CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Giấy phép lao động là gì? Cách xin cấp giấy phép theo quy định

Bởi ebh.vn - 22/11/2023

Giấy phép lao động là một trong những loại giấy tờ quan trọng, đặc biệt là với người lao động nước ngoài khi làm việc ở Việt Nam. Để được cấp loại giấy phép này, cần chuẩn bị hồ sơ gì? Thủ tục cấp hồ sơ như thế nào? Thông tin chi tiết sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần có giấy phép lao động

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần có giấy phép lao động

1. Giấy phép lao động là gì?

Giấy phép lao động là một loại giấy tờ pháp lý cho phép người lao động mang quốc tịch nước ngoài được làm việc tại Việt Nam một cách hợp pháp.

Giấy phép lao động hợp lệ phải được cấp bởi Cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tại Việt Nam bao gồm: 

1) Cục việc làm thuộc Bộ lao động Thương binh và Xã hội

2) Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Giấy phép lao động có ghi rõ thông tin của người lao động nước ngoài gồm: Họ & Tên, số hộ chiếu, ngày/tháng/năm sinh, quốc tịch, tên & địa chỉ của tổ chức nơi làm việc, vị trí, thời gian làm việc….

1.1 Phải xin cấp giấy phép lao động trong trường hợp nào?

Theo quy định tại Điều 151, Bộ luật lao động 2019, người lao động nước ngoài muốn làm việc hợp pháp tại Việt Nam sẽ phải có giấy phép lao động. Do đó, trừ một số trường hợp được miễn, người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam theo một trong các hình thức dưới đây sẽ phải xin cấp giấy phép lao động gồm:

- Người lao động thực hiện theo hợp đồng lao động.

- Do di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp.

- Thực hiện các hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, KHKT, văn hóa thể thao, giáo dục…

- Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.

- Chào bán dịch vụ. 

- Làm việc trong tổ chức chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động.

- Tình nguyện viên cho các tổ chức.

- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.

- Các nhà lãnh đạo, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật. 

- Người nước ngoài tham gia gói thầu, dự án tại Việt Nam.

- Là thân nhân của thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thông tin về hồ sơ xin cấp giấy phép lao động

Thông tin về hồ sơ xin cấp giấy phép lao động

2. Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động gồm những giấy tờ gì?

Theo quy định tại Điều 9, Nghị định 152/2020/NĐ-CP và Quyết định số 526/QĐ-LĐTBXH năm 2021, hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động theo mẫu có sẵn.

- Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của giấy tờ chứng minh sức khỏe phù hợp với công việc (giấy khám sức khỏe có giá trị trong 12 tháng, giấy chứng nhận không nhiễm HIV...).

- Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của Phiếu lý lịch tư pháp, hoặc văn bản để xác nhận người lao động không phải đang chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tịch, hoặc đang bị truy cứu hình sự.

- Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của giấy tờ chứng minh trình độ chuyên môn, kỹ năng phù hợp với vị trí làm việc (bằng cấp, chứng chỉ, giấy chứng nhận...).

- Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện để làm việc tại Việt Nam như hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm, thư mời làm việc, văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài (trừ trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng lao động).

- Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

- Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của giấy tờ chứng minh quốc tịch (thẻ căn cước, giấy khai sinh...)

- 02 ảnh 4x6 cm, chụp không quá 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ, mặt nhìn rõ, nền trắng, không đội mũ, không đeo kính.

Lưu ý: Tất cả các giấy tờ do Cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài cấp cần được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt, có chứng thực của Cơ quan có thẩm quyền, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được miễn. 

Thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài

Thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài

3. Làm thế nào để xin giấy phép lao động?

Để xin giấy phép lao động, bạn cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép cho lao động nước ngoài theo các bước như sau:

Bước 1Đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương nơi bạn dự kiến làm việc. Bạn cần gửi đơn đăng ký theo mẫu và các giấy tờ liên quan.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép lao động theo quy định.

Bước 3: Nộp hồ sơ xin cấp phép lao động tại cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tại địa phương, như Bộ LĐTB&XH, hoặc Sở LĐTB&XH nơi người lao động dự kiến làm việc. 

- Bạn có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

- Thời hạn nộp: Trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam. 

- Người nộp: Người lao động nước ngoài hoặc Doanh nghiệp/tổ chức sử dụng lao động nước ngoài.

Bước 4: Nhận giấy phép lao động sau khi được cấp. Người lao động có thể nhận giấy phép lao động trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Hoặc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội sẽ cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. 

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ  cơ quan chức năng sẽ có văn bản trả lời rõ cho người nộp hồ sơ.

3.1 Mức phí cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài

Trừ một số trường hợp được miễn cấp giấy phép, đa số người nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam sẽ phải xin cấp giấy phép lao động. 

Miễn phí cấp giấy phép lao động trong trường hợp người nước ngoài được Bộ Lao động thương binh và Xã hội cấp giấy phép (Theo Quyết định số 526/QĐ-LĐTBXH).

Trong trường hợp do Sở lao động thương binh và xã hội cấp giấy phép lao động sẽ có thu phí. Cụ thể, mức lệ phí cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ không cố định (Dao động trong khoảng từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng).

3.2 Thời hạn của giấy phép lao động là bao lâu?

Thời hạn của giấy phép lao động là tối đa 02 năm. Doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động nước ngoài có thể xin cấp hoặc gia hạn tối đa 01 lần giấy phép lao động nhưng không quá 02 năm.

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của hợp đồng lao động, hợp đồng cung cấp dịch vụ, hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa hai bên đối tác Việt Nam và nước ngoài, hoặc văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam.

Trên đây là những chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử EBH về giấy phép lao động tại Việt Nam. Hy vọng bạn sẽ hoàn thành thủ tục xin giấy phép lao động một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Nguyệt Nga - EBH

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu