Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu xuống 15 năm
Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu đang là vấn đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người lao động. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 114/NQ-CP thống nhất đề xuất xem xét giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu xuống 15 năm
1. Thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu giảm còn 15 năm
Ngày 28/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 114/2023/NQ-CP Phiên họp Chính phủ tháng 7/2023 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Theo đó, Chính phủ thống nhất về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bổ sung thêm chính sách, tăng thêm quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, Chính phủ cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như: Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc…
Chính phủ nhận định, nội dung dự thảo Luật cơ bản đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong điều kiện mới, khắc phục nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật.
Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật theo hướng tiếp tục tổng kết quy định pháp luật liên quan và tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn.
Đặc biệt, Chính phủ cho rằng, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội nên có thể đưa ra 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội. Đặc biệt, cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu quy định các biện pháp thiết thực hỗ trợ, khuyến khích người lao động tự nguyện bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nghị quyết 114/NQ-CP có ảnh hưởng lớn tới người lao động
Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội cần tổng hợp hai phương án để xin ý kiến Quốc hội, trong đó thể hiện rõ về phương án được lựa chọn, xác định tổng mức chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội cụ thể của mỗi phương án trên cơ sở đánh giá đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Như vậy, theo Nghị quyết, để được hưởng lương hưu, người lao động phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu là 15 năm.
2. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực khi nào?
Hiện nay, thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm đã giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do thời gian đóng BHXH chưa đủ theo quy định.
Như vậy, với quy định mới, người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn do tham gia BHXH muộn, tham gia không liên tục có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, được bảo đảm BHYT khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Ngoài ra, quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Luật BHXH sửa đổi dự kiến được trình Quốc hội vào tháng 5/2024
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, vào kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5/2024, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua.
Do đó, từ nay dự kiến đến tháng 05/2024, thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động vẫn là 20 năm như hiện hành.
3. Mức hưởng lương hưu thay đổi thế nào khi giảm đóng BHXH xuống 15 năm?
Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, mức lương hưu được quy định như sau:
- Mức lương hưu được tính bằng 45% mức đóng, nếu tham gia BHXH đủ 15 năm với nữ và 20 năm đóng với nam. Sau đó, mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2% vào lương hưu. Lương hưu tối đa bằng 75% mức đóng (nam đóng tối đa 35 năm, nữ tối đa 30 năm).
- Trường hợp thời gian tham gia BHXH từ 15-20 năm với nam, mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% lương tháng tính đóng BHXH.
Như vậy, nếu đề xuất Luật BHXH được thông qua thì:
- Lao động nữ tới tuổi nghỉ hưu khi có 15 năm đóng BHXH sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng.
- Lao động nam tới tuổi nghỉ hưu có thời gian tham gia BHXH 15 năm thì lương hưu được tính bằng 33,75% mức đóng.
Theo đó, lương hưu sẽ được tính theo công thức sau:
Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trên đây là những tổng hợp từ Bảo hiểm xã hội điện tử eBH về chính sách giảm thời gian đóng BHXH. Hy vọng bài viết đã mang lại cho quý độc giả những thông tin hữu ích nhất.