Những thay đổi của bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 là gì?
Các quy định và chính sách Bảo hiểm thất nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của lao động sau khi nghỉ việc tại doanh nghiệp. Vậy Bảo hiểm thất nghiệp 2020 có điểm gì thay đổi? Dưới đây là những cập nhật mới nhất năm 2020 về BHTN để người lao động nắm được thông tin.
Những thay đổi quan trọng của Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa tăng lên
Theo quy định về mức tính bảo hiểm thất nghiệp nằm trong Luật Việc làm năm 2013, mức trợ cấp thất nghiệp đối với lao động đủ điều kiện sẽ được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm của thời gian 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trong đó, thời gian lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp phụ thuộc vào tổng thời gian tham gia BHTN trước đó. Lao động cứ đóng đủ 12 tháng - 36 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó nếu đóng thêm thì cứ 12 tháng, lao động được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp.
Tuy nhiên, mức trợ cấp thất nghiệp không được quá 05 lần mức lương cơ sở hiện hành đối với đối tượng hưởng lương căn cứ vào chế độ tiền lương của nhà nước, không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng đối với những người hưởng lương theo hợp đồng lao động.
Mặt khác, năm 2020, mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng đều có nhiều thay đổi so với năm 2019. Vì vậy, mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp 2020 cũng sẽ tăng lên theo, cụ thể, chế độ BHTN của từng nhóm đối tượng sẽ có sự điều chỉnh như sau:
1) Đối tượng hưởng lương theo chế độ tiền lương của Nhà nước.
Đối tượng thuộc nhóm này hưởng lương căn cứ vào quy định về lương cơ sở:
Giai đoạn trước ngày 01/07/2020, mức lương cơ sở vẫn giữ ở mức 1,49 triệu đồng. Vì vậy, mức trợ cấp thất nghiệp tối đa = 5 x 1,49 triệu đồng = 7,45 triệu đồng/tháng.
Theo đề xuất của Quốc hội giai đoạn từ 01/07/2020, mức lương cơ sở sẽ được tăng lên 1,6 triệu đồng. Vì vậy, mức trợ cấp thất nghiệp tối đa = 5 x 1,6 triệu đồng = 8 triệu đồng/tháng.
Như vậy, với nhóm đối tượng hưởng lương theo quy chế lương Nhà nước, mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp 2020 tối đa tăng lên 550.000 đồng.
2) Đối tượng hưởng lương theo chế độ tiền lương của người sử dụng lao động
Căn cứ vào Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 15/11/2019, đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 150.000 đồng - 240.000 đồng/tháng. Vì vậy, mức trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tăng từ 750.000 đồng - 1,2 triệu đồng/tháng. Cụ thể so với năm 2019:
Vùng I: Lương tối thiểu vùng tăng lên 4,42 triệu đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng), mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 22,1 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng/tháng.
Vùng II: Lương tối thiểu vùng là 3,92 triệu đồng/tháng, tăng 210.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 19,6 triệu đồng/tháng, tăng 1,05 triệu đồng/tháng.
Vùng III: Lương tối thiểu vùng là 3,43 triệu đồng/tháng, tăng 180.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 17,15 triệu đồng/tháng, tăng 900.000 đồng/tháng.
Vùng IV: Lương tối thiểu vùng là 3,07 triệu đồng/tháng, tăng 150.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 15,35 triệu đồng/tháng, tăng 750.000 đồng/tháng.
Quy định mới về tăng tiền lương đóng BHTN
2. Tăng tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp
Bên cạnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng bởi thay đổi lương cơ sở và lương tối thiểu vùng theo các quy định mới áp dụng năm 2020, cụ thể:
1) Đối tượng hưởng lương theo quy chế lương của Nhà nước
Căn cứ vào Điều 58, Luật Việc làm năm 2013, mức đóng BHTN đối với những người hưởng lương theo quy chế lương Nhà nước không được cao hơn 20 tháng lương cơ sở. Vì vậy, năm 2020, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 2020 tối đa sẽ chia thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn trước 01/07/2020: Mức đóng tối đa là 20 x 1,49 triệu đồng = 29,8 triệu đồng/tháng.
Giai đoạn từ 01/07/2020 trở đi: Mức đóng BHTN tối đa là 20 x 1,6 triệu đồng = 32 triệu đồng/tháng.
2) Đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động
Đối với những người hưởng lương theo hợp đồng lao động, Điểm 2, Khoản 2, Điều 26 của Quyết định 595/QĐ-BHXH đã quy định, mức đóng BHTN đối với lao động trong điều kiện bình thường không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và không vượt quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng, cụ thể như sau:
Vùng I: Mức lương đóng BHTN tối thiểu là 4,42 triệu đồng/tháng, mức lương đóng BHTN tối đa là 88,4 triệu đồng/tháng.
Vùng II: Mức lương đóng BHTN tối thiểu là 3,92 triệu đồng/tháng, mức lương đóng BHTN tối đa là 78,4 triệu đồng/tháng.
Vùng III: Mức lương đóng BHTN tối thiểu là 3,43 triệu đồng/tháng, mức lương đóng BHTN tối đa là 68,6 triệu đồng/tháng.
Vùng IV: Mức lương đóng BHTN tối thiểu là 3,07 triệu đồng/tháng, mức lương đóng BHTN tối đa là 61,4 triệu đồng/tháng.
Trên đây là những thay đổi quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 từ Bảo hiểm xã hội điện tử EBH, doanh nghiệp và người lao động cần chú ý để thực hiện theo đúng quy định.
Bảo hiểm xã hội điện tử - EBH