CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Thẻ Căn Cước là Gì? Chi Tiết Mẫu Thẻ Mới từ Ngày 01/7/2024

Bởi ebh.vn - 11/07/2024

Luật Căn cước mới do Quốc hội ban hành ngày 27/11/2023, chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân (CCCD) thành thẻ Căn cước và sẽ áp dụng từ 01/7/2024. Vậy thẻ căn cước là gì? Có gì khác biệt so với thẻ CCCD, mẫu thẻ căn cước mới sẽ trông như thế nào? Hãy cùng EBH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Thẻ căn cước mới được quy định tại Luật căn cước 2023

Thẻ căn cước mới được quy định tại Luật căn cước 2023

1. Thẻ căn cước là gì?

Thẻ Căn cước được quy định trong Luật Căn cước số 26/2023/QH15 ban hành ngày 27/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thẻ này sẽ thay thế cho thẻ căn cước công dân và có thêm nhiều thông tin tích hợp hơn.

Căn cứ theo Khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước 2023, Thẻ căn cước là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam được cấp bởi cơ quan Công an, chứa thông tin căn cước bao gồm các thông tin cơ bản để xác định cá nhân như thông tin về nhân thân, lai lịch, nhân dạng sinh trắc học và các thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ.

Thông tin có trên thẻ căn cước sẽ gồm có 2 loại thông tin sau:

(1) Các thông tin được in trên thẻ gồm có: Ảnh, mã số định danh, họ tên, chữ đệm khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quốc tịch và nơi cư trú.

(2) Các thông tin được mã hóa trong mã QR in trên mặt sau của thẻ gồm: Thông tin sinh trắc học của cá nhân như ảnh khuôn mặt, ADN, dấu vân tay và mống mắt ...

Thẻ căn cước không chỉ là tài liệu định danh cho cá nhân mà còn là chứng minh về quyền lợi và trách nhiệm của công dân đối với quốc gia. Nó có thể được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục trên dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác có yêu cầu thẻ căn cước trên lãnh thổ Việt Nam.

1.1 Mẫu thẻ căn cước mới từ ngày 01/7/2024

Từ ngày 01/7/2024, Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực và mẫu thẻ căn cước sẽ được phát hành thay thế cho thẻ CCCD. Dưới đây là 2 mẫu thẻ căn căn cước mới từ 01/7/2024. 

Hình ảnh 2 mặt trước - sau của thẻ căn cước dành cho công dân từ 6 tuổi trở lên

Hình ảnh 2 mặt trước - sau của thẻ căn cước dành cho công dân

- Mẫu thẻ căn cước dành cho công dân từ dưới 6 tuổi (Mặt trước sẽ không có ảnh trên căn cước).

- Mẫu thẻ căn cước cấp cho công dân từ 6 tuổi trở lên (Có ảnh ở mặt trước của thẻ căn cước).

Những thay đổi trên thẻ căn cước mới so với thẻ căn cước công dân gồm:

(1) Đổi tên: Thẻ Căn cước công dân (CCCD) sẽ được đổi tên thành thẻ Căn cước theo Luật Căn cước số 26/2023/QH15.

(2) Thông tin trên thẻ: Bỏ các thông tin "Quê quán" và vân tay.

(3) Cấp thẻ cho trẻ em: Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ ngày 01/7/2024.

(4) Giấy chứng nhận căn cước: Bổ sung giấy chứng nhận căn cước cho những trường hợp cần thiết.

(5) Thủ tục cấp thẻ: Bổ sung thu thập thông tin về mống mắt khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước.

(6) Căn cước điện tử (CCĐT): Công dân sẽ được cấp CCĐT từ ngày 01/7/2024. Đối với công dân đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 sẽ được hiển thị căn cước điện tử trên ứng dụng VNeID.

2.1 Căn cước điện tử là gì?

Căn cứ theo Khoản 17 Điều 3 Luật Căn cước 2023 quy định, Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID kể từ ngày 01/7/2024.

Căn cước điện tử (CCĐT) là một hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 bao gồm các thông tin của công dân như nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số chứng minh nhân dân, địa chỉ thư điện tử, thông tin nhân dạng, và nhiều thông tin khác. 

2.1.1 Hướng dẫn xem căn cước điện tử trên VNeID

Để xem Căn cước điện tử trên VNeID, bạn thực hiện các bước sau:

Các bước xem căn cước điện tử trên VNeID

Bước 1: Mở và đăng nhập vào ứng dụng VNeID trên điện thoại của bạn.

Bước 2: Chọn mục "Ví giấy tờ" (1) sau đó chọn giấy tờ là "Thẻ căn cước/CCCD"(2) và nhập *passcode* để truy cập vào thông tin thẻ Căn cước công dân của bạn.

Bước 3: Lúc này, bạn hãy chọn mục "Căn cước điện tử"(3) và toàn bộ thông tin Căn cước điện tử của bạn (4) sẽ hiện ra trên màn hình. 

Căn cước điện tử có giá trị pháp lý tương đương với thẻ căn cước vật lý. Công dân có quyền sử dụng căn cước điện tử trên VNeID để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác theo nhu cầu của công dân.

2.1.2 Căn cước điện tử bị khóa trong trường hợp nào?

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 34 Luật căn cước 2023, kể từ ngày 01/7/2024 căn cước điện tử (CCĐT) sẽ bị khóa trong 05 trường hợp sau:

TH1: Khi người được cấp CCĐT yêu cầu khóa.

TH2: Khi người được cấp CCĐT vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia VNeID.

TH3: Khi người được cấp CCĐT bị thu hồi hoặc bị giữ thẻ căn cước.

TH4: Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

Cơ quan có thẩm quyền khóa căn cước điện tử phải thông báo ngay cho người bị khóa CCĐT trong 4 trường hợp kể trên.

TH5: Khi người được cấp CCĐT qua đời.

Nếu bạn thuộc trường hợp được mở khóa căn cước điện tử quy định tại Khoản 2 Điều này, hãy liên hệ với cơ quan quản lý căn cước hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an để được hỗ trợ.

3. So sánh thẻ căn cước với thẻ thẻ CCCD

Bảng so sánh thông tin thẻ Căn cước với thẻ Căn cước công dân

Thẻ Căn cước

Thẻ Căn cước công dân

Tên gọi "Thẻ căn cước"được quy định trong Luật Căn cước 2023

Tên gọi "thẻ căn cước công dân" được quy định trong Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13.

Nơi đăng ký khai sinh

Quê quán

Nơi cư trú

Nơi thường trú

Không còn vân tay và đặc điểm nhận dạng mà ẩn trong mã QR của thẻ

Có in hình vân tay và đặc điểm nhận dạng

Bổ sung thêm các thông tin sinh trắc học mống mắt, ADN và giọng nói, thông tin liên quan đến người thân

Không có thông tin sinh trắc về mống mắt, ADN và giọng nói

Chính thức quy định các giấy tờ tích hợp

Chỉ tích hợp được một số loại giấy tờ cá nhân

 

Thẻ Căn cước và thẻ Căn cước công dân (CCCD) là hai loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam. Theo như bảng trên dưới đây là sự khác biệt giữa 2 loại thẻ này:

(1) Về Tên gọi: 

- Thẻ Căn cước được quy định trong Luật Căn cước số 26/2023/QH15. 

- Thẻ CCCD được quy định trong Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13

(2) Thông tin in trên thẻ: 

- Thông tin "Quê quán" trên thẻ CCCD được đổi thành "Nơi đăng ký khai sinh" để có độ chính xác cao hơn.

- Nơi thường trú trên thẻ CCCD chuyển thành nơi cư trú trên thẻ Căn cước để bao quát được nhiều trường hợp.

- Thẻ Căn cước không còn vân tay và đặc điểm nhận dạng như thẻ CCCD, mà ẩn trong mã QR của thẻ.

- Thẻ mới sẽ được bổ sung thêm nhiều thông tin định danh mà thẻ CCCD không có như mống mắt, ADN, giọng nói, nghề nghiệp (trừ của quân đội, công an), thông tin liên quan đến người thân như cha mẹ, vợ chồng, người đại diện hoặc người được đại diện.

- Chính thức quy định về các loại giấy tờ tích hợp vào thẻ Căn cước so với thẻ CCCD gồm có: hộ chiếu, giấy phép lái xe, đăng ký xe, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế và nhiều loại giấy tờ cá nhân khác.

Như vậy, sự khác biệt giữa thẻ Căn cước và thẻ CCCD mang đến nhiều quyền lợi hơn cho công dân, bao gồm:

(1) Bao quát được nhiều thông tin của công dân hơn.

(2) Thuận tiện cho người dân khi sử dụng thông tin trong thẻ Căn cước. Tên gọi mới còn giúp bảo đảm tính phổ quát và tạo tiền đề cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới

(3) Bao gồm nhiều thông tin mang tính cá biệt, đặc trưng của người dân, giúp phân biệt dễ dàng người này với người kia. Thẻ Căn cước mới sẽ thu nhập nhiều thông tin bảo mật hơn, bao gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN và cả giọng nói.

(4) Vẫn giữ lại mã QR, tích hợp nhiều thông tin của công dân cùng nhiều loại giấy tờ giúp người dân không phải mang quá nhiều giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính.

(5) Miễn phí khi làm lần đầu (Căn cứ khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước): Khi làm thẻ Căn cước lần đầu, công dân sẽ được miễn phí, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân.

Như vậy, việc đổi tên thẻ CCCD sang thẻ Căn cước không chỉ là một thay đổi về mặt hình thức mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho người dân, đồng thời hỗ trợ hội nhập quốc tế và bảo mật thông tin cá nhân. Bảo hiểm xã hội điện tử EBH mong rằng những chia sẻ trên đây có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.

T.P

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu