CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Phân biệt 2 chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

Bởi ebh.vn - 06/03/2023

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là 2 chính sách an sinh xã hội hoàn toàn khác nhau tuy nhiên giữa 2 chế độ này lại có sự ràng buộc nhất định. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc phân biệt và hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa 2 chế độ bảo hiểm này.

Chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

Phân biệt chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

1. Phân biệt bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

Trong quá trình tham gia đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc người lao động được đóng BHYT điều này khiến nhiều người nghĩ rằng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là cùng 1 chế độ. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn sai. Dưới đây là một số tiêu chí để phân biệt 2 chế độ này.

1.1 Về khái niệm BHXH và BHYT

Bảo hiểm xã hội được quy định cụ thể trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo hoặc thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho những đối tượng tham gia BHXH khi họ khi bị ảnh hưởng về thu nhập do các nguyên nhân như: Tai nạn lao động, ốm đau, bệnh nghề nghiệp, thai sản, về hưu và tử tuất. 

Các phần bù đắp thu nhập này được xây dựng dựa trên cơ sở quỹ Bảo hiểm xã hội do những người tham gia đóng góp. Cụ thể, Bảo hiểm xã hội được hiểu đơn giản là rút một phần thu nhập của các đối tượng tham gia theo tháng để góp vào quỹ chung, dùng để chi trả khi có trường hợp bị giảm hoặc mất thu nhập.

Người tham gia bảo hiểm xã hội được cấp 1 cuốn sổ bảo hiểm xã hội và một mã số bảo hiểm xã hội định danh duy nhất.

Chế độ Bảo hiểm y tế được định nghĩa là hình thức Bảo hiểm bắt buộc với các đối tượng nằm trong quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Mục đích của Bảo hiểm y tế nhằm chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các đối tượng tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ chi trả toàn bộ hoặc một phần chi phí khám, chữa bệnh.

Người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được cấp 1 thẻ bảo hiểm y tế và mã số thẻ bảo hiểm y tế định danh duy nhất.

1.2 Về nguyên tắc áp dụng

Người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được đóng bảo hiểm y tế được trích nộp từ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội do người lao động và người sử dụng lao động nộp vào Quỹ BHXH và Quỹ BHYT. Tuy nhiên, nguyên tắc áp dụng 2 chế độ này lại có sự khác nhau. Theo đó:

Người lao động được hưởng chế độ BHXH khi bị ảnh hưởng, mất thu nhập do ốm đau, tai nạn lao động, nghỉ thai sản, về hưu và tử tuất. Đối tượng hưởng chế độ cần làm hồ sơ gửi cơ quan BHXH theo quy định và sẽ được chi trả theo chế độ được hưởng tương ứng.

Trong khi đó BHYT áp dụng khi người tham gia thực hiện khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo quy định. Trong đó, đối tượng sử dụng BHYT sẽ được thanh toán toàn bộ hoặc giảm trừ các chi phí khám, chữa bệnh ngay tại thời điểm đó mà không cần phải làm thủ tục hồ sơ như với BHXH.

So sánh 2 chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

So sánh 2 chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

1.3 Về phương thức thanh toán

Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hưởng chế độ BHXH do ốm đau, bệnh tật thai sản ... sẽ được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ thu nhập mà người lao động bị mất/ giảm do nghỉ việc, ảnh hưởng sức khỏe. Sau khi ra viện người lao động cần có sổ BHXH và các giấy tờ liên quan nộp cho công ty để làm hồ sơ hưởng chế độ gửi cơ quan BHXH. Khi được giải quyết người lao động sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp này.

Mức hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ theo quá trình và mức đóng bảo hiểm xã hội mà người lao động tham gia đóng trước đó. Các thông tin này được lưu trên sổ BHXH hoặc ứng dụng BHXH số VssID

Đối với người tham gia bảo hiểm y tế có thẻ BHYT dùng khi vào viện cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai, sinh con,.... Phương thức thanh toán của BHYT là chi trả toàn bộ hoặc giảm trừ các khoản tiền gồm tiền viện phí và tiền thuốc trong danh mục được BHYT chi trả ngay tại bệnh viện mà không cần phải làm hồ sơ mất nhiều thời gian.

Hiện nay người dân đã có thể xuất trình thẻ BHYT trong ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy truyền thống thuận tiện hơn rất nhiều.

1.4 Các chế độ của bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

Bảo hiêm xã hội

Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội bắt buộc

  1. Chế độ ốm đau.

  2. Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

  3. Chế độ thai sản.

  4. Chế độ hưu trí.

  5. Chế độ tử tuất.

Bảo hiểm y tế bắt buộc

Người tham gia BHXH bắt buộc được đóng BHYT

Bảo hiểm xã hội tự nguyện

  1. Chế độ hưu trí.

  2. Chế độ tử tuất.

Bảo hiểm y tế tự nguyện

Người tham gia theo hình thức hộ gia đình

Các chế độ tham gia và quyền lợi của BHXH và BHYT

2. Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không đóng bảo hiểm y tế có được không?

Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được quy định tại Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 gồm:

1 - Lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.

2 - Lao động Việt Nam làm công việc quản lý doanh nghiệp mà có nhận tiền lương.

3 - Lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam với giấy phép lao động/ chứng chỉ hành nghề/ giấy phép hành nghề hợp pháp mà có hợp đồng lao động từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định tại Khoản 1, Điều 12, Luật Bảo hiểm y tế 2014 là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.

Do đó, đối tượng là người lao động đi làm đáp ứng các điều kiện tham gia BHXH và BHYT bắt buộc thì đều phải đóng 02 loại bảo hiểm này. Mức đóng BHXH, BHYT sẽ do người lao động và người sử dụng lao động trích nộp từ tiền lương đóng BHXH hàng tháng cho cơ quan BHXH.

Như vậy, người lao động tham gia BHXH bắt buộc cũng sẽ tham gia BHYT trong hầu hết trường hợp.

Trên đây là một số chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử eBH trong việc so sánh 2 chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Mong rằng những thông tin trên có thể mang lại cho người lao động và bạn đọc những thông tin hữu ích nhất.

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu