CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Những điểm mới đáng chú ý của bộ luật lao động năm 2019

Bởi ebh.vn - 24/06/2020

Ngày 20/11/2019, Bộ Luật lao động 2019 (Bộ luật số: 45/2019/QH14) chính thức được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 8 thông qua với nhiều điểm mới đáng chú ý. Những thay đổi này nhằm mục đích điều chỉnh luật phù hợp hơn với tình hình thực tế của đất nước cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động.

Bộ luật lao động 2019

Bộ luật lao động mới nhất năm 2019 số: 45/2019/QH14

1. Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật lao động 2019

Ngay từ khi mới ban hành Bộ luật lao động 2019 nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Bộ luật lao động 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, và kể từ khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực sẽ thay thế cho Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 năm 2012.

Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật lao động gồm quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

2. Những điểm nổi bật đáng chú ý của Bộ luật lao động 2019

Những điểm nổi bật đáng chú ý của Bộ luật lao động 2019 ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động bao gồm: 

  1. Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021; 

  2. Được nghỉ 02 ngày nghỉ Quốc Khánh (02/09); 

  3. Người lao động có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước; 

  4. Từ ngày 01/01/2021 xóa bỏ hợp đồng lao động mùa vụ và thêm nhiều trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương.

2.1 Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021 

Căn cứ Điều 169, Bộ luật Lao động 2019 lộ trình điều chỉnh sẽ bắt đầu từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Độ tuổi nghỉ hưu chính thức được áp dụng là đủ 62 tuổi đối nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu làm việc trong điều kiện bình thường

Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu làm việc trong điều kiện bình thường

Trường hợp NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, 

Trường hợp còn NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Xem thêmQuy định chi tiết tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP

2.2 Được nghỉ 02 ngày nghỉ Quốc Khánh (02/09)

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 112 của Bộ luật lao động 2019, từ 01/01/2021, cán bộ công chức, viên chức và NLĐ được nghỉ 02 ngày vào dịp Quốc khánh mùng 2 tháng 9. Trong đó sẽ nghỉ 01 ngày vào ngày 02/09 và 01 ngày liền kề trước hoặc sau ngày 02/09. Như vậy so với quy định cũ số ngày nghỉ đã tăng thêm 01 ngày.

Các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết khác được giữ nguyên so với quy định cũ cụ thể là:

“1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Quốc khánh 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).”

2.3 Người lao động có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 35, Bộ luật Lao động 2019 NLĐ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;

  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 35, Bộ luật Lao động 2019 NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động trong các trường hợp:

  • Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

  • Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

  • Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

  • Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính Phủ.

2.4 Từ ngày 01/01/2021 xóa bỏ hợp đồng lao động mùa vụ 

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 20, Bộ luật Lao động 2019 hợp đồng lao động chỉ phải được giao kết theo một trong 2 loại sau đây:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Như vậy, Bộ luật lao động 2019 đã không còn hợp đồng lao động theo mùa vụ. Điều khoản này chính thức được áp dụng khi Bộ luật lao động này có hiệu lực từ 01/01/2021.

Người lao động được thêm ngày nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương

Người lao động được thêm ngày nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương

2.5 Thêm nhiều trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 115, Bộ luật Lao động 2019, NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp sau đây:

  • Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

  • Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

Đối chiếu với Bộ luật lao động 2012 có thể thấy các trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương được bổ sung gồm: 

  • Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày.

  • Cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng chết: nghỉ 3 ngày.

Việc bổ sung các trường hợp nghỉ trên đã tạo thuận lợi rất nhiều cho người lao động vào năm 2021, giúp người lao động được hưởng nhiều quyền lợi hơn so với trước kia.

Bộ luật là động mới nhất và những điểm nổi bật đáng chú ý được Bảo hiểm xã hội điện tử eBH chia sẻ trong bài viết này hy vọng sẽ mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích. Người lao động và người sử dụng lao động cần chủ động nắm bắt những quy định mới trong bộ luật để đảm bảo công việc và quyền lợi của mình không bị ảnh hưởng.

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu