Hồ sơ và thủ tục hưởng chế độ thai sản bảo hiểm xã hội
Hồ sơ và thủ tục hưởng chế độ thai sản theo quy định mới nhất được thực hiện căn cứ vào Điều 4, Điều 5 Quy trình giải quyết hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH), chi trả các chế độ BHXH, BHTN ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019. Người lao động và doanh nghiệp lưu ý để làm thủ tục hưởng chế độ thai sản nhanh chóng thuận lợi.
Quy định về bộ hồ sơ hưởng chế độ thai sản bhxh
1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản bảo hiểm xã hội
Để nhận được trợ cấp thai sản người lao động và doanh nghiệp cần hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục hưởng chế độ thai sản. Căn cứ vào từng trường hợp mà người lao động và doanh nghiệp sẽ phải làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản khác nhau.
Theo quy định tại Điểm 2.2, Khoản 2, Điều 4, Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH hồ sơ hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại:
-
Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
-
Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP;
-
Điều 15, 18, 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT;
-
Điều 7, Nghị định số 33/2016/NĐ-CP và Khoản 2, Điều 15, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập và hồ sơ ứng với từng trường hợp hưởng.
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản bắt buộc phải có sổ bảo hiểm xã hội kèm theo các giấy tờ ứng với từng trường hợp như sau:
Đối với lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai hồ sơ hưởng chế độ thai sản gồm:
(1) Trường hợp lao động hưởng thai sản điều trị nội trú
-
Bản sao giấy ra viện của người lao động;
-
Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.
(2) Trường hợp lao động hưởng thai sản điều trị ngoại trú
-
Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH;
-
Hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Đối với lao động nữ sinh con hồ sơ hưởng chế độ thai sản gồm:
-
01 bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.
-
Trường hợp con chết sau khi sinh: có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con; trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
-
Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con thì có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.
-
Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm biên bản GĐYK của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ.
-
Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định tại Khoản 3, Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
-
Nếu điều trị nội trú cần có bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
-
Nếu điều trị ngoại trú cần có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
Xem thêm: Nghỉ việc trước khi sinh con có được hưởng chế độ thai sản
Thủ tục hưởng chế độ thai sản theo quy định
2. Thủ tục hưởng chế độ thai sản bảo hiểm xã hội
Sau khi hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ thai sản người lao động thực hiện các thủ tục hưởng chế độ thai sản theo quy định. Căn cứ vào Điều 5 Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH và Điều 102 luật Bảo hiểm xã hội 2014 thủ tục hưởng chế độ thai sản như sau:
Bước 1: Người lao động nộp hồ sơ
Người lao động nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Trường hợp đã thôi việc trước khi sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi, người lao động trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.
Đơn vị sử dụng lao động thực hiện nộp hồ sơ lên cơ quan BHXH tại cơ quan BHXH đã đăng ký bằng hình thức:
-
Nộp qua mạng.
-
Nộp qua đường bưu điện.
-
Nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH.
Bước 2: Cơ quan BHXH giải quyết hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ từ người lao động hoặc người sử dụng lao động, cơ quan BHXH giải quyết và chi trả chế độ trong thời hạn:
-
Tối đa 06 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp do người sử dụng lao động đề nghị.
-
Tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp người lao động, thân nhân người lao động nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH.
Cơ quan BHXH sau khi xem xét hồ sơ sẽ gửi thông báo chi trả chế độ thai sản cho người lao động đủ điều kiện hưởng. Đối với các trường hợp không đủ điều kiện chi trả sẽ nêu rõ lý do.
Bước 3: Nhận trợ cấp chế độ thai sản
Sau khi nhận được thông báo hưởng chế độ thai sản người lao động nhận trợ cấp thai sản bằng cách:
-
Nhận trực tiếp từ đơn vị sử dụng lao động, hoặc cơ quan BHXH nơi người lao động làm thủ tục hưởng.
-
Nhận qua đường bưu điện.
-
Nhận qua tài khoản cá nhân đã đăng ký trước đó.
Như vậy để có thể hưởng quyền lợi từ chế độ thai sản người lao động cần hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục hưởng bảo hiểm thai sản theo đúng quy định.
Bảo hiểm xã hội điện tử eBH hy vọng rằng với những chia sẻ trong bài viết này có thể cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích nhất. Nếu vẫn có những thắc mắc hoặc cần tư vấn chi tiết về các trường hợp hưởng người lao động vui lòng liên hệ theo đường dây nóng 1900 558873 hoặc 1900 558872 để được hỗ trợ.