Chính thức chứng thực bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công Quốc gia
Từ ngày 01/7/2020 chính thức thực hiện chứng thực bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), mở ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân khi làm thủ tục hành chính, đồng thời tối ưu chi phí chứng thực khi có thể tái sử dụng các bản sao.
Từ 1/7/2020 chính thức thực hiện chứng thực bản sao điện tử trên cổng dịch vụ công quốc gia
Khoa học kỹ thuật điện tử phát triển mạnh mẽ đã mang đến không ít các tiện ích phục vụ công việc và cuộc sống. Sự ra đời của cổng dịch vụ công quốc gia đã làm thay đổi toàn bộ cục diện, cách làm việc và quản lý của đa số dịch vụ công hiện nay. Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ được triển khai đồng loạt ở tất cả các tỉnh thành và là bước tiến lớn khi bản sao điện tử được chứng thực có giá trị như bản chính dùng để đối chứng.
Theo thông báo chính thức từ Cổng DVCQG ngày 25/6/2020, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính cùng với 5 dịch vụ công khác sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 01/7/2020 nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và quản lý hành chính công. Như vậy, sẽ có tất cả 6 dịch vụ công mới bao gồm:
(1) Chứng thực bản sao từ bản chính.
(2) Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
(3) Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế.
(4) Cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4.
(5) Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc).
(6) Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đang trải nghiệm vào cổng dịch vụ công quốc gia
Tuy chỉ mới đi vào hoạt động được một thời gian ngắn nhưng Cổng DVCQG đã bước đầu phát huy tốt được chức năng và nhiệm vụ của mình. Tính tới nay đã có tới 725 dịch vụ công được cung cấp cho người dân và doanh nghiệp trên cả nước được thực hiện.
Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) thuộc Văn phòng Chính phủ cho biết dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG là dịch vụ được doanh nghiệp, người dân đặc biệt quan tâm. Vì lý do này, đòi hỏi các bộ, ban hành liên quan cần tích cực triển khai và phổ biến rộng rãi tới mọi đối tượng.
Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai dịch này trước khi áp dụng chính thức trên Cổng DVCQG, Cục Kiểm soát TTHC đã họp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ và VNPT để làm rõ về quy trình nghiệp vụ và phân quyền tham gia trong quá trình thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Trong quá trình thực hiện phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về chứng thực.
Ông Ngô Hải Phan còn nêu quy trình thực hiện sơ bộ việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính gồm:
Bước đầu người dân gặp cơ quan có thẩm quyền chứng thực (trực tiếp) và cung cấp bản chính hợp lệ. Tiếp theo cơ quan thực hiện chứng thực kiểm tra (nghiệp vụ về chứng thực) và sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao từ bản chính trên Cổng DVCQG để nhập lời chứng, ký số, đóng dấu theo thẩm quyền và trả cho người dân và doanh nghiệp. Cuối cùng người dân, doanh nghiệp nhận bản chứng thực điện tử có đầy đủ lời chứng, chữ ký và con dấu của cơ quan có thẩm quyền tại tài khoản của mình trên Cổng DVCQG (kho quản lý dữ liệu điện tử) hoặc email trong trường hợp chưa có tài khoản.
Người dân làm quen với hình thức giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Cá nhân và doanh nghiệp cần lưu ý khi sử dụng bản sao điện tử được chứng thực cho các TTHC khác cần dẫn tài liệu từ Kho quản lý dữ liệu điện tử hoặc đăng tải file đã nhận để việc việc tiếp nhận hồ sơ được thuận lợi, đảm bảo tính chính xác toàn vẹn.
Cụ thể, ông Ngô Hải Phan cho biết. "Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm được là 428,4 tỷ đồng/năm". Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
Người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các TTHC đã được cung cấp trên môi trường điện tử mà không phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc đối với rất nhiều trường hợp không cần phải di chuyển với khoảng cách xa xôi để làm thủ tục hành chính, tiết kiệm công sức và chi phí đi lại tối ưu nhất.
Bên cạnh việc thực hiện nhanh chóng và có thể tái sử dụng bản chứng thực bản sao điện tử cho các TTHC tiết kiệm chi phí thì việc cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn trước khi đến thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG giúp giảm đáng kể thời gian chờ đợi. Mặt khác, không cần xây dựng, cung cấp dịch vụ trên các hệ thống của bộ, ngành, địa phương, từ đó triển khai nhanh giảm chi phí đầu tư quản lý xuống mức thấp nhất.
Tới đây, ngày 01/7/2020 tới, Văn phòng Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp báo công bố dịch vụ công trên Cổng DVCQG, giới thiệu về các dịch vụ công và lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời hướng dẫn quy trình đầy đủ và chi tiết khi thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG.
Như vậy, trong cuộc cách mạng số hóa, đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý TTHC đang được nỗ lực đẩy mạnh và hoàn thiện hơn. Chính thức thực hiện chứng thực bản sao điện tử trên Cổng DVCQG được đánh giá là dịch vụ cung cấp TTHC quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh TTHC trên môi trường điện tử.
Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ có nhiều bước tiến quan trọng hơn nữa, nhiều dịch vụ TTHC công được cung cấp hơn nữa qua Cổng DVCQG đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.