Đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH tự nguyện
Để hoàn thành mục tiêu phát triển Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 18/8/2020 BHXH Việt Nam đã có Công văn số 2620/BHXH-BT gửi Bộ Tài chính đề nghị tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Công văn mới này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đối với hộ gia đình nghèo, cận nghèo cần có sự hỗ trợ, quan tâm đặc biệt để họ có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Hạn chế tối đa việc đang tham gia BHXH ngừng tham gia, hoặc tạo điều kiện để các hộ còn khó khăn có đủ điều kiện tham gia.
Cụ thể, mức hỗ trợ được đề xuất như sau:
"Nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo; nâng mức hỗ trợ từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo; cuối cùng là nâng mức hỗ trợ từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại."
Theo dự kiến của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội và dự kiến của BHXH Việt Nam, nếu Nhà nước hỗ trợ theo mức đề nghị này thì: Số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người; đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người. Mặt khác, dự kiến số tiền chi hỗ trợ tăng dần từng năm đến năm 2025 ở mức 1.167 tỷ đồng, chiếm 0,3% chi cho an sinh xã hội; dự kiến đến năm 2030 ở mức 3.141 tỷ đồng, chiếm 0,71% chi cho an sinh xã hội.
Ngoài việc tăng mức hỗ trợ đối với các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cần kết hợp với đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện BHXH. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về BHXH tự nguyện theo hướng giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu. Bổ sung các chế độ BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt cũng phải được chú trọng.
Mục tiêu hướng đến đến năm 2030 tăng tỷ lệ người tham gia BHXH
Có thể thấy, đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH tự nguyện là động lực mạnh mẽ tác động lớn lên nhu cầu tham gia BHXH. Tiến tới thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1%. Đến năm 2025 chúng ta có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5%. Phấn đấu đạt mục tiêu tới năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5%.
Xem thêm >> Hướng dẫn thủ tục mua bảo hiểm y tế tự nguyện như thế nào?
Như vậy, nếu đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH tự nguyện tại Công văn số 2620/BHXH-BT được thực thi, sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho người tham gia. Người dân được hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện cao hơn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Đề xuất này cũng tác động mạnh mẽ hướng tới mục tiêu bao phủ Bảo hiểm xã hội cho người dân, an sinh xã hội được ngày càng được cải thiện và nâng cao.
✅ Tin liên quan >> Tham gia BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không?