CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Mức lương tối thiểu vùng là gì? Nguyên tắc áp dụng

Bởi ebh.vn - 27/02/2023

Mức lương tối thiểu vùng có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động được quy định theo từng vùng, khu vực. Vậy mức lương tối thiểu vùng là gì? Nguyên tắc áp dụng và những ảnh hưởng của việc điều chỉnh mức lương này có ảnh hưởng đến người lao động như thế nào? Hãy cùng eBH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Mức lương tối thiểu vùng là gì?

1. Mức lương tối thiểu vùng là gì?

Lương tối thiểu tại Việt Nam theo quy định của Bộ Luật lao động do Quốc hội Việt Nam ban hành là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP ghi rõ:

Mức lương tối thiểu vùng là mức tiền lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận, phải bảo đảm:

1 - Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

2 - Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Như vậy, lương tối thiểu trả cho người lao động (chưa tính các khoản lương phụ cấp và bổ sung khác) phải ít nhất bằng tiền lương tối thiểu được quy định trong năm đó.

Trong trường hợp tiền lương tối thiểu vùng trong năm điều chỉnh tăng. Doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại mức lương trả cho người lao động, cụ thể:

Người lao động đang được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới. Doanh nghiệp buộc phải tăng lương cho họ.

Người lao động đang hưởng mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng mới. Doanh nghiệp có thể xem xét tăng hoặc không tăng lương.

2. Nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng

Căn cứ theo quy định về tiền lương tối thiếu tháng theo vùng được áp dụng theo địa bàn cụ thể như sau:

(1) Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

(2) Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

(3) Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

(4) Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại Mục 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. 05 ảnh hưởng khi thay đổi mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng là căn cứ quan trọng trong việc xác định mức lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và nhiều chế độ khác.

3.1 Mức lương tối thiểu vùng là căn cứ trả lương cho người lao động

Mức tiền lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận và trả lương. Theo đó, mức lương trả cho lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

  • Không thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

  • Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu  đối với lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.

3.2 Lương tối thiểu vùng là lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu 

Căn cứ theo quy định tại Điểm 2.6, Khoản 2, Điều 6, Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì mức tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu quy định như sau:

Mức lương tối thiểu vùng là lương tháng tối thiểu đóng BHXH

Mức lương tối thiểu vùng là mức đóng BHXH tối thiểu

Với lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

Với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% so với mức tiền lương tối thiểu vùng.

Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

3.3 Tiền lương tối thiểu vùng là cơ sở để trả lương ngừng việc

Lương tối thiểu vùng là cơ sở để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 99, Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể:

Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

- Nếu do lỗi của NLĐ thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

- Nếu vì lý do bất khả kháng như: thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

  • Nếu ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc không thấp hơn mức lương tối thiểu;

  • Nếu phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Lưu ý: Lý do bất khả kháng có thể là sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế.

3.4 Cơ sở tính thiệt hại mà người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 129, Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ mức lương cơ sở dùng làm cơ sở tính thiệt hại mà lao động phải bồi thường. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3, Điều 102 của Bộ luật này.

3.5 Căn cứ xác định lương tối thiểu khi chuyển lao động làm công việc khác với hợp đồng lao động

Tại Khoản 3, Điều 29, Bộ luật Lao động 2019 quy định lao động chuyển sang làm công việc khác công việc ghi trên hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới và đảm bảo:

Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. 

Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Mức lương tối thiểu theo giờ là gì?

4. Mức lương tối thiểu theo giờ

Căn cứ tại Khoản 2, Điều 91, Bộ luật Lao động 2019 có đề cập đến lương tối thiểu giờ như sau: "Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ"

Theo đó, mức lương tối thiểu giờ sẽ được xác định dựa trên cơ sở từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn quy định trong Bộ luật Lao động.

Căn cứ theo điều 3, khoản 1, Nghị định 38/2022/NĐ-CP ban hành ngày 12/06/2022 quy định về mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng áp dụng từ 1/7/2022 lần lượt là: Vùng I là 22.500 đồng/giờ; Vùng II là 20.000 đồng/giờ; Vùng III là 17.500 đồng/giờ; Vùng IV là 15.600 đồng/giờ;

Về việc áp dụng mức lương tối thiểu sẽ căn cứ theo các hình thức trả lương quy định tại Bộ luật Lao động, theo đó,

  • Mức lương tối thiểu tháng áp dụng đối với người lao động được trả lương theo tháng.

  • Mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động được trả lương theo giờ.

Đối với các hình thức trả lương theo tuần/ngày hoặc theo sản phẩm/lương khoán thì sẽ do người sử dụng lao động/ đơn vị doanh nghiệp lựa chọn quy đổi sang mức lương tháng hoặc giờ bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

Như vậy trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử eBH đã gửi tới bạn đọc một số thông tin liên quan đến mức lương tối thiểu vùng là gì? Nguyên tắc áp dụng và những ảnh hưởng của việc điều chỉnh lương tối thiểu lên người lao động. EBH mong rằng có thể cung cấp cho Quý bạn đọc những thông tin hữu ích nhất.

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu