CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Bảo hiểm y tế 2020 có những chính sách gì thay đổi?

Bởi ebh.vn - 21/03/2020

Năm 2020, ngoài những thay đổi mang tính “cột mốc” của BHXH, các chính sách Bảo hiểm y tế 2020 cũng có những điều chỉnh tích cực cho người tham gia. Điều này đặc biệt quan trọng với những người thường xuyên phát sinh nhu cầu khám, chữa bệnh bằng BHYT. Để biết được những quyền lợi được hưởng, các thông tin dưới đây sẽ giúp bạn cập nhật và tổng hợp những điểm mới về BHYT trong năm 2020.

bảo hiểm y tế năm 2020 chính sách gì mới - ảnh 1

Những thay đổi quan trọng về Bảo hiểm y tế 2020.

I. Thẻ BHYT giấy được thay thế bằng thẻ BHYT điện tử

Thẻ BHYT được cấp cho người tham gia để làm căn cứ và điều kiện hưởng quyền lợi khi khám, chữa bệnh. Trước đây, việc sử dụng thẻ BHYT bằng giấy tồn tại khá nhiều vấn đề bất cập liên quan đến việc rách, hỏng, mờ thông tin trên thẻ,... gây khó khăn khi làm thủ tục hưởng quyền lợi. 

Vì vậy, theo quy định tại Điểm g, Khoản 5, Điều 42 của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, năm 2020, Cơ quan BHXH sẽ thực hiện phát hành thẻ BHYT điện tử cho người tham gia. Đây là loại thẻ được làm bằng chất liệu nhựa, tương tự như thẻ ATM của các ngân hàng. Tuy nhiên, thẻ BHYT điện tử sẽ được gắn chip điện tử để tích hợp các thông tin của người tham gia BHYT. 

Toàn bộ các thông tin cá nhân, quá trình tham gia của người đóng BHYT sẽ được lưu trữ trên thẻ, thuận tiện cho quá trình hưởng các quyền lợi khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đồng thời, thẻ BHYT điện tử còn có tính năng xác nhận người bệnh thông qua công nghệ sinh trắc để nhận diện nhanh chóng, thuận tiện.

Nhờ những tính năng của thẻ bảo hiểm y tế 020 bằng điện tử, người bệnh không cần mang theo nhiều giấy tờ tùy thân. Mặt khác, các khâu kiểm định, thanh toán, quản lý thông tin của người tham gia cũng được cơ quan BHXH quản lý dễ dàng hơn trước đây.

Xem thêm >> Thông tin mới nhất về luật bảo hiểm y tế người lao động cần biết

II. Mức hưởng Bảo hiểm y tế năm 2020

Một trong những thông tin quan trọng trong các chính sách thay đổi của BHYT là mức hưởng BHYT năm 2020.

1. Đối với BHYT đúng tuyến

Mức hưởng BHYT đối với những người khám, chữa bệnh đúng tuyến được quy định tại Khoản 1, Điều 24 của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung ban hành năm 2014, cụ thể mức hưởng là:

  • Toàn bộ chi phí khám chữa bệnh nếu người tham gia BHYT là công an, bộ đội, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc diện hộ nghèo hoặc có thời gian đóng BHYT đủ 5 năm liên tục. Số tiền BHYT được hưởng phải lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

  • 95% của chi phí khám, chữa bệnh đối với những người tham gia BHYT là người đang hưởng lương hưu hàng tháng, trợ cấp mất sức lao động hoặc thuộc diện cận nghèo.

  • Các đối tượng tham gia BHYT còn lại được hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh.

Bảo hiểm y tế 2020 có những chính sách gì thay đổi - ảnh 2

Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh đúng tuyến, đúng quy định.

2. Đối với BHYT trái tuyến

Cũng theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, người tham gia Bảo hiểm y tế 2020 khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến sẽ được hưởng mức:

  • 40% chi phí nếu đối tượng điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến trung ương.

  • 60% chi phí nếu đối tượng tham gia BHYT khám tại bệnh viện tuyến tỉnh và áp dụng đến 31/12/2020.

  • 100% chi phí nếu đối tượng tham gia khám tại bệnh viện tuyến huyện.

III. Mức thanh toán trực tiếp cho người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế

Từ ngày 01/07/2020, mức lương cơ sở tăng từ 1.49 triệu/tháng lên 1.6 triệu/tháng. Vì vậy, mức thanh toán trực tiếp cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế 2020 cũng sẽ tăng theo, cụ thể từng trường hợp như sau:

Trường hợp khám, chữa bệnh ở tuyến huyện, không có hợp đồng khám, chữa bệnh:

  • Điều trị ngoại trú: Mức thanh toán không quá 15% lương cơ sở, cụ thể là tăng từ 223.500 VND lên 240.000 VND.

  • Điều trị nội trú: Mức thanh toán không quá 0.5 lần lương cơ sở, cụ thể là mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 VND lên 800.000 VND.

Trường hợp khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến tỉnh hoặc tuyến tương đương, không có hợp đồng, mức thanh toán không vượt quá 1 lần mức lương cơ sở tính tại thời điểm ra viện. Cụ thể là mức thanh toán sẽ tăng từ 1.49 triệu lên 1.6 triệu.

Trường hợp đối tượng tham gia BHYT khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến trung ương hoặc tuyến tương đương, không có hợp đồng, mức hưởng không quá 2.5 lần lương cơ sở hiện hành. Tức là mức thanh toán trực tiếp sẽ tăng từ 3.725 triệu đến 4 triệu đồng.

Trường hợp khám, chữa bệnh tại nơi không đúng quy định:

  • Khám, chữa bệnh ngoại trú: Mức thanh toán không quá 0.15 lần lương cơ sở hiện hành, tức là tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng.

  • Khám, chữa bệnh nội trú: Tối đa không quá 0.5 lần mức lương cơ sở ở thời điểm ra viện, cụ thể là tăng từ 745.000 lên 800.000 đồng.

IV. Thay đổi mức đóng BHYT hộ gia đình

Do trong năm 2020, mức lương cơ sở tăng lên 1.6 triệu đồng/tháng, áp dụng từ 01/07/2020. Đồng thời, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 4.5 % lương cơ sở. Đối với người thứ hai, ba, tư trở đi, mức đóng lần lượt tính bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người đầu tiên. Riêng từ người thứ năm trở đi, mức đóng BHYT bằng 40% mức của người đầu tiên.

Cụ thể, mức đóng bảo hiểm y tế 2020 của từng người trong hộ gia đình khi lương cơ sở tăng lên 1.6 triệu đồng như sau:

  • Người thứ nhất: Mức đóng = 4.5% x 1.6 triệu = 72.000 đồng/tháng (tăng 4.950 đồng so với mức 67.050 của trước đây).

  • Người thứ hai: Mức đóng = 70% x 72.000 = 50.400 đồng/tháng (tăng 3.465 đồng/tháng).

  • Người thứ ba: Mức đóng = 60% x 72.000 = 43.200 đồng/tháng (tăng 2.970 đồng/tháng).

  • Người thứ tư: Mức đóng = 50% x 72.000 = 36.000 đồng/tháng (tăng 2.475 đồng/tháng).

  • Từ người thứ năm trở đi, mức đóng = 40% x 72.000 = 28.800 đồng /tháng (tăng 1.980 đồng/tháng).

Xem thêm >> Thông tuyến bảo hiểm y tế là gì và quy định cách thức thông tuyến

V. Thay đổi về điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục năm 2020

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, điều kiện hưởng Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục là:

  • Người tham gia phải có thời gian đóng BHYT từ 5 năm trở lên. Tức là trên thẻ BHYT phải có ghi dòng chữ “Thời điểm đủ 5 năm liên tục: Từ.../.../…”.

  • Nếu có thời gian tham gia gián đoạn thì không được quá 3 tháng.

  • Có số tiền chi trả chi phí khám hoặc chữa bệnh trong 1 năm không quá 6 lần lương cơ sở.

Bảo hiểm y tế 2020 có những chính sách gì thay đổi - ảnh 3

Điều kiện để hưởng BHYT 5 năm liên tục trong năm 2020.

Cụ thể, nếu thời điểm khám chữa bệnh từ ngày 01/01/2020 đến trước 01/07/2020 (lương cơ sở là 1.49 triệu đồng) thì số tiền chi trả phải lớn hơn: 6x1.49 triệu đồng = 8.94 triệu đồng.

Từ thời điểm 01/07/2020 lương cơ sở tăng lên 1.6 triệu đồng thì số tiền chi trả phải lớn hơn 6x1.6 triệu đồng = 9.6 triệu đồng.

Trên đây bảo hiểm xã hội điện tử eBH đã tổng hợp một số những điểm thay đổi của Bảo hiểm y tế 2020. Các chính sách, quy định về BHYT có ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia khi thực hiện khám, chữa bệnh và làm các thủ tục hưởng quyền lợi. Vì vậy, bạn hãy cập nhật đầy đủ để áp dụng khi cần thiết.

Mọi thắc mắc cần giải đáp hoặc bạn đọc cần hỗ trợ thêm vui lòng liên hệ:

PHẦN MỀM EBH

☎️ Tel: 024.37545222 - Fax: 024.37545223

🌎 Website: https://ebh.vn/

📞 HOTLINE: 1900558873

🏢 Địa chỉ: Số 11, Đặng Thùy Trâm, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu