Đề xuất thay đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động
Để đảm bảo công bằng khi giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp xuống còn 0,5%, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cũng nên giảm tương ứng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới công bố dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5 tới.
Cụ thể, mức đóng vào quỹ này hàng tháng của chủ doanh nghiệp giảm từ 1% xuống còn 0,5%, giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 3.000 tỷ mỗi năm. Riêng mức đóng của người lao động giữ nguyên 1% theo quy định.
Bộ Lao động lý giải, giảm mức đóng là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Chính phủ đã ban hành Nghị định 44, đồng ý với đề xuất giảm tỷ lệ đóng từ 1/6/2017 đến hết năm 2019. Việc này giúp doanh nghiệp giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh.
Xem thêm: bảo hiểm xã hội điện tử
Hơn nữa, đây là quỹ ngắn hạn, tăng giảm theo từng thời kỳ. Bộ sẽ có đánh giá, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức đóng với người lao động nếu thấy cần thiết.
Các khoản người lao động bị trừ trong lương hàng tháng
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng cần giảm mức đóng cho người lao động thì mới công bằng. Vì doanh nghiệp gặp khó, người lao động cũng không dễ dàng. Trong cuộc họp với Ủy ban Các vấn đề xã hội, Tổng liên đoàn đã đề xuất giảm cho cả người lao động.
Theo ông Quảng, khi đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng lợi, chủ doanh nghiệp cũng không phải trả trợ cấp. "Cần có sự công bằng khi giảm mức đóng nếu không sẽ vấp phải phản ứng của người lao động", ông nói.
Khi xây dựng dự thảo Nghị quyết, Bộ đã lấy ý kiến các bộ ngành liên quan. Trong đó, Bộ Tư pháp thẩm định, cho ý kiến rằng "Cần đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích giữa doanh nghiệp người lao động và Nhà nước trong việc đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sớm tổng kết, đánh giá thi hành pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp toàn diện, tổng thể việc thu - chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trên cơ sở đó, kiến nghị giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp 0,5% đối với người lao động".
Theo quy định, tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm trích theo lương của người lao động là 32,5%, gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chưa tính kinh phí công đoàn 2%. Trong đó doanh nghiệp đóng 22% và người lao động đóng 10,5%.
Tỷ lệ đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 2%, trong đó chủ sử dụng lao động 1% và người lao động 1%, Nhà nước hỗ trợ duy trì số dư quỹ hàng năm. Quỹ dùng chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Năm 2016, tổng chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp gần 5,8 nghìn tỷ. Kết dư quỹ còn gần 56,5 nghìn tỷ đồng và đảm bảo ổn định đến năm 2020.
Tin liên quan: