CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Thực hư về chính sách thanh toán tiền đồng chi trả vượt 6 tháng lương cơ sở?

Bởi ebh.vn - 28/11/2016

Gửi cơ quan bảo hiểm, hiện nay tôi được biết việc người bệnh tham gia bảo hiểm y tế trong 5 năm liên tục sẽ không phải đồng chi trả viện phí khi đi khám, chữa bệnh nếu đã đồng chi trả vượt mức 6 tháng lương cơ sở. Hiện nay tôi đã đồng chi trả vượt nhưng chưa được hưởng quyền lợi này, vì vậy, tôi muốn hỏi thủ tục thanh toán phần vượt nay như thế nào? Và tôi đã đồng chi trả vượt 6 tháng lương cơ sở và đã nộp hồ sơ xin thanh toán lại phần đóng lần này nhưng chưa được thanh toán lại. Như trường hợp của tôi sẽ được giải quyết như thế nào?

Anh Minh- Bình Dương

* Ông Cao Văn Sang (giám đốc Bảo hiểm xã hội chi nhánh TP.HCM) trả lời:

Theo hướng dẫn của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người sở hữu thẻ BHYT có thời gian tham gia BHYT đủ trong 5 năm liên tục (gọi tắt tham gia đủ 5 năm) và đóng đồng chi trả khi đi khám, chữa bệnh với mức tiền lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện nay là 7,26 triệu đồng) sẽ không phải đồng chi trả tiếp nữa.

Thực hư về chính sách thanh toán tiền đồng chi trả vượt 6 tháng lương cơ sở?

Trường hợp nếu đã phải đồng chi trả vượt 7,26 triệu đồng sẽ được thanh toán lại phần vượt tính tại thời điểm đủ 5 năm.

Những trường hợp trên cần mang thẻ BHYT và các hóa đơn chi trả viện phí (bản chính) đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để thực hiện thanh toán lại phần vượt và được cơ quan bảo hiểm cấp giấy không đồng chi trả.

Ví dụ 1: ông A tham gia đủ 5 năm vào ngày 31-12-2015. Từ tháng 1 đến 1-11-2016, ông A đi khám bệnh nhiều lần và đã đóng đồng chi trả hết 20 triệu đồng.

Khi mang chứng từ thanh toán viện phí đến cơ quan Bảo hiểm xã hội, ông A sẽ được thanh toán lại khoản tiền đồng chi trả là: 20 triệu đồng - 7,26 triệu đồng = 12,74 triệu đồng và sẽ được cấp giấy chứng nhận không đồng chi trả trong năm kể từ ngày 1-11.

Ví dụ 2: bà B tham gia đủ 5 năm vào ngày 31-5-2016. Từ ngày 1-1 đến 10-11, bà B đã đồng chi trả viện phí hết 25 triệu đồng.

Hóa đơn thanh toán viện phí bà B mang đến đề nghị thanh toán thể hiện từ ngày 1-1 đến 31-5 bà đã đóng đồng chi trả là 10 triệu đồng, còn số tiền đồng chi trả kể từ ngày 1-6 (thời điểm đủ 5 năm) đến ngày 10-11 là 15 triệu đồng.

Khi đó bà B sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán lại số tiền là: 15 triệu đồng - 7,26 triệu đồng = 7,74 triệu đồng và sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp giấy chứng nhận không đồng chi trả trong năm kể từ thời điểm ngày 10-11.

Ví dụ 3: ông C tham gia đủ 5 năm vào ngày 31-3-2016. Ngày 1-7, ông C mang hóa đơn chứng từ thanh toán viện phí đến cơ quan Bảo hiểm xã hội và đã được cấp giấy không đồng chi trả từ 1-7 nhưng chưa được cơ quan bảo hiểm thanh toán lại phần đã đóng vượt.

Vì vậy, ông C cần mang hóa đơn thanh toán viện phí đến để được thanh toán lại số tiền vượt kể từ ngày 31-3 (thời điểm đủ 5 năm liên tục) đến ngày 30-6 (trước ngày được cấp giấy không đồng chi trả).

Nguồn: Tổng hợp

>>> Mức đóng Bảo hiểm y tế đối với sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân

>>> Băn khoăn khi đủ năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ tuổi hưu

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu