CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Khám bệnh tại Bệnh viện Quốc tế có sử dụng được BHYT không?

Bởi ebh.vn - 28/06/2023

Để được thanh toán mức hưởng tối đa trên thẻ BHYT, người dân cần khám chữa bệnh đúng tuyến. Khám chữa bệnh tại Bệnh viện quốc tế có sử dụng được BHYT không? Mức hưởng BHYT tại các bệnh viện quốc tế như thế nào? Hãy cùng EBH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Khám bệnh ở bệnh viện quốc tế có được hưởng BHYT

Khám bệnh ở bệnh viện quốc tế có được hưởng BHYT

1. Khám bệnh viện quốc tế có được hưởng BHYT không?

Theo quy định tại Điều 24, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014, Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là các cơ sở y tế đáp ứng đủ tiêu chuẩn khám chữa bệnh theo quy định của Luật khám chữa bệnh, có ký kết hợp đồng khám chữa bệnh với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Người tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên sẽ được hưởng các quyền lợi về BHYT theo quy định của Pháp Luật.

Theo đó, nếu bệnh viện quốc tế có ký kết hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với BHXH Việt Nam thì người tham gia BHYT khi khám bệnh tại Bệnh viện Quốc tế sẽ được hưởng BHYT theo quy định.

Như vậy, khám chữa bệnh ở bệnh viện quốc tế có thể được hưởng bảo hiểm y tế nếu người bệnh có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện đó. Tuy nhiên, người bệnh có thể sẽ phải trả thêm chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ của bệnh viện quốc tế và giá chi trả của BHYT.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần lưu ý những trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế theo luật định.

1.1 Một số bệnh viện Quốc tế nổi tiếng tại Việt Nam

Một số bệnh viện quốc tế mà bạn có thể tham khảo để đăng ký nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại đó như:

- Bệnh viện Quốc tế Becamex là bệnh viện quốc tế đầu tiên ở Bình Dương, chấp nhận mọi hình thức và đối tượng BHYT của BHXH Việt Nam. Thẻ BHYT được đăng ký tại bất kỳ bệnh viện hay cơ sở y tế nào trên đất nước Việt Nam đều được hưởng đúng tuyến tại BIH.

- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là hệ thống bệnh viện quốc tế thuộc Tập đoàn Vingroup, có nhiều cơ sở ở Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Hải Phòng, Phú Quốc và Cần Thơ. Bệnh viện Vinmec cũng chấp nhận các thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện này, và có hợp tác với nhiều công ty bảo hiểm khác.

- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hồng Ngọc là bệnh viện quốc tế có trụ sở chính ở Hà Nội và chi nhánh ở Sài Gòn. Bệnh viện Hồng Ngọc cũng nhận các thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại đây và có liên kết với nhiều công ty bảo hiểm trong và ngoài nước.

Để đăng ký BHYT ở bệnh viện quốc tế bạn hãy liên hệ với bộ phận bảo hiểm của Bệnh viện Quốc tế mà bạn muốn đăng ký để được tư vấn và hỗ trợ làm hồ sơ thủ tục đăng ký BHYT ở đó. 

1.2 Bệnh viện quốc tế không có hợp đồng KCB BHYT thì mức BHYT thế nào?

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 31, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014, và Công văn số 141/BHXH-CSYT, trường hợp người dân có BHYT và khám chữa bệnh tại bệnh viện quốc tế không ký kết hợp đồng khám chữa bệnh với tổ chức BHYT thì vẫn được Cơ quan BHYT thanh toán trực tiếp chi phí.

1.2.1 Điều kiện để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT

  1. Cấp cứu;

  2. Khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tương đương;

  3. Khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương;

  4. Khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương và tương đương;

Mức thanh toán hưởng BHYT có sự khác biệt giữa các trường hợp

Mức thanh toán hưởng BHYT có sự khác biệt giữa các trường hợp

1.2.2 Mức thanh toán khi KCB BHYT

Theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3, Điều 30, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, mức thanh toán trực tiếp với các trường hợp được hưởng BHYT như sau:

- Trường hợp người dân đến khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tương đương, không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu):

  • Khám chữa bệnh ngoại trú:

Thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định, tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám chữa bệnh.

  • Khám chữa bệnh nội trú:

Thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định, tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.

- Trường hợp người dân đến khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương, không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu): Người dân được thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng, mức hưởng BHYT theo quy định, tối đa không quá 1 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.

- Trường hợp người dân đến khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương (tương đương), không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), thanh toán theo chi phí thực tế theo phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT, tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đề nghị thanh toán để được hưởng BHYT

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đề nghị thanh toán để được hưởng BHYT

1.2.3 Hồ sơ đề nghị thanh toán hưởng BHYT

Người dân cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hồ sơ dưới đây để được thanh toán đầy đủ chi phí khám chữa bệnh theo mức quy định trên:

1 - Bản chụp các loại giấy tờ, kèm theo bản gốc để đối chiếu;

2 - Thẻ BHYT, CMND/CCCD. (Bạn có thể sử dụng thẻ BHYT điện tử được tích hợp trên ứng dụng VssID hoặc VNeID để xuất trình thay cho thẻ giấy truyền thống);

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 15, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, người tham gia BHYT khi đến khám chữa bệnh cần xuất trình thẻ BHYT có ảnh. Trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì cần cung cấp giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan có thẩm quyền cung cấp; hoặc giấy tờ tùy thân có xác nhận, giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.

3 - Giấy ra viện, phiếu khám chữa bệnh, sổ khám bệnh.

4 - Giấy tờ hóa đơn chứng từ có liên quan (Theo quy định tại Điều 28, Nghị định 146/2018/NĐ-CP).

1.2.4 Cách thức nộp hồ sơ thanh toán

Người bệnh hoặc nhân thân của người bệnh, đại diện hợp pháp của người bệnh trực tiếp nộp hồ sơ cho Cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú. 

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, BHXH cấp huyện có trách nhiệm:

Trực tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán của người bệnh, lập giấy biên nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người dân bổ sung đầy đủ những giấy tờ còn thiếu. 

Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán, BHXH cấp huyện phải hoàn thành việc giám định BHYT và thanh toán chi phí khám chữa bệnh người người bệnh, hoặc nhân thân, người đại diện hợp pháp của người bệnh. Trường hợp không thực hiện thanh toán, Cơ quan BHXH phải nêu rõ lý do bằng văn bản. 

Trên đây là chia sẻ về việc người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh chữa bệnh tại bệnh viện Quốc tế thì có được hưởng quyền lợi BHYT hay không? Bảo hiểm xã hội điện tử eBH hy vọng có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích nhất.

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu