Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được mở rộng năm 2017
Mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm là một trong những quy định được sửa đổi nhằm hướng tới bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH trong dài hạn.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hiện đại hóa các cơ sở quản lý để triển khai hiệu quả các quy trình nghiệp vụ.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, từ 1/1/2018, đối tượng tham gia BHXH được mở rộng thêm bao gồm người lao động có hợp đồng từ 1 - 3 tháng, người lao động nước ngoài có giấy phép lao động, giấy phép hành nghề.
Mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm là một trong những quy định được sửa đổi nhằm hướng tới bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH trong dài hạn. Tuy nhiên, khi thời điểm 1/1/2018 gần kề, nhiều doanh nghiệp băn khoăn, việc đóng BHXH cho người lao động làm việc ngắn hạn sẽ khiến doanh nghiệp thấy “phiền phức”, bởi lượng lao động này không ổn định, thường xuyên chuyển chỗ làm, đặc biệt với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất có tính mùa vụ, sử dụng nhiều lao động ngắn hạn.
Theo ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, người lao động dù chỉ làm việc một vài tháng thì vẫn có thể gặp rủi ro và phải đảm bảo quyền lợi cho họ. Do đó, khi sửa Luật BHXH đã đưa nhóm lao động này vào diện bắt buộc tham gia BHXH.
Về khâu tổ chức thực hiện, BHXH đã hiện đại hóa các cơ sở quản lý để triển khai thực hiện tốt các quy trình nghiệp vụ cấp sổ, thẻ, chi trả quyền lợi cho người lao động.
“Theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, chúng tôi đã rút ngắn thời gian cấp sổ, thẻ cho người tham gia mới. Luật quy định, thời gian là 20 ngày, nhưng chúng tôi đã rút ngắn chỉ còn 7 ngày. Đó là với người mới tham gia. Với người đã tham gia, có mã số BHXH, được trả sổ BHXH, thì có thể tham gia đóng bảo hiểm ở bất cứ đâu và với việc đăng ký điện tử thì chỉ mất 2 ngày, thậm chỉ trong ngày là xong”, ông Trần Đình Liệu cho biết.
Theo ông Liệu, nhiều công việc trước đây do đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện thì nay đã chuyển sang BHXH, kể cả việc tiếp nhận, trả hồ sơ, giải quyết chính sách. Đơn vị dịch vụ công là bưu điện sẽ đến tận nơi nhận hồ sơ, việc trả hồ sơ, sổ, thẻ cũng đến tận nơi, đơn vị sử dụng không phải đến cơ quan BHXH, không phải trả phí. Sổ BHXH được trả tận tay người lao động. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH thuận tiện, dễ dàng.
Xem thêm: nộp bảo hiểm điện tử
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đang rà soát bổ sung thông tin người tham gia để cấp mã số BHXH, tiến tới hoàn thành cấp thẻ BHXH điện tử vào năm 2020, thay thế hoàn toàn cho thẻ bảo hiểm y tế và sổ BHXH giấy như hiện nay. Cơ quan này đang phấn đấu đạt mục tiêu đồng bộ và ghép được 70% mã số BHXH cho người tham gia trên toàn quốc và sau đó sẽ tiến hành in, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế theo mã số định danh.
Cũng từ 1/1/2018, quy định mới về tiền lương đóng BHXH có hiệu lực. Theo đó, tiền lương đóng BHXH sẽ bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Nhiều doanh nghiệp băn khoăn, căn cứ tính đóng BHXH sẽ là tổng thu nhập của người lao động?
Về vấn đề này, ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, nền tiền lương đóng BHXH không phải là tổng thu nhập của người lao động. Theo quy định hiện hành, tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung và được phân loại thành 2 nhóm cố định hàng tháng theo kỳ trả lương và các khoản không định kỳ.
Xem thêm: Gần 6,6 triệu sổ bảo hiểm xã hội được giao cho người lao động
“Chỉ những khoản phụ cấp lương và bổ sung được trả cố định theo kỳ lương mới tính vào thu nhập để tính mức đóng BHXH”, ông Trần Hải Nam nhấn mạnh.
Các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung khác mà phụ thuộc vào kết quả sản xuất, doanh số, phụ thuộc vào kết quả làm việc của người lao động thì không tính làm căn cứ đóng BHXH.
Theo ông Nam, nền tiền lương đóng BHXH hiện nay chưa tiệm cận thu nhập thực tế của người lao động được nhận. Quy định mới hướng tới điều chỉnh mức lương đóng BHXH tiến gần hơn nữa thu nhập thực tế.
Về tác động đối với doanh nghiệp, ông Nam cho rằng, việc này còn phụ thuộc vào thang lương, bảng lương và quy chế trả lương của doanh nghiệp. Nếu trong cấu phần tiền lương, mức chi trả lương chiếm đa số thì điều chỉnh mức đóng sẽ không đáng kể. Nhưng nếu doanh nghiệp để mức lương thấp, phân bổ chủ yếu vào phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thì khi điều chỉnh mức đóng theo quy định mới, doanh nghiệp sẽ phải đóng thêm. Như vậy, tác động còn tùy thuộc từng doanh nghiệp.
(Theo - Báo Đầu tư -)
Tin liên quan: Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương cơ sở mới từ tháng 7