Bảng tỷ lệ thương tật cập nhật mới nhất năm 2025
Bảng tỷ lệ thương tật là công cụ quan trọng để đánh giá tổn thương cơ thể và xác định mức bồi thường khi xảy ra tai nạn hoặc sự cố sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về bảng tỷ lệ thương tật mới nhất, giúp độc giả hiểu rõ cách tính và ứng dụng trong các trường hợp thực tế.
1.1 Nguyên tắc xác định tỷ lệ thương tật 2. Bảng tỷ lệ thương tật mới nhất |
1. Tỷ lệ thương tật là gì?
Khi gặp phải tai nạn hoặc chấn thương, việc xác định tỷ lệ thương tật là rất quan trọng để đánh giá mức độ tổn thương cơ thể. Dưới đây là một số nội dung quan trọng cần biết bao gồm: khái niệm tỷ lệ thương tật và các nguyên tắc cơ bản trong việc xác định tỷ lệ này.
Tỷ lệ thương tật là khái niệm dùng để đánh giá mức độ tổn thương về sức khỏe, thể chất hoặc chức năng cơ thể của một người sau khi bị tai nạn, bệnh tật hoặc các sự cố khác. Tỷ lệ này được xác định dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng đến khả năng làm việc hoặc sinh hoạt cuộc sống của người bệnh.
Tỷ lệ thương tật thường được dùng để tính toán mức độ bồi thường cho người bị thương, được xác định qua đánh giá của bác sĩ hoặc cơ quan có thẩm quyền, dựa trên các nguyên tắc nhất định.
Nguyên tắc xác định tỷ lệ thương tật cơ thể
1.1 Nguyên tắc xác định tỷ lệ thương tật
Hiện nay, tỷ lệ tổn thương cơ thể được xác định trên các nguyên tắc như sau:
Thứ nhất, Tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của một người phải nhỏ hơn 100%.
Thứ hai, mỗi bộ phận trên cơ thể chỉ được tính tỷ lệ tổn thương 1 lần. Trường hợp bộ phận đó bị tổn thương di chứng sang bộ phận khác thì tỷ lệ % tổn thương sẽ tính thêm phần di chứng của bộ phận thứ hai.
Thứ ba, nếu nhiều tổn thương cơ thể là triệu chứng của cùng một bệnh đã có trong tỷ lệ tổn thương thì tỷ lệ sẽ được xác định theo hội chứng hoặc bệnh đó.
Thứ tư, khi tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, chỉ lấy đến hai chữ số thập phân, và tổng tỷ lệ cuối cùng phải làm tròn thành số nguyên.
Thứ năm, nếu bộ phận bị tổn thương trên cơ thể có tính đối xứng như: mắt, thận và một bên bị tổn thương hoặc đã xác định được bệnh lý thì tính tỷ lệ tổn thương cho cả bộ phận cơ thể đối xứng.
Ví dụ: Một người đã bị hỏng một bên mắt trước đó, lần này bị chấn thương và hỏng mắt còn lại thì tỷ lệ tổn thương sẽ tính là mất cả 2 mắt.
Thứ sáu, nếu bộ phận cơ thể mất chức năng, tỷ lệ tổn thương là 30% của tỷ lệ % tổn thương đối với bộ phận đó.
Thứ bảy, trường hợp một người cần giám định cả pháp y và pháp y tâm thần thì tỷ lệ % tổn thương sẽ được cộng từ cả 2 giám định này.
Bảng tỷ lệ thương tật ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BYT
2. Bảng tỷ lệ thương tật mới nhất
Bảng tỷ lệ thương tật mới nhất cập nhật năm 2025 được quy định chi tiết và ban hành kèm theo Thông tư số 22/2019/TT-BYT. Trong đó,
Chương 1: Nội dung của chương này đề cập đến tỷ lệ % tổn thương cơ thể do tổn thương xương sọ và hệ thần kinh.
Chương 2: Đề cập đến tỷ lệ % tổn thương cơ thể do tổn thương hệ Tim mạch.
Chương 3: Đề cập đến tỷ lệ % tổn thương cơ thể do tổn thương hệ Hô hấp.
Chương 4: Nội dung của chương này thể hiện bảng tỷ lệ % tổn thương cơ thể do tổn thương hệ Tiêu hóa.
Chương 5: Bảng tỷ lệ thương tật cơ thể do tổn thương hệ Tiết niệu, Sinh dục, Sản khoa.
Chương 6: Bảng tỷ lệ thương tật cơ thể do tổn thương Hệ Nội tiết.
Chương 7: Bảng tỷ lệ thương tật cơ thể do tổn thương Cơ, Xương Khớp.
Chương 8: Bảng tỷ lệ thương tật cơ thể do tổn thương Phần mềm.
Chương 9: Bảng tỷ lệ thương tật cơ thể do tổn thương Bỏng.
Chương 10: Bảng tỷ lệ thương tật cơ thể do tổn thương cơ quan Thị giác.
Chương 11: Bảng tỷ lệ thương tật cơ thể do tổn thương Răng Hàm Mặt.
Chương 12: Bảng tỷ lệ thương tật cơ thể do tổn thương Tai - Mũi - Họng.
Chương 13: Bảng tỷ lệ thương tật cơ thể do bệnh tật Tai - Mũi - Họng.
3. Cách tính tỷ lệ thương tật cơ thể
Cách tính tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể đã được quy định rõ ràng tại Điều 4, Thông tư 22/2019/TT-BYT. Cụ thể như sau:
Tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể = T1+T2+ T3 +...+ Tn
3.1 Công thức tính tỷ lệ tổn thương cơ thể
Trong đó:
T1: Được xác định là tỷ lệ % TTCT của TTCT thứ nhất.
T2: là tỷ lệ % của TTCT thứ hai được xác định như sau: T2 = (100 - T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100
T3: là tỷ lệ % của TTCT thứ ba được xác định như sau: T3 = (100-T1-T2) x tỷ lệ % TTCT thứ 3/100
Tn: là tỷ lệ % của TTCT thứ n được xác định như sau: Tn = {100-T1-T2-T3-...-T(n-1)} x tỷ lệ % TTCT thứ n/100
Tổng tỷ lệ % TTCT sau khi được làm tròn số là kết quả cuối cùng.
3.2 Ví dụ về tính tỷ lệ thương tật
Trường hợp 1: Ông Nguyễn Văn C được xác định có 3 tổn thương cơ thể bao gồm: cụt 5 ngón chân, sẹo giác mạc và tháo khớp cổ chân 1 bên. Dựa theo bảng tỷ lệ thương tật mới nhất, ta có tỷ lệ % tổn thương cơ thể của ông C như sau:
-
Cụt 5 ngón chân, khung tỷ lệ % tổn thương cơ thể từ 26-30%.
-
Tháo khớp cổ chân một bên, tỷ lệ % tổn thương cơ thể là 45%.
-
Sẹo giác mạc không ảnh hưởng thị lực, tỷ lệ % tổn thương cơ thể là 5%.
Áp dụng công thức tính tỷ lệ % tổn thương cơ thể, tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Văn C được xác định như sau:
-
T1 = 28%(tỷ lệ % tổn thương cơ thể tại Thông tư 22/2019 là 26-30%, trường hợp này, giám định viên xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể là 28%)
-
T2 = (100-28) x 45/100% = 32,4%
-
T3 = (100-28-32,4) x 5/100% = 1,98%
Tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của ông C là: 28% + 32,4% + 1,98% = 62,38%, làm tròn số là 62%.
Như vậy, tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Văn C là 62%.
Trường hợp 2: Ông Nguyễn Văn A cần giám định tại Giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần với kết quả như sau:
- Tổ chức giám định pháp y kết luận tỷ lệ % tổn thương cơ thể là 30% (T1).
- Tổ chức giám định pháp y tâm thần kết luận tỷ lệ % tổn thương cơ thể là 20%.
Sau đó, tổ chức giám định pháp y tâm thần kết luận tổng hợp lại: Tỷ lệ tổn thương cơ thể như sau:
- T1 = 30%
- T2 = (100-30) x 20/100 = 14%
- Tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của ông A là (T1+T2) = 30% + 14% = 44%
Như vậy, tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của ông A là 44%.
Tóm lại, việc nắm vững và áp dụng bảng tỷ lệ thương tật mới nhất là rất quan trọng trong việc đánh giá chính xác mức độ tổn thương cơ thể, từ đó hỗ trợ công tác điều trị và xác định các quyền lợi bảo hiểm, bồi thường. BHXH điện tử eBH hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều nội dung hữu ích cho quý độc giả. Nếu còn bất kỳ điều gì thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.
Nguyệt Nga