Quy định về hình thức kỷ luật sa thải đối với cán bộ, công chức, viên chức
Quy định về hình thức kỷ luật sa thải đối với cán bộ, công chức, viên chức năm 2021 được thực hiện căn cứ vào Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18/9/2020 của Chính phủ. Theo đó, các các trường hợp công chức, viên chức bị sa thải sẽ bị đơn vị sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Quy định về hình thức kỷ luật sa thải đối với cán bộ, công chức, viên chức năm 2021.
1. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức viên chức
Căn cứ theo Điều 7, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP trường hợp cán bộ, công chức, viên chức khi có các hành vi vi phạm Pháp luật hoặc hành vi vi phạm kỷ luật lao động tùy theo từng mức độ vi phạm và phạm vi ảnh hưởng sẽ bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức như:
Đối với cán bộ, công chức:
- Áp dụng đối với cán bộ: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm.
- Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.
- Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
Hình thức kỷ luật sa thải (hay hình thức kỷ luật buộc thôi việc) là hình kỷ luật sa thải nặng nhất. Hình thức kỷ luật này sẽ chấm dứt mối quan hệ lao động giữa đơn vị sử dụng lao động và người lao động.
2. Quy định các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật sa thải
Các đối tượng là cán bộ sẽ có hình thức kỷ luật sa thải khác với công chức, viên chức. Các đối tượng là công chức thì có hình thức kỷ luật khác với viên chức.
2.1 Áp dụng với cán bộ, công chức
Căn cứ theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP hình thức kỷ luật sa thải (buộc thôi việc) đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tái phạm vi phạm đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Nghiện ma túy (có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền).
Ngoài ra, hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này) thuộc một trong các trường hợp sau:
- Không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.
2.2 Quy định về hình thức kỷ luật sa thải đối với viên chức
Căn cứ theo quy định tại Điều 19, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18/9/2020 hình thức kỷ luật sa thải (buộc thôi việc) đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;
- Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
3. Nguyên tắc và trình tự kỷ luật sa thải đối với cán bộ, công chức, viên chức
Khi xử lý vi phạm dưới hình thức kỷ luật sa thải cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị phải thực hiện theo nguyên tắc và trình tự của Luật cán bộ, công chức, viên chức.
Nguyên tắc và trình tự sa thải cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Pháp luật.
3.1 Nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức
Theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP có 8 nguyên tắc cần tuân thủ khi xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:
(1) Phải khách quan, công bằng; thực hiện công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật.
(2) Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật.
(3) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn 01 mức so với mức trước đó hoặc áp dụng hình thức nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.
(4) Phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra để xem xét xử lý kỷ luật.
(5) Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự.
(6) Nếu trước đó đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.
(7) Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm trong quá trình xử lý kỷ luật.
(8) Nếu có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.
3.2 Trình tự thực hiện kỷ luật sa thải đối với cán bộ, công chức, viên chức
Đối với cán bộ:
Căn cứ theo Điều 21, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ như sau:
(1) Đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật. Tổ chức họp kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền nếu cần.
Trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.
Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ thì đề xuất được gửi đồng thời tới Bộ Nội vụ để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trường hợp chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền thì trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Nghị định này. Cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 20 Nghị định này quyết định thành phần họp kiểm điểm và thành phần Hội đồng kỷ luật.
(2) Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Trình tự các bước kỷ luật sa thải đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với công chức:
Căn cứ theo quy định tại Điều 25, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo các bước sau đây:
- Tổ chức họp kiểm điểm;
- Thành lập Hội đồng kỷ luật;
- Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, nếu xử lý kỷ luật theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định thì không thực hiện quy định tổ chức kiểm điểm. Nếu công chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không thực hiện quy định tại khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Đối với viên chức:
Theo quy định tại Điều 32, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức được thực hiện theo các bước sau:
- Tổ chức họp kiểm điểm;
- Thành lập Hội đồng kỷ luật;
- Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Đối với trường hợp quy định tại Khoản 4, Điều 3, Nghị định này thì không thực hiện Khoản 1 Điều này. Trường hợp viên chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Như vậy, quy định về hình thức kỷ luật sa thải đối với cán bộ, công chức, viên chức rất chặt chẽ và cụ thể đối với từng trường hợp. Cán bộ công chức, viên chức cần nắm được để có các phương án phòng tránh và xử lý khi vi phạm cho phù hợp.
Xem thêm >> Từ 1/7/2020 những chính sách mới cán bộ công chức cần lưu ý