Người lao động đã rút bảo hiểm xã hội có đóng lại được không?
Sau khi rút BHXH 1 lần, nhiều người lao động lại tìm cách quay trở lại thị trường lao động để duy trì thu nhập ổn định hàng tháng. Vậy rút bảo hiểm xã hội có đóng lại được không? Và làm thế nào để được đóng lại bảo hiểm khi đã đến công ty mới làm việc? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Lao động đã rút BHXH có thể tiếp tục tham gia được không?
1. Đã rút bảo hiểm xã hội có đóng lại được không?
Theo quy định, nếu người tham gia bảo hiểm xã hội rút BHXH 1 lần thì thời gian đóng BHXH trước đó của người lao động sẽ bị xóa bỏ.
Ngoài ra, Khoản 1, Điều 2, Luật BHXH năm 2014 cũng nêu rõ: Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm:
1) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo 1 công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng ký kết giữa người sử dụng lao động và người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định.
2) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Theo đó khi đã rút bảo hiểm xã hội, người tham gia vẫn có thể tiếp tục (đóng lại) bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp bạn là người lao động tham gia hợp đồng lao động, bạn sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Người lao động lưu ý là công ty chỉ có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc với những người đi làm có ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên. Vậy nên, trường hợp lao động đã rút BHXH 1 lần và đi làm ở công ty mới, người lao động sẽ được đóng lại BHXH nếu ký hợp đồng từ đủ 01 tháng trở lên với công ty đó.
2. Những quyền lợi khi đóng lại bảo hiểm xã hội là gì?
Quyền lợi khi đóng lại bảo hiểm xã hội của người lao động phụ thuộc vào thời gian đóng và loại hình tham gia. Theo quy định của pháp luật, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng 5 quyền lợi sau:
1 - Chế độ ốm đau: Lao động được nghỉ làm và nhận trợ cấp khi bản thân ốm đau hoặc con dưới 07 tuổi bị ốm. Thời gian nghỉ và mức trợ cấp căn cứ vào số năm đóng BHXH và mức lương đóng BHXH.
2 - Chế độ thai sản: Người lao động khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ được nghỉ làm và nhận trợ cấp. Thời gian nghỉ và mức trợ cấp căn cứ vào số con sinh được sinh ra, số năm đóng BHXH và mức lương đóng BHXH.
3 - Chế độ tai nạn lao động & bệnh nghề nghiệp: Người lao động khi bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được miễn phí khám chữa bệnh, nhận trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp 1 lần. Mức trợ cấp căn cứ vào mức suy giảm khả năng lao động, số năm đóng BHXH và mức lương đóng BHXH.
4 - Chế độ hưu trí: Người lao động khi về hưu sẽ nhận lương hưu hàng tháng hoặc trợ cấp 1 lần. Mức lương hưu hoặc trợ cấp căn cứ vào tuổi về hưu, số năm đóng BHXH và mức lương đóng BHXH.
5 - Chế độ tử tuất: Người lao động khi qua đời sẽ được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất 1 lần cho người thân. Mức trợ cấp căn cứ vào số người phụ thuộc, số năm đóng BHXH và mức lương đóng BHXH.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ chỉ được hưởng 2 quyền lợi về hưu trí và tử tuất. Mức hưởng căn cứ vào số tiền tích lũy trong quỹ BHXH tự nguyện.
Như vậy, trường hợp lao động đóng lại bảo hiểm xã hội thì mọi quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được tính từ thời điểm bắt đầu đóng lại và hưởng các quyền lợi theo quy định.
3. Cách tiếp tục tham gia BHXH sau khi đi làm ở công ty mới
Như đã đề cập ở phần trên, người lao động đã rút BHXH 1 lần hoàn toàn có thể tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc tại công ty mới. Tuy nhiên, sau khi đã lĩnh tiền BHXH 1 lần, Cơ quan BHXH sẽ thu hồi lại sổ BHXH của người lao động. Trong trường hợp người lao động đi làm trở lại và tiếp tục đóng BHXH thì công ty mới sẽ thực hiện các thủ tục báo tăng lao động và đóng BHXH cho người lao động theo quy định.
Cách tiếp tục tham gia BHXH ở nơi làm việc mới
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, mỗi cá nhân tham giam gia BHXH sẽ được cơ quan BHXH cấp cho 1 mã số BHXH và ghi nhận mã số này trên sổ BHXH và thẻ BHYT của người lao động. Mã số này chính là cơ sở để Cơ quan BHXH quản lý thông tin tham gia BHXH của người lao động.
Trong trường hợp người lao động rút BHXH 1 lần, sổ BHXH sẽ bị cơ quan BHXH thu hồi nhưng mã số BHXH của người lao động đó vẫn còn tồn tại trên cơ sở dữ liệu.
Mặt khác theo quy định tại Điều 23, Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, doanh nghiệp khai thông tin tham gia BHXH sẽ không cần nộp lại sổ BHXH của người lao động. Do đó, khi làm thủ tục báo tăng và đóng BHXH cho người lao động, doanh nghiệp cần thực hiện như sau:
(1) Lập danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-LT). Trong đó, khai thông tin mã số BHXH theo đúng mã số cũ của người lao động.
(2) Điền đầy đủ thông tin trên Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Sau khi điền đầy đủ thông tin, doanh nghiệp nộp lại giấy tờ trên cho cơ quan BHXH quản lý. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và tiến hành cấp sổ BHXH mới và vẫn giữ nguyên mã số BHXH trước đó cho người lao động.
Trên đây là những chia sẻ và giải đáp cho câu hỏi "Đã rút bảo hiểm xã hội có đóng lại được không?". Bảo hiểm xã hội điện tử eBH hy vọng đã có thể giúp bạn giải quyết được những thắc mắc liên quan đến chủ đề này.