Bảo hiểm xã hội bộ quốc phòng: Thông tin chức năng & nhiệm vụ
Bảo hiểm Xã hội Bộ Quốc phòng là cơ quan đầu ngành về lĩnh vực bảo hiểm xã hội trong quân đội thuộc Bộ Quốc phòng, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về tổ chức, cán bộ và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc Phòng 34c Trần Phú
1. Giới thiệu về Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng
Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng là cơ quan đầu ngành về lĩnh vực bảo hiểm xã hội trong quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cơ quan được thành lập trên nền tảng từ Phòng BHXH Quân đội được tách từ cục Chính sách - Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng.
BHXH quân đội - Bộ Quốc phòng ra đời nhằm chăm lo tốt hơn quyền lợi của người lao động phục vụ trong quân đội, đáp ứng các yêu cầu về cải cách hành chính và bảo đảm bí mật quốc phòng.
BHXH Bộ Quốc phòng chính thức làm việc từ ngày 1/7/2008 và hoàn toàn tách biệt với Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam mà đa số công dân đang tham gia.
Dưới đây là những thông tin liên hệ của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng:
TRỤ SỞ BẢO HIỂM XÃ HỘI QUÂN ĐỘI - BỘ QUỐC PHÒNG
-
Địa chỉ: 34C Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội
-
Điện thoại: 069.551817/ Fax: 04.6270.2412/
-
Email: lienhebhxhbqp@gmail.com
-
Thành lập ngày: 29 tháng 5 năm 2008
-
Phân cấp: Cơ quan (Nhóm 5)
-
Nhiệm vụ: Là cơ quan đầu ngành về lĩnh vực Bảo hiểm.
-
Quy mô: 200 người
-
Bộ chỉ huy: Số 34C, Trần Phú, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội.
-
Website: http://www.bhxhbqp.vn/
Cơ quan thường trực phía Nam
-
Địa chỉ: Số 18D, Đường Cộng Hòa, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
-
Điện thoại: 069.663257
2. Lãnh đạo và tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc Phòng
Từ năm 2006 thực hiện chế độ Chính ủy, Chính trị viên trong Quân đội. Tổ chức Đảng bộ trong Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng theo phân cấp như sau:
2.1 Lãnh đạo cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng
Qua quá trình hình thành và phát triển Cơ quan Bảo hiểm xã hội quân đội đã trải qua 3 kỳ giám đốc. Gồm có:
-
Từ năm 2008 đến năm 2017: Thiếu tướng (năm 2012) Hồ Thủy
-
Từ năm 2017 đến năm 2021: Đại tá Nguyễn Văn Định
-
Từ năm 2021 đến nay: Đại tá Cao Xuân Thắng
Cơ cấu Ban giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng hiện nay gồm có:
-
Giám đốc: Đại tá Cao Xuân Thắng
-
Phó Giám đốc: Đại tá Nguyễn Hữu Đường
-
Phó Giám đốc: Đại tá Trần Ngọc Duy
2.2 Tổ chức
Tổ chức cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng bao gồm 8 phòng ban:
-
Tổ chức chính quyền
-
Phòng Kế hoạch - Tổng hợp
-
Phòng Chế độ - Chính sách
-
Phòng Thu sổ, thẻ
-
Phòng Kế hoạch tài chính
-
Phòng Bảo hiểm y tế
-
Phòng Công nghệ thông tin
-
Ban Hành chính
Tổ chức Đảng bộ trong Bảo hiểm xã hội quân đội theo phân cấp như sau: Đảng bộ Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng là cao nhất. Phía dưới có các Chi bộ các cơ quan đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng
2.3 Vị trí và chức năng của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc Phòng
Bảo hiểm xã hội quân đội - Bộ Quốc phòng là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện các chức năng sau:
-
Tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng đang phục vụ trong Quân đội (sau đây gọi tắt là người lao động) và các đối tượng liên quan do pháp luật quy định;
-
Bảo hiểm y tế đối với thân nhân quân nhân, thân nhân người làm công tác cơ yếu và thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng;
-
Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bảo hiểm xã hội bộ Quốc Phòng
Cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng đóng góp quan trọng trong hệ thống ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và là một trong những cơ quan có đóng góp và ảnh hưởng lớn vào hệ thống an sinh xã hội đất nước. Dưới đây là 19 nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng
“1. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế dài hạn, trung hạn và hằng năm trong Bộ Quốc phòng.
2. Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; mẫu biểu hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách và thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; xuất bản Thông tin công tác bảo hiểm xã hội trong Quân đội; quản lý Trang tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng theo đúng quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.
4. Hằng năm, phối hợp với Cục Tài chính xây dựng phương án phân bổ dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các cơ quan, đơn vị, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định giao dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các cơ quan, đơn vị theo quy định; thông báo dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện. Tổ chức thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các cơ quan, đơn vị và nộp về Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật.
5. Cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động trong các cơ quan, đơn vị. Xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với thân nhân quân nhân, thân nhân người làm công tác cơ yếu, thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng đang công tác trong Quân đội và các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
6. Tiếp nhận hồ sơ và xem xét giải quyết hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản và sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định. Giới thiệu người lao động về bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Giới thiệu thân nhân người lao động hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Giới thiệu người lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại các Hội đồng Giám định y khoa của Bộ Quốc phòng theo quy định.
7. Ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở quân y đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Quyết định của Bộ Quốc phòng.
8. Chủ trì quản lý quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và sử dụng để thanh toán các khoản chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Chủ trì, phối hợp với Cục Quân y, Cục Tài chính xây dựng kế hoạch sử dụng phần quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm chưa sử dụng hết (nếu có), báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
9. Hằng quý, hằng năm xác nhận và thẩm định quyết toán thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các cơ quan, đơn vị; giám định và thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với các bệnh viện, bệnh xá trong Quân đội ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; tổng hợp báo cáo quyết toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
10. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các cơ quan, đơn vị hoặc từ chối chi trả theo quy định của pháp luật. Phối hợp với cơ quan Thanh tra, thực hiện thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng.
11. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các cơ quan Cán bộ, Quân lực, Tài chính, Quân y trong toàn quân.
12. Phối hợp với các cơ quan chức năng, giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng với Đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội theo quy định.
13. Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về đóng và quyền được hưởng các chế độ, chính sách, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khi người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu, trên cơ sở quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về bảo vệ bí mật nhà nước.
14. Quản lý tài chính, tài sản cơ quan Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
15. Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại để phản ánh các khoản thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
16. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý, lưu trữ hồ sơ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và của Bộ Quốc phòng.
17. Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong Bộ Quốc phòng. Thực hiện các quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
18. Chủ trì, phối hợp với các Cục: Chính sách, Quân y, Tài chính và các cơ quan chức năng có liên quan, hằng năm hoặc đột xuất, báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quản lý các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ Quốc phòng.
19. Xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do cấp có thẩm quyền giao.” Nguồn - bhxhbqp.vn
Căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng các đơn vị, tổ chức, cơ quan, người lao động, quân nhân… chủ động liên hệ khi cần. Thông tin về quá trình tham gia BHXH của người lao động trọng hệ thống Bộ Quốc Phòng được bảo mật, do đó sẽ không thể tra cứu trên hệ thống tra cứu thông tin BHXH Việt Nam như đối với các đối tượng khác.
Ghi chú: Bài viết trên được tổng hợp và dẫn nguồn từ: Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng - www.bhxhbqp.vn và Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
Mong rằng những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên có thể mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích nhất.
Xem thêm: Bảo hiểm xã hội cho bộ đội - quy định và thời gian tính đóng BHXH