Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 chi tiết mức tăng tại từng vùng
Ngày 12/4 vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.
Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022.
Cuối phiên họp với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Trong trường hợp Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng sau hơn 2 năm giữ nguyên.
Trong diễn biến mới của tình hình kinh tế, việc tăng mức lương tối thiểu vùng và lương cơ bản là vô cùng cần thiết để có thể đảm bảo đời sống cho người lao động khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều tăng. Tại cuộc họp thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% từ ngày 1/7/2022 để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Cụ thể, sau khi tăng 6% thì mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 sẽ như sau:
-
Mức 4,68 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (hiện là mức 4.420.000 đồng/tháng);
-
Mức 4,16 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (hiện là mức 3.920.000 đồng/tháng);
-
Mức 3,64 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (hiện là mức 3.430.000 đồng/tháng);
-
Mức 3,25 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV (hiện là Mức 3.070.000 đồng/tháng).
Trước đó, đã có nhiều dự kiến về tăng lương tối thiểu vùng tuy nhiên chưa thể thực hiện do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mức lương tối thiểu vùng hiện vẫn được thực hiện theo theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 (có hiệu lực từ 1/1/2020).
Dự kiến từ ngày 1/7/2022 mức lương tối thiểu vùng tăng 6%.
Có thể thấy, nếu đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% được Chính phủ thông qua thì mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 180 nghìn đồng đến 260 nghìn đồng tùy vùng.
Căn cứ theo Điều 5, Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định:
“Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận, phải bảo đảm:
- Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
- Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.”
Do mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất người lao động được trả khi làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp, khi lương tối thiểu vùng tăng, kéo theo nhiều thay đổi trong chính sách tiền lương. Tiền lương tối thiểu trả cho người lao động (chưa bao gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) phải ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng được công bố.
Như vậy, trong trường hợp đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 của Hội đồng Tiền lương quốc gia được thông qua, nhiều doanh nghiệp buộc phải trả lương cho người lao động ở mức bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng mới. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng theo góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của người lao động theo đó được đảm bảo tốt hơn.
Tài liệu tham khảo: "Từ ngày 1-7-2022: Những đối tượng nào được tăng lương?" - Báo QĐND