Làm 6 tháng có được hưởng bảo hiểm xã hội không?
Trong thời gian gần đây, nhiều người lao động đặt câu hỏi về việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thời gian ngắn, đặc biệt là sau 6 tháng làm việc, liệu có đủ điều kiện để hưởng BHXH một lần hay không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết và hướng dẫn cụ thể về các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Quy định về số tháng làm việc hưởng BHXH một lần
1. Làm việc 6 tháng có được hưởng bảo hiểm xã hội một lần không?
Điều kiện hưởng Bảo hiểm xã hội một lần (BHXH 1 lần) được quy định tại Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, người tham gia BHXH được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc lao động nữ hoạt động ở cấp xã/phường/thị trấn chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
- Người ra nước ngoài để định cư.
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng; Người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
- Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH.
Như vậy, trường hợp lao động đã làm việc được 6 tháng (tham gia BHXH 6 tháng) tức là chưa đóng đủ 20 năm BHXH thì khi nghỉ việc, người lao động có quyền được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
1.1 Đóng BHXH 6 tháng nghỉ việc bao lâu mới được rút BHXH 1 lần?
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số 93/2015/QH13, quy định NLĐ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Tuy nhiên, nếu sau một năm nghỉ việc mà người lao động chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, họ có thể yêu cầu nhận BHXH một lần, như được quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP.
Đặc biệt, hiện nay không có quy định cụ thể về thời hạn tối đa để rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc. Do đó, người lao động tham gia BHXH bắt buộc đáp ứng được khoảng thời gian tối thiểu sau một năm nghỉ việc có thể lựa chọn thời điểm rút BHXH một lần ở bất kỳ thời điểm nào, dựa trên nhu cầu cá nhân, mà không bị giới hạn bởi thời gian.
2. Rút bảo hiểm xã hội 6 tháng được bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 19, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần cho người đã làm việc được 6 tháng dựa trên công thức sau:
2.1 Trường hợp người lao động tham gia sau năm 2014
Công thức tính số tiền hưởng BHXH một lần cho người đi làm được 6 tháng, thời gian đóng là sau năm 2014 như sau:
Số tiền hưởng = Hệ số M x Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH
Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH = Tiền lương tháng đóng BHXH/ Tổng số tháng đóng BHXH. Trong đó:
- Hệ số M = 2
- Về thời gian tham gia BHXH quy ước làm tròn như sau: Lẻ từ 1 - 6 tháng làm tròn là 0,5 năm; Lẻ từ 7 - 11 tháng làm tròn là 1 năm.
Tính số tiền rút BHXH 1 lần khi tham gia 6 tháng = 2 x Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x 0,5 = Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Như vậy, nếu người lao động làm 6 tháng, thì người lao động sẽ được hưởng BHXH một lần bằng chính mức lương bình quân đóng BHXH của 6 tháng đó.
2.2 Trường hợp người lao động tham gia từ trước năm 2014
Áp dụng công thức tương tự, tuy nhiên, hệ số M của thời gian đóng BHXH trước năm 2014 là 1,5, và hệ số M của thời gian đóng BHXH từ năm 2014 trở đi là 2.
Lưu ý: Nếu người tham gia có những tháng đóng lẻ trước năm 2014 thì những tháng này sẽ chuyển sang giai đoạn từ năm 2014 trở đi (tức nhân hệ số 2).
Thủ tục rút BHXH một lần với lao động được 6 tháng
2.3 Hướng dẫn nhanh thủ tục rút BHXH sau 6 tháng đóng BHXH
Hướng dẫn chi tiết về việc hưởng BHXH 1 lần được quy định tại Điều 109, Luật BHXH năm 2014 như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ rút BHXH.
(1) Sổ bảo hiểm xã hội (bằng giấy) của người lao động kèm bản photo.
(2) Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần theo Mẫu số 14-HSB do cơ quan BHXH ban hành. (Trường hợp không tự chuẩn bị được thì có thể chuyển qua bước tiếp theo.
(3) Thẻ Căn cước/Căn cước công dân (CCCD) để đối chiếu thông tin người làm hồ sơ.
Lưu ý: Trường hợp người ra nước ngoài định cư cần phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:
a) Hộ chiếu do nước tới định cư cấp.
b) Thị thực của cơ quan có thẩm quyền tại nước định cư cấp, có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.
c) Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; có giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài cấp.
Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH. Lựa chọn 1 trong 3 cách sau:
(1) Tới cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc tạm trú để nộp hồ sơ. Trường hợp chưa có đơn Đề nghị hưởng BHXH một lần thì làm trực tiếp tại cơ quan BHXH. Nộp tại cơ quan Bưu điện gần nhất.
(2) Nộp qua Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam (cần đăng ký tài khoản nhận mã xác thực). Nếu nộp theo phương thức giao dịch điện tử phải gửi hồ sơ điện tử đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I VAN. Hồ sơ giấy phải được chuyển sang định dạng hồ sơ điện tử.
(3) Nếu hồ sơ giấy chưa được chuyển sang định dạng điện tử thì có thể gửi hồ sơ bằng giấy qua các dịch vụ chuyển phát tới cơ quan BHXH.
Bước 3: Chờ cơ quan BHXH giải quyết. Thời gian tối đa để giải quyết và chi trả trường hợp rút BHXH một lần là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Nếu không giải quyết hồ sơ của người lao động thì cơ quan BHXH sẽ trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do cho người lao động.
Như vậy, người lao động làm việc và tham gia BHXH trong 6 tháng có được hưởng BHXH một lần sau 1 năm nghỉ việc nếu đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Điều quan trọng là cần tuân thủ các thủ tục, hồ sơ và thời gian quy định để đảm bảo quyền lợi. Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng bài viết đã giải đáp được thắc mắc và cung cấp thông tin hữu ích cho người lao động.
Thùy Dương