Chế độ BHYT của quân nhân, công an, người làm công tác cơ yếu
Quy định về chế độ bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hiện nay được thực hiện như thế nào? Mời bạn hãy cùng EBH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Chế độ BHYT đối với Quân đội, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu
1. Chế độ bảo hiểm y tế của quân nhân, công an, người làm công tác cơ yếu
Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01/9/2015 do Chính phủ ban hành đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế 2020 đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu. Theo đó, về đối tượng tham gia BHYT theo nghị định này sẽ gồm có:
1) Quân nhân là một thuật ngữ gọi chung cho những người phục vụ trong lực lượng vũ trang của một quốc gia nói chung và trong một đơn vị quân đội nói riêng.
Quân nhân tham gia BHYT bao gồm các chức vụ:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ,
- Hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ.
Quân nhân không bao gồm cảnh sát, công an hay những người phục vụ trong ngành An ninh.
2) Công an nhân dân là lực lượng vũ trang trọng yếu của quốc gia có chức năng tham mưu cho Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước về bảo vệ, đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Công an nhân dân được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch Nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
Công an nhân dân tham gia BHYT bao gồm các chức vụ:
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân,
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong lực lượng công an nhân dân;
- Học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước.
3) Người làm công tác cơ yếu là những người phục vụ trong lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước, thực hiện các hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng nghiệp vụ mật mã, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước. Người làm công tác cơ yếu có thể là quân nhân hoặc công an nhân dân (Điều 3 Luật cơ yếu 2011).
Người làm công tác cơ yếu sẽ được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với quân nhân hoặc công an nhân dân.
Theo nghị định 70/2015/NĐ-CP thì người làm công tác cơ yếu thuộc đối tượng tham gia BHYT gồm có:
- Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ.
- Học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước theo chế độ, chính sách như đối với học viên Quân đội.
- Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
1.1 Lộ trình thực hiện BHYT đối với Quân nhân, công an, người làm công tác cơ yếu
- Từ ngày 15/10/2015, thực hiện BHYT đối với 100% người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
- Từ ngày 15/10/2015 đến 31/12/2015, thực hiện BHYT đối với 15%;
- Từ ngày 01/1/2016, thực hiện BHYT ít nhất 30% đối với các đối tượng quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu nêu trên (trừ người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương).
- Từ ngày 01/1/2018, tỷ lệ này được nâng lên là ít nhất 60%.
- Từ ngày 01/1/2020, thực hiện BHYT đối với 100% các đối tượng quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu tham gia BHYT nêu trên.
Mức đóng BHYT đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu
2. Mức đóng BHYT của quân nhân, công an, người làm công tác cơ yếu
Theo Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ phần kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu như sau:
Mức đóng BHYT hằng tháng kể từ ngày 01/1/2016 như sau:
- Đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp: Bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
- Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ: Bằng 4,5% mức lương cơ sở.
- Đối với công an, người làm công tác cơ yếu: Bằng 4,5% tiền lương, tiền công.
Thời hạn sử dụng thẻ BHYT đối với thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ tương ứng thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.
Theo một góc nhìn khác, Nghị định này quy định mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng đối với:
1) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ.
2) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân.
3) Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
Mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng:
1) Hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ.
2) Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong lực lượng công an nhân dân.
3) Học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước.
4) Học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước theo chế độ, chính sách như đối với học viên Quân đội.
Trên đây là những chia sẻ về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế đối với quân nhân, công an và người làm công tác cơ yếu theo quy định của pháp luật Việt Nam. Phần mềm bảo hiểm xã hội EBH hy vọng đã có thể mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích nhất.
Tài Phạm - EBH