Mức giảm và thủ tục giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ năm 2024
Giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của người nộp thuế. Do đó, việc hiểu rõ điều kiện, mức giảm trừ và thủ tục thực hiện chính sách này sẽ giúp người nộp thuế tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể.
Điều kiện giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ người nộp Thuế
1. Điều kiện giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ như thế nào?
Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, bố mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng thì được xác định là người phụ thuộc của người nộp thuế.
Do đó, để đăng ký giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ (bao gồm cả bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ/chồng, bố dượng, mẹ kế, bố mẹ nuôi) thì cần đáp ứng các điều kiện sau:
Trường hợp 1: Bố mẹ đang trong độ tuổi lao động (*).
- Bố mẹ bị khuyết tật, không còn khả năng lao động.
- Bố mẹ không có thu nhập hoặc thu nhập từ tất cả các nguồn thu nhập bình quân năm không quá 1 triệu đồng/tháng.
Trường hợp 2: Bố mẹ ngoài độ tuổi lao động:
- Bố mẹ không có thu nhập, hoặc thu nhập từ tất cả các nguồn thu nhập bình quân năm không quá 1 triệu đồng/tháng.
(*) Độ tuổi lao động được xác định như sau:
Trong điều kiện lao động bình thường, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là 60 tuổi 3 tháng với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam và 4 tháng với lao động nữ.
Theo quy định trên, “ngoài độ tuổi lao động” được xác định là đủ 61 tuổi đối với nam, đủ 56 tuổi 4 tháng đối với nữ.
Như vậy, để được giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ thì bố mẹ của người nộp thuế phải đáp ứng được theo các điều kiện như trên.
Mức giảm trừ 4,4 triệu đồng đối với người phụ thuộc là bố mẹ
2. Mức giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ năm 2024
Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc được pháp luật quy định như sau:
- Đối với bản thân người nộp thuế: Giảm trừ 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).
- Đối với người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ là 4,4 triệu đồng/người/tháng.
3. Giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ cần giấy tờ gì?
Hồ sơ để chứng minh người phụ thuộc đối với cha, mẹ cần các giấy tờ sau đây:
(1) Bản chụp chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ thẻ căn cước.
(2) Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế. Ví dụ:
-
Giấy xác nhận thông tin về cư trú.
-
Hoặc thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
-
Hoặc giấy tờ khác do Cơ quan Công an cấp.
-
Giấy khai sinh, giấy quyết định nhận cha, mẹ, con của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, nếu cha, mẹ vẫn trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh người phụ thuộc cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như:
-
Bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định đối với người khuyết tật không có khả năng lao động.
-
Bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động như AIDS, ung thư hoặc suy thận mãn.
Lưu ý: Người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi 1 người phụ thuộc 1 lần trong suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh. Trong trường hợp thay đổi nơi làm việc thì phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc là bố mẹ như trường hợp đăng ký lần đầu.
Thủ tục giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ
4. Thủ tục giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ
Để thực hiện thủ tục giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ, cá nhân người nộp thuế cần làm theo hướng dẫn dưới đây:
Trường hợp 1: Cá nhân ủy quyền cho Cơ quan trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc.
Cá nhân ủy quyền cho Cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc thì nộp hồ sơ đăng ký thuế tại Cơ quan chi trả thu nhập. Hồ sơ bao gồm:
(1) Văn bản ủy quyền và giấy tờ của người phụ thuộc:
- Bản sao Căn cước công dân hoặc Bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.
- Bản sao Hộ chiếu đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
Sau đó, cơ quan trả thu nhập tổng hợp và gửi Tờ khai đăng ký thuế theo Mẫu số 20-ĐK-TH-TCT gửi cho Cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Trường hợp 2: Cá nhân không ủy quyền cho Cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc.
Cá nhân nộp hồ sơ đăng ký thuế cho Cơ quan thuế tương ứng theo quy định tại Khoản 9, Điều 7, Thông tư 105/2020/TT-BTC.
Hồ sơ đăng ký gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế theo Mẫu số 20-ĐK-TCT.
- Bản sao thẻ CCCD hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực của người phụ thuộc.
- Bản sao hộ chiếu còn hiệu lực với người phụ thuộc là người nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn sinh sống tại nước ngoài.
Lưu ý: Trong vòng 3 tháng kể từ ngày nộp tờ khai đăng ký người phụ thuộc, người nộp thuế phải nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc cho nơi trả thu nhập/cơ quan thuế. Quá thời hạn trên, người nộp thuế sẽ không được giảm trừ cho người phụ thuộc và phải điều chỉnh lại số thuế phải nộp.
5. Một số câu hỏi thường gặp về giảm trừ gia cảnh
Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp khi đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc:
(1) Hồ sơ giảm trừ gia cảnh có cần công chứng không?
Các giấy tờ trong hồ sơ giảm trừ gia cảnh hiện nay không cần công chứng, chứng thực mà đều chỉ yêu cầu bản chụp của giấy tờ.
(2) Được giảm trừ gia cảnh tối đa bao nhiêu người?
không giới hạn số lượng người được giảm trừ gia cảnh tối đa chỉ cần thuộc đối tượng được giảm trừ và thỏa mãn các điều kiện tương ứng theo quy định thì sẽ được giảm trừ gia cảnh.
(3) Khi nào phải đăng ký lại người phụ thuộc?
Người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian tính giảm trừ gia cảnh và phải đăng ký lại người phụ thuộc khi thay đổi nơi làm việc.
Như vậy, trên đây là một số nội dung cơ bản về chính sách giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ. Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho quý độc giả trong việc xác định chính xác mức thuế TNCN phải nộp của mình. Ngoài ra, nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.
N.N