 ngày làm việc
- Trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý, thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày làm việc cho mỗi lần khám thai.
Như vậy, lao động nữ được nghỉ làm việc khi đi khám thai sản trong quá trình mang thai và được cơ quan BHXH thanh toán chi phí khám. Tuy nhiên lao động cần xin một số giấy tờ khám bệnh liên quan để nộp về công ty làm căn cứ hưởng theo quy định. Bảo hiểm xã hội điện tử eBH mong rằng những chia sẻ trên đây có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.