CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Nghỉ không lương dài ngày người lao động phải chịu nhiều thiệt thòi

Bởi ebh.vn - 28/01/2022

Nghỉ không lương dài ngày người lao động phải chịu nhiều thiệt thòi mà không phải ai cũng biết. Những thiệt thòi này không chỉ là các chế độ bảo hiểm xã hội mà cả thiệt thòi về việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Nghỉ không lương dài ngày người lao động mất quyền lợi về BHXH và BHYT.

Nghỉ không lương dài ngày người lao động mất quyền lợi về BHXH và BHYT.

1. Nghỉ không lương dài ngày là bao lâu

Người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động được tự thỏa thuận thời gian nghỉ việc không lương. Trong nhiều trường hợp NLĐ chỉ xin nghỉ không lương vài ngày nhưng nhiều trường hợp lại nghỉ lên đến nửa tháng, một tháng thậm chí là vài tháng. 

Thực tế, không có quy định về thời gian nghỉ không lương dài ngày là bao lâu. Tuy nhiên, căn cứ vào các văn bản pháp luật thì NLĐ nghỉ trên 14 ngày không lương sẽ bị mất đi nhiều quyền lợi. 

2. Những thiệt thòi khi nghỉ không lương dài ngày của người lao động

Có rất nhiều những thiệt thòi khi nghỉ không lương dài ngày đối với người lao động. Tuy nhiên, 4 thiệt thòi liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) có thể thấy ngay được.

(1) Không được công ty đóng BHXH và bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ theo Khoản 4, Điều 42, Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định về NLĐ nghỉ việc không hưởng tiền lương như sau:

“4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.”

Do nghỉ việc dài ngày (từ 14 ngày trở lên) trong tháng không hưởng lương NLĐ không được đóng BHXH dẫn đến việc không được người sử dụng lao động đóng BHXH tháng đó. Điều này cũng có nghĩa thời gian này NLĐ không được tính hưởng các chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản…

Mặt khác, trong thời gian nghỉ dài ngày công ty sẽ thực hiện báo giảm lao động để không phải đóng các loại bảo hiểm cho NLĐ trong đó có bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Do không đóng BHTN vì vậy thời gian nghỉ này NLĐ sẽ không được tính vào thời gian hưởng tính hưởng trợ cấp thất nghiệp.

(2)  Không được giải quyết chế độ ốm đau trong thời gian nghỉ không lương

Được hưởng chế độ ốm đau là một trong những quyền lợi có bản của người lao động khi tham gia BHXH. Tuy nhiên, nghỉ việc dài ngày hoặc ngắn ngày không hưởng lương thì đều khiến cho NLĐ không còn được hưởng chế độ này. 

khám bệnh chữa bệnh trong thời gian nghỉ phép dài ngày NLĐ không được hưởng quyền lợi BHYT.

Khi đi khám bệnh chữa bệnh trong thời gian nghỉ phép dài ngày NLĐ không được hưởng quyền lợi BHYT.

Cụ thể tại Điểm c, Khoản 2, Điều 3, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu rõ:

“2. Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:

c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”

Như vậy, nghỉ không lương dài ngày người lao động phải chịu thiệt khi không được giải quyết chế ốm đau.

(3) Người lao động không được đóng bảo hiểm y tế, không thể mua theo hộ gia đình

Bảo hiểm y tế là bảo hiểm bắt buộc của người lao động khi ký hợp đồng làm việc lâu dài tại các đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên NLĐ nghỉ không lương từ 14 ngày trở lên/tháng thì tháng đó, doanh nghiệp sẽ báo giảm lao động và không đóng các loại bảo hiểm bắt buộc của tháng bao gồm cả bảo hiểm y tế.

Trong trường hợp này nếu NLĐ không may bị bệnh và đi khám bệnh, chữa bệnh vào thời gian nghỉ phép dài ngày sẽ không được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm y tế.

Trong thời gian nghỉ không lương và không được mua BHYT, người lao động cũng không thể mua BHYT hộ gia đình để được thanh toán BHYT khi đi khám, chữa bệnh.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 5, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình thì đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình không bao gồm đối tượng tham gia  BHYT bắt buộc. Mà NLĐ nghỉ việc dài ngày do chưa chấm dứt hợp đồng lao động nên vẫn là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Do vậy, NLĐ trong trường hợp nghỉ không lương dài ngày không thể tham gia BHYT hộ gia đình. 

(4) Không được tính thời gian nghỉ phép hằng năm

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 113, Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng được tính nghỉ phép năm từ 12 đến 16 ngày. Tuy nhiên, NLĐ nghỉ không lương dài ngày (tổng trên 1 tháng) sẽ không được tính vào thời gian để tính nghỉ phép hằng năm.

Trường hợp thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng/năm vẫn được tính vào thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm (theo quy định Điều 65, Nghị định 145/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/12/2020).

Ví dụ: 

Nếu bạn làm việc đủ 1 năm sẽ được tính phép năm là 12 ngày. Nếu làm việc đủ 5 năm thì người lao động được nghỉ 13 ngày (tính 01 ngày nghỉ theo thâm niên).

Nếu NLĐ làm việc tại công ty được 1 năm nhưng số ngày nghỉ phép không lương là 3 tháng thì chỉ được tính phép năm là 10 ngày (do trừ đi 2 ngày tương ứng với 2 tháng nghỉ phép không lương).

Qua những thông tin được chia sẻ trên thì nghỉ không lương dài ngày người lao động phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Người lao động cần cân nhắc trước khi xin nghỉ hoặc xin nghỉ không quá 14 ngày/tháng, 1 tháng/năm để đảm bảo lợi ích cho mình. Bạn đọc quan tâm đến các nội dung liên quan đến phần mềm bảo hiểm xã hội và các chế độ bảo hiểm có thể tìm hiểu thêm tại địa chỉ website bảo hiểm xã hội điện tử eBH để biết thêm chi tiết.

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu