Lập báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài
Những năm gần đây, nước ta đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Để sử dụng và quản lý người lao động nước ngoài hiệu quả, doanh nghiệp phải có trách nhiệm lập báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo đúng quy định.
Doanh nghiệp báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài theo quy định
1. Thời hạn báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài
Báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài là một nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Doanh nghiệp cần báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài 06 tháng đầu năm và hàng năm trước ngày 05/07 và ngày 05/01 của năm sau theo mẫu số 07/PLI được ban hành kèm theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong báo cáo đơn vị cần ghi rõ các thông tin về doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu (nếu có), số liệu về người lao động nước ngoài, đánh giá, kiến nghị (nếu có).
Báo cáo này sẽ được nộp định kỳ hàng năm hoặc khi có phát sinh về lao động, tiền lương và truy thu đối với người lao động nước ngoài. Theo đó thời gian chốt số liệu định kỳ của báo cáo như sau:
- Báo cáo 06 tháng đầu năm: Tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 06 của kỳ báo cáo.
- Báo cáo hàng năm: Tính từ ngày 15 tháng 12 của năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
Thời gian chốt số liệu báo cáo 06 tháng đầu năm và hàng năm thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ báo cáo của Cơ quan hành chính Nhà nước.
Báo cáo sau đó cần được gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) (Cục Việc làm) hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố, nơi có người lao động nước ngoài làm việc. Sở LĐTBXH có trách nhiệm báo cáo Bộ LĐTBXH về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài trước ngày 15/07 và ngày 15/01 của năm sau theo mẫu số 08/PLI ban hành kèm Nghị định 70/2023/NĐ-CP.
Ngoài ra, trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc, doanh nghiệp phải báo cáo với Bộ LĐTBXH và Sở LĐTBXH nơi người nước ngoài đến làm việc theo Mẫu số 17/PLI ban hành kèm Nghị định 70/2023/NĐ-CP.
Nếu không nộp báo cáo hoặc nộp sai quy định, doanh nghiệp, tổ chức có thể bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Và phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (đối với người sử dụng lao động là cá nhân).
1.1 Mẫu báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài
Bạn có thể tải mẫu báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài [mẫu số 07/PLI] ban hành kèm theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ở định dạng file word theo mẫu như dưới đây.
Mẫu số 07-PLI kèm theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP
2. Cách lập báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài
Tổ chức, doanh nghiệp có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết cách điền mẫu báo cáo tình hình sử dụng lao động bên dưới đây.
(1) Tại mục “Kính gửi”: Điền “Bộ lao động - Thương binh và Xã hội (Cục việc làm) hoặc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh, thành phố… Nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện việc cấp giấy phép lao động tại Bộ LĐTBXH (Cục việc làm) thì gửi báo cáo về Bộ, đồng thời gửi báo cáo về Sở LĐTBXH tỉnh, hoặc thành phố nơi có người lao động nước ngoài đang làm việc.
Tên báo cáo: Ghi rõ "Báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài".
Các thông tin doanh nghiệp bao gồm:
- Tên doanh nghiệp/tổ chức: Ghi rõ tên đầy đủ của người sử dụng lao động nước ngoài.
- Loại hình doanh nghiệp: Ghi rõ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước/cơ quan, tổ chức/nhà thầu).
- Địa chỉ doanh nghiệp: Ghi rõ địa chỉ trụ sở chính của người sử dụng lao động nước ngoài.
- Số điện thoại/Fax; Email và Website.
- Giấy phép kinh doanh/giấy phép hoạt động; Lĩnh vực kinh doanh/lĩnh vực hoạt động.
- Người đại diện của doanh nghiệp/tổ chức (Thông tin liên hệ bao gồm: Số điện thoại, email cá nhân).
- Thông tin nhà thầu (nếu có).
2.1 Lưu ý khi lập báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài
Khi lập báo cáo, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Báo cáo phải được điền đầy đủ và chính xác thông tin (thông tin của doanh nghiệp, thông tin của người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam).
- Báo cáo phải được ký tên, đóng dấu của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp để đảm bảo tính pháp lý.
- Báo cáo phải được nộp theo đúng thời hạn quy định để tránh bị phạt hành chính.
2.1.1 Điều kiện người lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam
Để người lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam, người lao động cần đảm bảo một số điều kiện sau đây:
1) Người đủ 18 tuổi trở lên có quốc tịch nước ngoài và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2) Có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc, có đủ sức khỏe làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3) Người lao động không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích, đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.
4) Có giấy phép lao động do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cung cấp, trừ một số trường hợp quy định tại Điều 154, Bộ luật lao động năm 2019.
Lưu ý: Thời hạn hợp đồng lao động của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn quy định trong Giấy phép lao động. Người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài tại Việt Nam có thể thỏa thuận ký kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, được pháp luật Việt Nam bảo vệ, một số trường hợp ngoại lệ theo quy định.
Báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài là một trong những thủ tục bắt buộc đối với người sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam. Việc lập báo cáo đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động nước ngoài, người lao động Việt Nam và người sử dụng lao động nước ngoài.
Trên đây là những chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử EBH về việc báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam. EBH hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.
Nguyệt Nga - EBH